Không chỉ lo kiếm tìm tri thức, rất nhiều du học sinh đã khoác lên mình nhiệm vụ lớn lao, đó là kết nối cộng đồng nơi họ đến du học. Họ thực sự là những thủ lĩnh thanh niên Việt Nam nơi xứ người.
Nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đam mê với những hoạt động kết nối.
Đam mê với các hoạt động kết nối
Với du học sinh (DHS) tại Berlin-Potsdam, Đức, không ai không biết cái tên Nguyễn Mai Sơn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam - thủ lĩnh của 500 du học sinh (DHS) tại Thủ đô của nước Đức.
Sở dĩ Mai Sơn được các bạn trẻ biết đến bởi, trong suốt thời gian du học trên nước bạn anh đã đã nỗ lực hết mình trong việc tạo sân chơi cho DHS ở Đức.
Quá nhiều chương trình mede in Việt Nam được Mai Sơn tổ chức như, Hội trại thanh niên, sinh viên Việt Nam toàn châu Âu; Tết cho DHS Việt tại Đức với sự tham gia của gần 500 sinh viên; tìm kiếm tài năng sinh viên Việt Nam tại Đức – SiviTa...
Hiệu quả của các chương trình do chàng thủ lĩnh này thực hiện đã giúp kết nối tình cảm của các bạn sinh viên nơi xứ người. Qua các hoạt động này, các bạn đã chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn nơi xứ lạ.
Không chỉ quan tâm các vấn đề giải trí, Mai Sơn còn thành lập Ban hỗ trợ sinh viên mới sang du học tại Đức để giúp các bạn du học sinh làm quen với môi trường sống mới.
Những hoạt động hỗ trợ được các bạn làm chu đáo từ quá trình làm hồ sơ đến tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, hỗ trợ thích nghi với cuộc sống mới tại nước sở tại. Các chương trình như hội thảo khoa học, hội thảo hướng nghiệp, hội thảo về học dự bị… do Sơn cùng các bạn đứng ra tổ chức đã giúp nhiều bạn sinh viên có cơ hội làm việc ngay tại Đức sau khi ra trường.
Trải lòng vì sao chàng thủ lĩnh 9x này lại “máu” “vác tù và hàng tổng” đến vậy, trong khi quỹ thời gian dành cho việc học, đi làm đã khiến Sơn không có thời gian để nghỉ, Mai Sơn tâm sự: Đơn giản dòng máu chảy trong tim Sơn là dòng máu Lạc Hồng.
Sơn tin, các bạn trẻ Việt đều có cùng suy nghĩ. Đoàn kết, gìn giữ văn hóa truyền thống, đưa Việt Nam gần hơn với thế giới, chắc chắn đó là nhiệm vụ của thanh niên. Quỹ thời gian của các DHS dẫu có eo hẹp nhưng chắc chắn nhiều hơn các cô, các bác hàng ngày phải vật lộn với công cuộc mưu sinh nơi xứ người.
“Trong năm 2017, chúng mình tiếp tục sứ mệnh gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam tại Đức. Bên cạnh duy trì các hoạt động văn hóa, hội dự định mở các lớp dạy tiếng Việt cho các bạn trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Đức”, Sơn chia sẻ.
Nguyễn Hà Duy và dự án những trái tim Việt Nam
Bận rộn với khối bài vở đồ sộ của sinh viên ngành Luật Đại học Tổng hợp quốc gia Astrakhan (Nga), Nguyễn Hà Duy vẫn tâm huyết tổ chức nhiều hoạt động để gắn kết cộng đồng du học sinh Việt trên khắp thế giới.
Duy được các bạn DHS biết đến là trưởng ban tổ chức của nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng DHS tại nhiều quốc gia như: dự án Những trái tim Việt Nam 2015 - MV thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc với sự tham gia của hàng trăm DHS ở 14 nước Anh, Mỹ, Phần Lan, Ba Lan, Italy, Nhật Bản...; DHS Việt chúc Tết năm 2015, 2016; cuộc thi Miss DHS Việt…
Tại xứ sở Bạch Dương, ban đầu Hà Duy gặp cú sốc bất đồng ngôn ngữ khi chỉ biết nói hai từ tiếng Nga là "cảm ơn" và "xin chào". Phải mất một năm học tiếng Duy mới thích nghi được với cuộc sống nơi đây. Dù bận rộn, áp lực với việc học nặng, nam sinh ngành Luật vẫn dành thời gian tổ chức nhiều hoạt động cho cộng đồng DHS Việt Nam khắp thế giới.
