Tết là nơi để trở về. Tết là nơi đoàn viên gia đình, đặc biệt với những người đi xa. Tuy nhiên, mỗi khi Tết đến không phải ai cũng may mắn được về quê đoàn tụ gia đình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người một số phận… bởi thế Tết vẫn còn có nhiều người vất vả mưu sinh chốn phồn hoa. Với họ Tết dường như đang ở rất xa…
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua trận đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất trong lịch sử, song nhờ thần tốc tiêm phủ vaccine phòng dịch nên những ngày cuối năm cuộc sống đang hồi sinh trở lại. Mai, đào và muôn loài hoa đua nhau xuống phố, nhà nhà, người người đi sắm Tết… khiến thành phố càng trở nên sôi động hơn, đẹp và đáng yêu hơn.
Hòa chung vào dòng người tấp nập sắm Tết, vui chơi;hòa chung vào dòng người hối hả về quê khiến sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng thì trên đường phố vẫn còn rất nhiều người lam lũ mưu sinh. Từ anh xe ôm, đến bác xích lô, chị nhặt ve chai, bán vé số… dù khác nhau về công việc nhưng đều có điểm chung là nghèo và không có điều kiện về quê ăn Tết. Bao tháng “đóng cửa” phòng, chống đại dịch, giờ là thời điểm họ bắt đầu công việc thường nhật để mưu sinh.
Với họ, dịch bệnh được kiểm soát, được trở lại công việc thân quen như thế cũng vui chẳng khác gì Tết. Tuy vậy, trong sâu thẳm ai chẳng mong muốn cho mình một cái Tết sum họp, đủ đầy. Nhưng biết làm sao, thu nhập thấp mà đường về thì xa quá. Vì đa số những người chạy xe ôm, nhặt ve chai, bán vé số đến từ các địa phương phía Bắc, miền Trung và miền Tây.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, những ngày ngày ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, đoàn thể những người làm nghề xe ôm, nhặt ve chai, bán vé số dạo tại TP HCM rất đỗi ngạc nhiên khi có nhiều người tìm đến quà Tết và lì xì. Điều đặc biệt, những người tặng quà Tết họ làm thiện nguyện ẩn danh, không “trống giong cờ mở”, không PR tràn lan.
Với họ, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mình được hưởng cái Tết đủ đầy thì phải có bổn phận sẻ chia cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là bổn phận, đơn giản thế. Và đây chính là điều trân quý nhất.
Khi cầm bút viết về những tấm lòng thơm thảo “ẩn danh” giúp đỡ người nghèo dịp Tết, chợt nhớ lời một nhà văn: “Người nghèo hoặc gặp khó rất cần tình thương thật lòng từ đồng loại lan trải. Họ cần được thấu cảm, san sớt, tiếp sức, cứu vớt. Nhưng nên nhớ, họ không phải là “con tin” và càng không phải là “sàn diễn” và càng không phải là “đấu trường”! Vâng, đối với người nghèo họ cần được sự giúp đỡ từ tâm, từ trái tim đến trái tim với tư cách đồng loại chứ không phải dùng người nghèo làm động cơ cho các mục đích khác.
Xuân đã về trên mọi nẻo đường, bản làng, góc phố, đâu đây trên khắp mọi miền của Tổ quốc mến yêu vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, những con người chưa có Tết. Và không chỉ ở TP HCM, tại các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… ngoài chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thì có những tổ chức, cá nhân đã và đang âm thầm mang xuân ấm đến với người nghèo. Chính những hành động nhân văn này là minh chứng sống động về sự tốt đẹp trong xã hội.
Từ buổi hồng hoang của loài người đến thời kỳ sơ khai của kinh tế thị trường cũng như hiện tại tốt - xấu luôn song hành, là hai mặt đối lập luôn tồn tại trong xã hội. Song có thể, xưa vì con người sống hiền hòa hơn hoặc dòng chảy công nghệ thông tin không như bây giờ nên các tin xấu ít được lan truyền.
Còn nay, với sự lên ngôi của công nghệ thông tin, chỉ cần một vụ án mạng trong tích tắc cả thế giới đều biết, nên cái xấu, cái ác ngày càng chiếm tỷ lệ trên các dòng tin tức nhiều hơn.
“Lấy cái đẹp để đẩy lùi cái xấu”, chúng ta tin những hành động nhân văn, ấp áp tình người của những người tặng quà và lì xì các lao động nghèo tại TP HCM chính là gam màu sáng làm cho bức tranh cuộc sống trở nên tươi sáng hơn.