Nhiều năm sống trong nghèo khổ, thiếu thốn và hiện nay vẫn ngày ngày đạp xe lang thang khắp phố phường để nhặt ve chai, bán đậu phộng nhưng ông Trương Lâm (65 tuổi) ngụ tại phường 12 (quận 8, TP HCM) lại từ chối không nhận tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Lý do cũng thật đơn giản, bởi ông thấy cuộc sống mình “vẫn ổn” nên xin nhường sự hỗ trợ ấy cho người khác. Nhưng đó không phải là điều đặc biệt nhất của người đàn ông này…
Sóng gió cuộc đời
Lần theo địa chỉ trong một con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp mà cứ ngỡ mình lạc đường, chúng tôi tới nhà ông Lâm vào một buổi trưa nắng gắt. Một người dân trong hẻm cho biết, ông Trương Lâm (ông Năm) sống ở đây rất lâu nhưng ít ai nói chuyện với ông, vì ông khá lập dị, cô độc. Hơn nữa, ông thường đi lang thang suốt ngày, rất ít khi ở nhà.
Theo lời kể của người trong xóm, trước kia gia đình ông Năm rất khá giả, có tiệm sản xuất buôn bán loại xà bông riêng, nhưng do đam mê cờ bạc nên ông bị phá sản, nợ nần rất nhiều. Vì không chịu được cuộc sống ấy, vợ con ông bỏ đi mất tích. Từ đó, ông sống một mình cô độc trong căn nhà ọp ẹp.
Thế nhưng, tiếp xúc chúng tôi thấy ông Năm khá minh mẫn, vui vẻ. Ông kể hơn 20 trước, nhiều biến cố cuộc đời đã xảy ra, cướp đi của ông tất cả. Từ tài sản, vợ con, bạn bè cho tới danh dự. Thế nhưng, thay vì bỏ đi một vùng đất mới làm lại cuộc đời như nhiều người từng khuyên bảo, ông vẫn ngày ngày ở trong căn nhà cũ, đối diện với những đau khổ đời mình.
Bao nhiêu năm qua, tất cả mọi thứ trong căn nhà ông không thay đổi, nó chỉ tự cũ kỹ, hoen ố đi theo thời gian. Thế nhưng, nếu thế giới nội tâm ông có thể tự vượt qua thì thế giới mưu sinh lại không hề dễ dàng. Từ một người tiền bạc rủng rỉnh, ông phải đi ăn xin từng bữa. Lang thang khắp các ngã tư, công viên, vỉa hè quận 8, quận 6, 5, Bình Chánh để tìm kiếm lòng thương hại cuộc đời mong tồn tại.
Cũng như hàng triệu người khác, trong đại dịch Covid-19, cuộc sống của ông Năm mấy tháng qua bị đảo lộn rất nhiều. Ông không còn ra phố lượm ve chai, cũng không đi bán đậu phộng kiếm tiền được nữa. Những ngày tháng ấy, ông sống nhờ vào số tiền ít ỏi gom góp trước đó, nhờ vào tình thương của mấy người hàng xóm và những bữa cơm từ thiện. Và, như nhiều hộ dân khác, ông cũng được chính quyền địa phương lập hồ sơ danh sách để nhận tiền hỗ trợ từ Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ.
750.000 đồng là số tiền không nhỏ cũng không lớn với ông. Có thể nó đủ giúp ông có tiền mua cơm cả tháng. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết từ chối nhận tiền.
Không phải bởi ông bất mãn, cũng chẳng phải ai xui khiến, vận động mà đơn giản, ông bảo mình mấy bữa nay vẫn còn nhiều gạo nấu cơm nên ông nhường tiền hỗ trợ đó cho người khác.
Còn sống là còn hy vọng
Kể với chúng tôi về cuộc sống hiện tại, ông Năm bảo ban ngày ông đạp xe loanh quanh các tuyến đường bán đậu phộng và lượm ve chai. Mỗi chiếc chai nhựa, vỏ lon bia ông bán được 300 đồng. Có ngày ông lượm được vài chục cho tới cả trăm chiếc. Tới khoảng chiều chiều, khi các quán ăn, quán nhậu ở thành phố lên đèn đón khách thì ông chuyển qua bán đậu phộng.
Tuy chỉ là hạt đậu phộng rang bình thường nhưng điều đặc biệt trên mỗi gói đậu phộng của ông có dòng chữ Thuận Phát bằng cả tiếng Hoa và tiếng Việt. Thay vì có thể photocopy những tờ giấy ấy cho nhanh chóng thì ông lại viết bằng cách in vào tấm mộc rất kỳ công. Ông Lâm bảo, Thuận Phát là tên thương hiệu xà phòng (xà bông) của ông ngày xưa, từng được nhiều người biết. Sau khi phá sản, do không thể khôi phục được thương hiệu xưa nên ông đặt tên những gói đậu phộng của mình. Mục đích là khách hàng mua biết thương hiệu ấy và cũng hy vọng nếu vợ con ông biết được sẽ quay về…
Thú thực, nhìn những gói đậu phộng nhỏ bé của ông, tôi nghĩ chúng quý bởi những tờ giấy viết tay tỉ mỉ, ghi những dòng chữ cũ kỹ ấy chứ không hẳn là hạt đậu phộng. Và dòng chữ Thuận Phát mà ông ghi trên mỗi gói đậu kia dường như để ông nhớ, hồi tưởng về một thời quá khứ tươi đẹp của mình.
Nhiều người hàng xóm ông Năm bảo với tôi rằng, nếu ông cho thuê căn nhà hoặc đơn giản hơn, ông bán đi cho người khác thì vẫn có mấy trăm triệu đồng, một số tiền đủ để ông sinh sống khá giả hay an nhàn hơn với cuộc đời vì tuổi ông cũng đã cao. Thế nhưng, ông nhất quyết không làm vậy.
Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Năm bảo hằng đêm trong giấc ngủ, ông vẫn mơ vợ và con ông sẽ quay trở về căn nhà này. Có lần ông sang nhà ngoại để tìm vợ con, phía nhà ngoại nói “không biết tin gì”. Nhưng ông lại nghĩ khác và mong con cái khi trưởng thành sẽ hiểu chuyện và quay về. Đó cũng là lý do dù phải đi ăn xin, lượm ve chai vật vờ khắp phố xá nhưng ông nhất quyết không bán căn nhà.
Mỗi người, dù xuất phát ở thân phận gì, địa vị ra sao, là một người sa cơ lỡ vận hay một giám đốc đều có một cuộc đời, một số phận và một tính cách. Ông Năm cũng vậy.
Có thể hơn 20 năm qua, ông là một người nghèo trong mắt tất cả mọi người nhưng ông lại không bao giờ cảm thấy thiếu thốn tiền bạc.
Trong thế giới của riêng mình, với công việc và nhu cầu riêng mình, ông bình thản và nhẹ nhàng, cặm cụi và cần mẫn, kiên trì và bền bỉ đến kinh ngạc. Hy vọng, một ngày không xa ông sẽ tìm thấy hạnh phúc của đời mình. Một thứ hạnh phúc trong trẻo không nhuốm màu tiền bạc.