Không thụ động trong thảm họa, nhiều tấm gương phụ nữ đã vươn lên không chỉ giúp bản thân gia đình mà còn hỗ trợ cộng đồng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Trong bối cảnh hàng năm Việt Nam phải gánh chịu nhiều thảm họa và khả năng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, việc ghi nhận vai trò tích cực của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu là điều thiết yếu.
Đã từ rất lâu phụ nữ bị coi là những nạn nhân thụ động trong thảm họa. Tuy nhiên, có rất nhiều tấm gương của những người phụ nữ mạnh mẽ, cùng với nam giới xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi cho gia đình, cộng đồng và đất nước.
Phụ nữ Hải Ninh chung tay hỗ trợ cộng đồng
Xã Hải Ninh là xã duy nhất của huyện Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình không bị ngập trong 2 đợt lũ vừa qua. Trước tình hình lũ dữ làm ngập 14 xã, thị trấn trong toàn huyện. Hội Phụ nữ Hải Ninh đã có những hành động thiết thực trong việc giúp nhân dân các xã, thị trấn bị ngập sớm ổn định cuộc sống.
Câu chuyện của lực lượng "tóc dài" tham gia vào việc vận động nguồn hỗ trợ cho nhân dân và trực tiếp cùng tham gia với các lực lượng công an, quân đội trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ Quảng Ninh bắt đầu bằng việc chứng kiến sự khó khăn của các hộ gia đình tại các xã, thị trấn bị ngập trong trận lũ lịch sử từ ngày 16-24/10.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Ninh, huyện Quảng Bình Nguyễn Thị Nhâm chia sẻ đêm 18/10, khi lũ đã ngập hết 14 xã, thị trấn của huyện, chúng tôi quyết định vận động chị em liên hệ thuyền và tổ chức góp gạo và lương thực. Ngày 19, chúng tôi đã dùng bếp ga tại 12 hộ gia đình để nấu cơm và lượng thực, dùng thuyền đi cùng các lực lượng đến để cứu trợ cho các xã.
Từ ngày 19-24/10, chúng tôi liên tục vận động các hội viên phụ nữ trong xã và các tổ chức khác, các nhà hảo tâm để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân vùng ngập.
Riêng trong thời gian khoảng 5 ngày mưa ngập, phụ nữ xã Hải Ninh đã cung cấp được khoảng 26 nghìn suất cơm nhờ sự tham gia đóng góp của khoảng trên 1.000 hội viên phụ nữ. Họ nấu cơm và chuyển cơm đến cho nhân dân xã vùng lũ.
Ngoài ra, các hội viên phụ nữ xã Hải Ninh còn tham gia vào việc giúp đỡ các hộ dân các xã lân cận bị ngập trong việc vận động người dân sơ tán lên chỗ an toàn, quyên góp quần áo, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân vùng ngập.
"Tôi cùng các hội viên khác trong xã đã phải dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nấu cơm để chuyển đi, chúng tôi thực hiện việc cung cấp các xuất ăn hàng ngày. Sau thời gian vận động quyên góp, chúng tôi đã nhận được khoảng 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho vùng lũ. Ngoài nhu yếu phẩm hàng ngày, chúng tôi cũng vận động để mua, hỗ trợ băng vệ sinh cho phụ nữ vùng lũ. Mặc dù gia đình nhà chồng tôi tại xã Võ Ninh cũng bị ngập, tôi vẫn cố gắng vừa khắc phục úng ngập tại nhà chồng, vừa tích cực cùng chị em thuộc các chi hội trong xã vận động ủng hộ, giúp đỡ người dân," chị Nhâm cho biết.
Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Định Nguyễn Thị Lướng cho biết: "Bản thân tôi cũng đã đứng ra vận động chị em và các nhà hảo tâm quyên góp được 80 triệu đồng, góp sức nhỏ bé trong việc hỗ trợ nhân dân các xã vùng lũ trong huyện khắc phục những khó khăn trước mắt trong cuộc sống."
Bày tỏ sự cảm động trước hành động của những người phụ nữ xã Hải Ninh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duy Ninh Phạm Minh Cảnh cho biết, trong đợt lũ vừa qua xã Duy Ninh cũng là một trong những xã bị ngập nặng, song được sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm, chúng tôi còn được sự giúp đỡ trực tiếp về lương thực, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác từ hội phụ nữ xã Hải Ninh.
Đội xung kích nữ tại Thừa Thiên-Huế
Đội xung kích nữ tại thôn Thai Dương Thượng Tây (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được coi là mô hình phụ nữ tham gia trực tiếp vào công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả.
