Xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự quan tâm của tỉnh, huyện cùng với nỗ lực chính quyền địa phương và người dân, Cư Pui hiện đã có những tín hiệu vui trong xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Cư Pui xây dựng đường giao thông nông thôn.
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường giao thông ở Cư Pui đã được quan tâm đầu tư xây dựng với hơn 40 tỉ đồng; 79 tỉ đồng đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa gần 50 km các trục đường giao thông: trục xã, trục thôn, buôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng. Đạt được kết quả này, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, người dân ở đây đã chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, người dân Cư Pui đã hiến 70 ngàn m2 đất, 879 cây cà phê, nhiều diện tích hoa màu, hơn 4 ngàn ngày công và gần 3 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới.
Ông Hùng Xuân Thành, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Đồng bào Mông ở đây tuy còn khó khăn nhưng khi chính quyền vận động hiến đất, đóng góp tiền bạc, ngày công để làm trường học, làm đường giao thông họ đều ủng hộ. Vừa qua người dân trong thôn Cư Tê đã hiến gần 30 ngàn m2 đất, 52 cây cà phê, 30 triệu đồng và 25 ngày công để làm đường vào đội 4 mà không phải đền bù”.
Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở Cư Pui cũng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng ở nhiều thôn, buôn. Điển hình phải kể đến mô hình trang trại nuôi heo của một số hộ dân ở buôn Blắk, thôn Ea Lang; mô hình nuôi trâu, bò nhốt ở thôn Điện Tân, thôn Ea Lang, thôn Ea Uôl, thôn Cư Rang đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đặc biệt thôn Ea Rớt là thôn khó khăn nhất của xã Cư Pui đã lập được mô hình “ngân hàng bò” do một số nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh tặng với số lượng lên đến gần 50 con. Ngoài ra, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ người dân thôn Ea Rớt 39 con bò, người dân tự mua hơn 100 con trâu, bò. Do được chăm sóc cẩn thận, nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò phát triển rất tốt.
Ông Dương Văn Pùa, người dân thôn Ea Rớt phấn khởi cho biết: “Gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ được hỗ trợ 1 cặp bò từ “ngân hàng bò” và mượn tiền của Ngân hàng Chính sách mua thêm 1 con nữa. Đến nay bò con đã lớn nên mình trả bò mẹ cho người khác nuôi. Mình cố gắng chăm sóc để nhân thêm đàn bò có vốn phát triển kinh tế, mong muốn sớm thoát nghèo”.
Mô hình trồng cây ăn quả diện tích 10 ha cam, quýt của gần 30 hộ dân ở thôn Dhung Knung, thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/ha bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế được nhiều người dân quan tâm. Mô hình này khá hiệu quả vì các loại cây trồng này hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Nhiều thôn, buôn đã đến học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng. Đặc biệt, vừa qua nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất hơn 100 tấn/ngày, đặt tại buôn Khóa đã đi vào hoạt động, giúp cho hơn 1.200 ha sắn của nông dân xã Cư Pui có đầu ra ổn định.
Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đã đem lại hiệu quả. 2 mô hình điểm về thôn, buôn văn hóa; xây dựng được 8 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để mua đất; các thôn, buôn đã có sân chơi thể thao; 6/13 thôn buôn đã có điện đường chiếu sáng ban đêm với chiều dài hơn 20 km; 7/13 thôn, buôn tổ chức gom rác tập trung…
Cư Pui mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí rất khó đạt. Song những kết quả bước đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.