Những ngày đầu năm, tàu cá Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tục cập bến đem về những hải sản từ Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy vui Tết muộn với gia đình những những ngư dân này vô cùng hân hoan vì chuyến đi biển trở về an toàn với tôm, cá đầy thuyền.
Nhân công và bạn tàu đang đưa hải sản lên bến.
Rộn ràng cảng cá đầu năm
Tại cảng các Tam Quang, Kỳ Hà… huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hay Sa Kỳ, Lý Sơn… tỉnh Quảng Ngãi những ngày này không khí vô cùng nhộn nhịp, bởi tàu thuyền liên tục ra vào. Người chúc mừng nhau đầu năm mới có những chuyến biển ra khơi thắng lớn. Kẻ thì mừng cho nhau khi tàu cập cảng sau chuyến đi xa trở về với hải sản đầy ắp tàu thuyền.
Không khí càng hối hả, rộn ràng, khi ngư dân vận chuyển lương thực, như yếu phẩm lên tàu để xuất bến ra khơi, cũng như chuyển hải sản đánh bắt được lên bờ, phân loại, chuyển lên xe để phân phối về các vùng miền, hay chuyển đến các cơ sở chế biến hải sản. Công việc tuy mệt nhọc, nhất là những ngư dân khi có chuyển biển xa mới trở về, nhưng bà con rất phấn khởi, vì được sum vầy cùng gia đình; có được chuyến biển thành công, hay những người ra khơi tin tưởng chuyến biển đầu năm thắng lợi.
Tiết trời như chiều lòng người, trời trong xanh, mây trắng bềnh bồng, biển yên ả, sóng vỗ nhẹ nhàng như báo hiệu một năm mới trời yên, biển lặng. Giá cả hải sản đầu năm tăng cao, vì thế ngư dân rất an tâm và phấn khởi.
Chủ tàu Nguyễn Thanh Vương cùng các bạn vớt cá từ hầm lên bến.
Gặp chúng tôi ngay trên bến cá Tam Quang, chủ tàu cá QNa-91945 có công suất 780CV - Nguyễn Thanh Vương, trú thôn Linh Sâm Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành phấn khởi: “Vui làm sao khi tàu cập bến đất liền. Muộn nhưng mình cùng bạn tàu sẽ ăn Tết với gia đình hoành tráng. Chuyến này thắng lớn rồi, lộc trời ban từ biển Hoàng Sa đó, chúng tôi đã đánh bắt được hơn 10 tấn cá các loại”.
Không chỉ tàu của ngư dân Vương mà rất nhiều tàu thuyền khác ở các cảng cá Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng liên tục cập bến đen về những sản vật từ Hoàng Sa, Trường Sa. Họ trở về nhà muộn sau chuyển biển xa, dài ngày, nhưng không vì thế mà mất vui khi Xuân về Tết đến. Họ không ngừng chúc mừng nhau và chúc cho những người sắp ra khơi một chuyến đi an toàn và thắng lợi. Không khí các cảng cá ngày này vô cùng sôi động.
Vui mừng lộc biển Hoàng Sa
Với hơn 10 tấn cá của tàu ngư dân Vương, sau khi thống nhất với đầu nậu, hòa chung các loại cá 50.000 đồng/kg. Nhanh chóng có đến 13 lao động xuống thuyền bắt đầu chuyển cá ở 8 hầm bảo quản hải sản. Thế là những con cá nục, cá ngừ tươi xanh lấp loáng nằm gọn trên sàn tàu. Anh Vương cho biết: “Hơn 10 tấn cá bao gồm cá nục, cá ngừ. Chúng tôi sẽ thu được số tiền là 500 triệu đồng, trừ các chi phí dầu, lương thực, thực phẩm, đá cây…, còn lại 400 triệu chia đôi: Chủ tàu 1/2 và các bạn biển 1/2”.
Các nhân công đang phân loại các loại cá để đưa đến nơi chế biến.