Chị Phạm Thị Toàn (66 tuổi, Đội trưởng đội xung kích thôn Thai Dương Thượng Tây) cho biết đội xung kích chúng tôi có 5 chị em, mỗi khi có thông tin về thiên tai, tôi đều tập hợp chị em trong đội và trực tiếp cầm loa tay thông báo về tình hình, diễn biến của bão, mưa lũ, hướng dẫn bà con sơ tán, chằng chống, dọn dẹp nhà cửa, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Ngoài ra, đội xung kích còn được trang bị các kỹ năng về sơ cứu khi có người bị thương, dạy bơi cho trẻ nhỏ.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong công tác phòng, chống thiên tai, chị Toàn cho biết, thôn Thai Dương Thượng Tây là một trong sáu thôn của xã Hải Dương nằm sát phá Tam Giang, giáp với biển và thường xuyên bị nước tràn ngập mỗi khi xảy ra mưa lớn, lụt bão.
Với diện tích nhỏ lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên làng chài ven biển mỗi khi có bão ập đến tjof đều chịu những thiệt hại nặng. Năm 1999, cơn bão kèm theo mưa lớn đã cuốn trôi 22 ngôi nhà trong thôn, nhiều người dân mất nhà cửa, bị thương đã khiến cuộc sống khi đó rất khó khăn. Chính vì thế, mỗi khi có tin bão vào, người dân nơi đây không hề chủ quan mà luôn luôn chủ động đối phó.
Năm 2015, một năm sau khi đội xung kích nữ các thôn được thành lập, thôn Thai Dương Thượng Tây có bão vào. Trong khi đội xung kích cấp xã tham gia cứu hộ, cứu nạn thì đội xung kích nữ lo ổn định hậu phương, giúp các gia đình chị em khó khăn.
Đánh giá về mô hình xung kích nữ, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hải Dương Trần Thị Tâm khẳng định, đây là mô hình nữ xung kích phòng chống thiên tai hoạt động hiệu quả. Các chị em trong đội hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm, tuy nhiên, mô hình này cần được tiếp tục tập huấn, hỗ trợ thêm trang thiết bị trong hoạt động phòng chống thiên tai để hoạt động hiệu quả hơn.
"Các chị vẫn đảm bảo công việc hằng ngày nhưng khi có thiên tai xảy ra, lại kịp thời có mặt khắp thôn để giúp đỡ mọi người. Đó không chỉ là tình làng nghĩa xóm mà còn là một mô hình hiệu quả để nhân rộng ra nhiều địa phương. nhằm giúp người dân chủ động hơn trong ứng phó, phòng tránh thiên tai, giảm thiệu thiệt hại về người và tài sản," chị Tâm nhấn mạnh.
Hướng tới các giải pháp hiệu quả
Theo Tiến sỹ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác phòng chống thiên tai.
Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong phòng chống thiên tai các giải pháp được đề ra gồm:
Thứ nhất, việc xây dựng bộ dữ liệu phân tích giới trong báo cáo tác động thiên tai là điều kiện cần thiết để có đủ bằng chứng khoa học trong hoạch định chính sách. Dữ liệu có phân tách giới và độ tuổi giúp cho nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện hơn đối với giới nói chung cũng như vai trò của người phụ nữ trong ứng phó cũng như tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Thứ hai, phụ nữ cần được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức và kiến thức thông qua đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ đồng thời thông qua đào tạo, tập huấn, sẽ giúp phụ nữ hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai.
Thứ ba, vai trò của phụ nữ giúp phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong phòng chống thiên tai. Đây là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả đối với các bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở cần được bổi dưỡng, nâng cao kiến thức để họ có đủ năng lực phân tích, đánh giá tình hình, quyết đoán và biết cách huy động lực lượng khi thiên tai xảy ra; hội viên, phụ nữ chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của chính quyền đặc biệt khi được vận động di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở cần phân công hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai một cách rõ ràng; hội viên, phụ nữ có trách nhiệm tìm hiểu kiến thức và rèn luyện các kỹ năng phù hợp với những công việc được phân công tham gia chuẩn bị hoặc sẵn sàng cung cấp các phương tiện sản xuất để phục vụ công tác ứng cứu (thuyền, bè, phương tiện đi lại...); vận động phụ nữ và người dân cộng đồng dự trữ tốt lương thực, thực phẩm và các dụng cụ cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày để khi có thiên tai xảy ra thì có đầy đủ điều kiện cả về chất và lượng để phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ các cấp về kiến thức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu: phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn để tập huấn kiến thức cho cán bộ phụ nữ các cấp các kiến thức liên quan thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, hội nghị, tọa đàm.