Duy cho biết, vì hiểu tâm lý cô đơn, thiếu thốn tình cảm của nhiều bạn khi đi học xa nhà nên em muốn tạo một môi trường để các bạn gắn kết nhau lại và thể hiện mọi khả năng của bản thân. Chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ khi làm thủ lĩnh kết nối cộng đồng Duy cho biết, khi kêu gọi du học sinh tham gia vào video chúc Tết hay hướng về Việt Nam, ban đầu mọi người đều e ngại vì bận học, bận thi và vì ngại.
Nhưng rồi dần dần các bạn cũng đã chủ động tham gia vì thấy điều đó thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả các bạn đều nhiệt huyết tham gia các hoạt động kết nối cũng không dễ bởi, để tổ chức một cuộc gặp mặt đông đủ ở nhiều nơi thì phải vượt qua sự chênh lệch múi giờ, sắp xếp công việc sao cho hợp lý. Duy nói, nhiều lúc khó quá muốn bỏ cuộc, nhưng thấy việc làm của mình có ý nghĩa, đem lại niềm vui cho mọi người nên vẫn cố gắng làm.
Chia sẻ về dự định tương lai, Nguyễn Hà Duy cho biết sẽ hoàn thành việc học tại Nga vào năm 2017 và trở về Việt Nam vận dụng kiến thức ngành Luật vào khởi nghiệp kinh doanh. Song song đó, em vẫn tổ chức các hoạt động cho DHS Việt khắp thế giới mà gần nhất là mùa hè năm 2016 với hoạt động tình nguyện dành cho trẻ em nghèo tại Việt Nam.
Trái tim sưởi ấm trái tim
Không chỉ kết nối cộng đồng DHS tại các nước sở tại bằng các hoạt động bề nổi, rất nhiều hội đoàn, do các thủ lĩnh du học sinh sáng lập đã có những phong trào thiết thực gây quỹ cùng hướng về đất mẹ.
Chẳng hạn như việc làm thường niên của các du học sinh Việt tại Nam Úc là cứ mỗi dịp xuân về, đại diện tuổi trẻ thanh niên đã trở về Việt Nam, lặn lội đến với những vùng khó khăn trao những phần quà ấm tình cho người nghèo, trẻ em nghèo vùng cao; lồng ghép nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và an toàn vệ sinh thực phẩm cho bà con.
Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội DHS Việt Nam tại Melbourne cho biết, Hội DHS tại Úc thành lập một quỹ với mục tiêu chia sẻ, làm vơi bớt khó khăn cho đồng bào nghèo tại quê nhà. Thế nên, cứ đến cuối năm, ban điều hành sẽ gửi tiền và cử người về Việt Nam để thực hiện chương trình.
"Từ thiện, làm việc nghĩa là hoạt động không thể thiếu được của tuổi trẻ chúng tôi. Là người trẻ, điều chúng tôi có thể đóng góp trực tiếp đó là sức trẻ. Tuy không phải là việc gì quá lớn lao, nhưng tôi hy vọng rằng, những gì mà chúng tôi đã và đang làm sẽ mang đến niềm vui, sự ấm cúng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn".
Theo Nguyễn Mai Sơn, không chỉ giúp các hoàn cảnh khó khăn trong nước, ở nước sở tại. Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin – Potsdam đã có nhiều việc làm thiết thực.
Vào mỗi dịp Giáng sinh và năm mới các DHS tại Đức trích quỹ trao tặng các món quà nhỏ cho những người vô gia cư tại thủ đô của Đức. Việc làm này thu hút rất nhiều DHS tham gia và được bạn bè Đức đánh giá cao. Những món quà DHS Việt Nam trao tặng những người vô gia cư chỉ đơn giản là những đôi găng tay, đôi tất, chiếc mũ len nhưng đã làm ấm lòng người nghèo nơi đây.