HLV Fabio Lopez xác nhận FIFA đã xử ông thắng trong vụ kiện tụng với Thanh Hoá. Một lần nữa, bóng đá Việt Nam lại bị ảnh hưởng về danh dự, với những vụ kiện thẳng lên LĐBĐ thế giới.
Từ Hải Phòng đến Thanh Hoá
Vài ngày trước, HLV Fabio Lopez thông báo ông đã được FIFA xử thắng kiện trước Thanh Hoá, sau khi CLB này sa thải ông hồi tháng 7/2020 mà không đền một xu nào trong hợp đồng. Ông nói: “Sau nhiều tháng tôi bị tổn hại về hình ảnh và đạo đức nghề nghiệp thì cũng đến lúc được đền đáp.
Quả thực, tôi đã im lặng và chờ FIFA xem xét vụ kiện, xác định phần thắng trong vụ kiện giữa tôi với Thanh Hoá trong một thời gian dài. Và đến ngày 2/2, mọi chuyện đã ngã ngũ. Tôi có thể vui mừng thông báo rằng phần thắng đã thuộc về tôi.
Những điều bịa đặt về tôi phải bị xoá sổ. Quyết định của FIFA càng khẳng định tôi là một người nghiêm túc, chuyên nghiệp trong công việc. Đồng thời, Thanh Hoá sẽ phải đền bù với những gì mà họ đối xử với tôi. Họ sẽ phải đền bù toàn bộ phần còn lại hợp đồng sau khi đơn phương chấm dứt”.
Được biết, Thanh Hoá dưới sự quản lý của bầu Đệ trước đó đã sa thải HLV Fabio Lopez vì thành tích quá yếu kém của đội bóng xứ Thanh (4 thua và 1 thắng). Nhưng cái cách mà họ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà cầm quân châu Âu lại vô cùng nghiệp dư.
Bầu Đệ không những làm điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá thế giới khi triệu tập toàn bộ đội bóng để bỏ phiếu sa thải Lopez mà ông còn không trả số tiền thanh lý hợp đồng (vốn dĩ còn kéo dài 2 năm rưỡi) với Lopez vốn ước chừng khoảng 60.000 USD. Điều đó khiến cho HLV Fabio Lopez không thể chấp nhận và quyết định đâm đơn kiện lên FIFA sau đó.
Tuy nhiên một vấn đề khác phát sinh sau đó. Đấy là Thanh Hoá dưới sự quản lý của tập đoàn Đông Á không muốn trả phí kiện và đền bù hợp đồng với Lopez. Đội bóng này viện lý do: “Công ty quản lý đội Thanh Hóa là công ty khác với công ty của anh Đệ trước đây. Chúng tôi có tên mới, có mã số thuế khác và không liên quan gì đến công ty chủ quản CLB Thanh Hóa trước đây. Những gì liên quan đến công ty cũ, chúng tôi không phải là người chịu trách nhiệm”.
Không chỉ Thanh Hoá lùm xùm kiện tụng với FIFA. Năm 2019, Hải Phòng từng thua kiện nặng với Errol Stevens. Thậm chí, đội bóng đất Cảng còn phải trả 5 tỷ đồng vì thất bại nặng với Stevens. Sự việc khởi nguồn từ tháng 5/2017 khi anh gia hạn hợp đồng với CLB Hải Phòng đến hết mùa giải 2019.
Nhưng cầu thủ này lại không cầm được bản hợp đồng nào (có tin là anh ký 4 bản), vì thế không thể làm thị thực cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, Stevens còn bị CLB Hải Phòng kỷ luật trong thời gian trên. Sau đó, cầu thủ người Jamaica đã về nước và tiến hành khởi kiện lên FIFA.
Đội tuyển Việt Nam gặp khó với kiện tụng
Không chỉ các CLB Việt Nam rơi vào cảnh bị FIFA xử thua vì hành xử thiếu chuyên nghiệp, LĐBĐ Việt Nam cũng thất điên bát đảo và phải đền bù số tiền không nhỏ cho HLV Letard chỉ vì thiếu hiểu biết và thờ ơ vào năm 2005.
Được đích thân cựu HLV trưởng đội tuyển Pháp Aimé Jacquet giới thiệu sang Việt Nam, nhưng HLV Letard bị coi là HLV ngoại “chán” nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Chuyện sa thải “trái đắng” Letard khi đó nhận được sự ủng hộ của cả giới chuyên môn và công luận. Ngay sau khi bị sa thải hồi tháng 8/2002, HLV Letard đã khởi kiện LĐBĐ Việt Nam lên Ủy ban tư cách kỷ luật của FIFA và bị xử thua. Theo phán quyết hồi đó, LĐBĐ Việt Nam chỉ phải đền bù 3 tháng lương và phụ phí (khoảng 35.000 USD).
Cho rằng không thể bị kiện lại, Liên đoàn tự tin đến mức tự động gửi 35.000 USD tiền đền bù vào tài khoản luật sư của ông Letard. Liên đoàn cũng chẳng quan tâm vị HLV trưởng người Pháp có đồng ý hay không. Nhưng rồi, ông Letard tiếp tục kiện lên Toà án trọng tài thể thao quốc tế (CAS, nằm ngoài FIFA và xử theo luật Thuỵ Sỹ).
Biết thông tin này, Liên đoàn cũng chẳng gửi bất cứ một bản thanh minh, tường trình nào cả mà mặc kệ ông Letard thoải mái “vạch tội”. Thế rồi, giữa tháng 10/2004, VFF đã choáng váng khi nhận phán quyết từ Toà án này, yêu cầu LĐBĐ Việt Nam đền bù 197.800 USD cho ông Letard vì đơn phương phá vỡ hợp đồng với lý do không chính đáng.
Sự thờ ơ của Liên đoàn còn thể hiện rõ khi chẳng hay biết rằng Toà án trọng tài thể thao quốc tế có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Và rồi sau đó, VFF phải cắn răng trả 3 tỷ đồng tiền phạt thay vì đội tuyển Việt Nam phải rơi vào cảnh cấm thi đấu 2 năm sau đó.