Chủ tàu Đỗ Thanh Cảnh cho biết: “Tàu chúng tôi khởi hành từ ngày 20 tháng chạp, chuyến biển này kéo dài gần 20 ngày. Nhưng chúng tôi chỉ đánh bắt vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết. Chỉ 2 mẻ lưới đạt hơn 10 tấn cá. Đây đúng là lộc trời cho đầu năm. Chúng tôi vô cùng vui mừng, càng mừng hơn khi tàu tôi đã cập bến đất liền an toàn. Giá cả lại tăng cao, nếu như trước Tết giá cá ngừ khoảng 30.000 đồng/kg thì giờ đây lên đến 50.000 đồng/kg”.
Thuyền viên Trần Văn Quốc, trú ở thôn Đông Tuần, xã Tam Hải phấn khởi: “Giờ đây tôi có hơn 15 triệu đồng của chuyến biển này, với gia đình tôi là số tiền lớn, để lo nhiều việc cho gia đình như mua sắm vật dụng, lo cho con cái học hành để tôi an tâm tiếp tục ra khơi!”.
Nghề biển thắng lớn thì hậu cần nghề cá cũng ăn nên làm ra. Qua quan sát của chúng tôi, những ngày này ở tất cả các cảng cá rất nhiều xe động lanh tấp nập nối đuôi nhau vận chuyển hải sản. Mỗi một điểm neo tàu của đầu nậu có ít nhất từ 15 đến 30 nhân công để lo vận chuyển cá dưới tàu lên bến; phân chia các loại cá, cho lên xe đông lạnh hay chuyển đến các cơ sở sản xuất, chế biến.
Tàu cá QNa-91945 cập bờ sau gần 20 ngày bám biển Hoàng Sa.
Như tại cầu cảng tư nhân của bà Trần Thị Đông, ở thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, sáng ngày 7/2, trên bờ 2 xe đông lạnh trực sẵn và hơn 20 lao động nữ đang vận chuyển, phân loại cá mà gia đình bà đang thu mua.
Cùng đi cập bến với tàu với của ngư dân Vương, chủ tàu QNa 91731, Nguyễn Chung cho biết: “Thường thì hành trình đến Hoàng Sa tốn 2 ngày 2 đêm, nhưng chuyến đi này thời tiết lúc đầu khắc nghiệt, sóng to gió lớn nên phải mất 3 ngày tàu tôi mới tới biển Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa rồi, đỡ nhớ biển nhưng lại nhớ nhà quá, nhớ vợ con, nhớ Tết đất liền. Thế là chúng tôi dùng máy Icom để liên lạc với gia đình. Rồi trời ban lộc thắng đậm và giờ đã cập cảng nên thấy lòng thật vui!”.
Tàu thuyền cập cảng đất liền sau nhiều ngày ở biển xa và trúng đậm là niềm vui lớn cho cả gia đình. Chị Lý Thị Phương Linh, vợ thuyền trưởng Vương chân tình: “Tàu xuất bến khó mà nói hết nỗi buồn của mẹ con em. Có ai mong cha xa con, chồng xa vợ trong khi Tết về. Bởi mọi nhà, mọi người sum vầy thì gia đình mình thấy quá lẻ loi. Nhưng nghiệp đi biển nó thế nên đành chấp nhận, bây giờ tàu về an toàn còn chở theo đầy ắp cá còn gì vui bằng!”.
Đó cũng là tâm trạng chung của người người có chồng ra đi làm nghề biển khơi xa. Nhưng với họ nghề biển không chỉ là mưu sinh mà nó đã ăn sâu vào máu thịt. Đây cũng là truyền thống cha ông để lại. Bám biển để sống, để giữ gìn biển đảo với họ đó là trách nhiệm thiêng liêng. Ngàn đời họ vẫn yêu biển, vẫn mong chờ và hạnh phúc khi thuyền trở về đầy ắp tôm, cá với niềm vui sum vầy và thắng lợi.