Nhiều cựu chiến binh tiếp tục thể hiện bản lĩnh của người lính Cụ Hồ khi trở thành những điển hình tiên tiến trên mặt trận đổi mới, phát triển kinh tế và công tác xã hội. Hơn bao giờ hết, họ là những người lính “tàn nhưng không phế”, là tấm gương sáng của ý chí và nghị lực để thế hệ hôm nay học tập, noi theo.
“Điểm tựa” của nhân dân
Vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), chúng tôi có dịp đi cùng đoàn lãnh đạo TPHCM ghé thăm Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Nguyễn Văn Đức (bí danh Sáu Đức, Chỉ huy đoàn tàu không số thuộc Lữ đoàn 759 nay là Lữ đoàn 125 Hải quân), hiện đã nghỉ hưu và sinh sống tại phường 12, quận 5, TPHCM. Gặp chúng tôi, người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn giọng nói hào sảng nhắc nhớ lại nhiều kỷ niệm không bao giờ phai nhạt về đồng chí, đồng đội.
“Năm 21 tuổi, tôi xung phong vào quân ngũ và cơ duyên được xếp vào biên chế đoàn tàu không số để vận chuyển vũ khí, quân nhu vào phục vụ cho chiến trường miền Nam. Đó là những năm tháng không thể quên với tôi, trong đó có những đồng chí, đồng đội đã hy sinh mà tôi rất đỗi tự hào” - ông Sáu Đức vừa kể lại kỷ niệm, vừa lật giở những tấm hình cũ, nhắc tên từng đồng đội của mình. “Trong biên đội của đoàn tàu không số được giao vào giải phóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (đợt 2) vào ngày 24/4/1975, các lực lượng đã tiếp cận giải phóng đảo Sơn Ca, sau đó là các đảo Nam Yết, Sinh Tồn và mặt trận cuối cùng là đảo Trường Sa Lớn. Trong đợt giao chiến tại đảo Sơn Ca, phía ta có 1 đồng chí hy sinh” - ông Sáu Đức nhớ lại.
Ông Sáu Đức nói: Giải phóng các đảo ở Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là chiến công mà ông và các đồng đội của mình hết sức tự hào, xúc động. Trở lại với thời bình, ông Sáu Đức tiếp tục đảm trách Trưởng ban liên lạc tàu không số tại TPHCM, cùng các cựu chiến binh vận động xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa; tổ chức nhiều hoạt động tri ân đồng đội, xây dựng các công trình cầu bê tông xóa cầu khỉ, tặng quà, trao học bổng cho con em các thương binh, liệt sĩ...
Rời căn nhà nhỏ của ông Sáu Đức ở quận 5, TPHCM, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến thăm cựu chiến binh Đặng Đình Sớm - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 6, xã Tóc Tiên, đồng thời là Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Sớm cho biết: “Kể từ khi về nghỉ hưu ở địa phương, tôi luôn đau đáu với công tác mặt trận và có mong muốn tột cùng là được tri ân, chăm lo cho những đồng chí, đồng đội, các cựu chiến binh đang có hoàn cảnh khó khăn”.
Cũng theo ông Sớm, việc quan tâm, chăm lo chính sách cho đối tượng người có công, thương binh, liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mặt trận, của Đảng và Nhà nước mà còn là trách nhiệm của những người lính Cụ Hồ may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh, được trở về với thời bình. “Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vừa có chuyến về nguồn tri ân, đến dâng hương tại nơi trận tuyến năm xưa, đồng thời gửi tặng 190 lá cờ Tổ quốc cho UBND xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang” - ông Sớm chia sẻ. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, trải qua 11 năm làm công tác Mặt trận, cựu chiến binh Đặng Đình Sớm không giấu nổi niềm đam mê với vai trò “người Mặt trận”, và mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã được ông và các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận ấp ủ thực hiện. Mô hình này được phát động từ năm 2011 đến nay, đã khiến nhiều kẻ gian, trộm cướp phải tránh xa...
Ôn cố tri tân, đền ơn đáp nghĩa
Trong những ngày tháng 7 đặc biệt, chúng tôi có dịp đến thăm nhiều cựu chiến binh từng tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia giải phóng dân tộc, hiện đang nghỉ hưu và tham gia công tác xã hội tại TPHCM. Dù rời quân ngũ trở lại với cuộc sống thường nhật, nhiều cựu chiến binh vẫn đang hàng ngày gắn kết cùng nhau để chăm sóc, hỗ trợ cho những đồng đội, thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Trịnh (SN 1958, thương binh hạng 1) đang sinh hoạt tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức chia sẻ, trong những ngày đặc biệt này ông và nhiều đồng đội của mình dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tiếp tục ý chí “còn sức còn chiến đấu”. Ông Trịnh mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn đối với những trường hợp cựu chiến binh, người có công... “Nhiều đồng chí, đồng đội của chúng tôi hiện có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nhiều cựu chiến binh mắc bệnh nặng rất cần sự chung tay của đồng chí, đồng đội và chính quyền địa phương” - ông Trịnh chia sẻ.
Vào dịp này, khi đến thăm AHLLVT Nguyễn Văn Đức, đại diện lãnh đạo TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ sự trân trọng trước nhiều hoạt động chung tay cùng thành phố tri ân đồng đội, thương binh, liệt sĩ của ban liên lạc tàu không số tại TPHCM cũng như cá nhân ông Sáu Đức. Lắng nghe những mong muốn được tiếp tục đi tìm đồng đội, chăm lo cho con em liệt sĩ đoàn tàu không số, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, sẽ cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, nhất là công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau để cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.