Những vụ rò rỉ thông tin chấn động

Khánh Duy 17/04/2016 09:05

Những vụ bê bối rò rỉ thông tin được coi là một thứ vũ khí nguy hiểm có sức tàn phá ghê gớm trong thời công nghệ hiện đại. Nhưng ít ai biết rằng, rò rỉ đã từng xuất hiện rất nhiều trong lịch sử nhân loại và kéo theo nó là những hậu quả có thể khiến cho một vị tướng nổi tiếng bị treo cổ, một vị vua bị sát hại, thậm chí xóa sổ cả một đế chế…

Thế giới từng biết đến cái tên Edward Snowden hay Julian Assange như những người chuyên lột trần các sự vụ bí mật của một số quốc gia. Nhưng ngay cả những vụ việc nghiêm trọng nhất mà họ phanh phui chưa gây hậu quả quá nghiêm trọng.

Vậy mà trong lịch sử, từng có những vụ phanh phui các bê bối đã dẫn tới những hậu quả khủng khiếp, khiến những người liên quan có một kết cục bi thảm. Những vụ rò rỉ kiểu như vậy đã có từ thời Sparta vào khoảng năm 470 trước Công nguyên.

Những vụ rò rỉ thông tin chấn động

Tướng Pausanias chịu hậu quả ghê gớm vì hành động
của người nô lệ đưa tin (Nguồn: BBC).

Người nô lệ và bức mật thư

Vị tướng lĩnh kiêm quan nhiếp chính một thời của Sparta, Pausanias, đã cử một trong số những nô lệ của ông đi gửi một thông điệp tới nhà vua Ba Tư. Dường như ngửi thấy mùi “tanh tưởi” từ hành động của chủ, người nô lệ tên Argilios này đã lén mở bức thư và biết được tin động trời rằng Pausanias đang ngỏ ý muốn ủng hộ Ba Tư nếu như đế chế này xâm lược Hy Lạp. Hơn thế, vị tướng lĩnh còn đề xuất Ba Tư hạ sát ngay người đưa tin sau khi nhận bức thư này để bảo đảm sự bí mật tuyệt đối.

Hiểu được mối đe dọa đối với mạng sống của mình trong nhiệm vụ này, Argilios đã quyết định đưa bức thư cho chính quyền Sparta. Ba Tư lúc bấy giờ là kẻ thù không đội trời chung của Hy Lạp, nên hành động của Pausanias được xem là phản bội – và thế là vị tướng này đã bị nhốt trong Điện thờ Athena mà không được ăn uống gì như một hình phạt đích đáng.

Một số ghi chép lịch sử còn cho biết, ngay cả người mẹ của Pausanias cũng tức giận với hành động của con trai mình; bà gia nhập vào đám đông người dân tức giận bắt giữ chính con trai mình.

Trước đây, nền chính trị Hy Lạp cổ đại từng được xem là khá cởi mở, nhưng nền văn minh Roman thì ngược lại, luôn ngập chìm trong các mưu đồ chính trị trong những năm sau đó, và trong số này có không ít các vụ rò rỉ hay phanh phui.

Vụ rò rỉ thông tin chấn động nhất xuyên suốt thời đế chế Roman có lẽ là việc một số tài liệu mật bỗng dưng xuất hiện trên các bậc thềm trước cửa nhà của Cicero – quan nhiếp chính tối cao của nghị viện Roman và cũng là một triết học gia hàng đầu lúc bấy giờ.

Năm 63 trước CN, Cicero đã bị thuyết phục rằng một thành viên của nghị viện tên Catiline đang lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính, nhưng lại không thể chứng minh điều đó. Nhưng số tài liệu mà ông nhặt được ngay trước cửa nhà hóa ra lại là các bức thư thuộc về đồng minh của Catiline, trong đó nêu rõ chi tiết về kế hoạch đảo chính.

Đến giờ vẫn không ai biết được ai đã để tập thư này trên thềm nhà của Cicero. Nhưng chính các bức thư bị rò rỉ này đã giúp Cicero thuyết phục được các thành viên hội đồng rằng nền Cộng hòa Roman đang bị đe dọa. Cuối cùng, tất cả những kẻ dính líu đến đảo chính đều bị xử tử.

Những vụ rò rỉ thông tin chấn động - 1

Vua Osman II bị sát hại vì rò rỉ thông tin.

Vua bị xử vì lộ thông tin

Đế chế Roman tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ nữa, cho đến khi trở thành con mồi cho đế chế Ottoman năm 1453. Thời bấy giờ, Ottoman là một nền văn hóa nổi tiếng nhờ sự khoan dung của họ - một đế chế đa quốc gia, đa chủng tộc và khá cởi mở. Thậm chí ngay cả một nô lệ cũng có thể leo lên được tầng lớp cao hơn.

Tuy nhiên, theo giới sử học, có một lĩnh vực mà người Ottoman khét tiếng là nghiêm khắc: Họ bị ám ảnh bởi việc giữ bí mật. Theo sử sách, các vị vua Ottoman thời bấy giờ thường thuê các nô lệ câm điếc để phục vụ trong tòa án, để họ không thể nghe lén hay truyền bá thông tin bí mật.

Nhà vua Osman Đệ nhị là nổi tiếng nhất về nỗi ám ảnh bảo mật thông tin. Ông từng quyết định giải tán một đơn vị quân đội tinh nhuệ của mình được biết dưới cái tên Janissaries do lo ngại họ có thể trở nên quá hùng mạnh. Nhưng không hiểu vì lý do gì, kế hoạch của Osman đã bị rò rỉ ra ngoài.

Khi quân đoàn Janissaries được báo tin rằng họ sắp bị xóa sổ, họ đã tràn vào Điện Topkapi ở Istanbul và giết hại Osman Đệ nhị.

Những vụ rò rỉ thông tin chấn động - 2

Vũ khí của thời hiện đại

Khi đế chế Ottaman chỉ còn là chuyện lịch sử, thì thế kỷ 19 cũng bắt đầu mang đến những sự kiện rò rỉ chấn động khác trong bối cảnh nền báo chí hiện đại bắt đầu hình thành. Các thông tin rò rỉ giờ không chỉ ảnh hưởng đến một số người có liên quan, mà những thông tin này được phổ cập một cách rộng rãi đến mức ai cũng biết được.

John Nugent, nhà báo kỳ cựu của tờ New York Herald, từng nghiên cứu về một trong số những vụ rò rỉ chấn động nhất thời bấy giờ. Năm 1848, ông được trao cho một số tài liệu nêu chi tiết về một hiệp ước nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa Mỹ và Mexico.

Quyết định công bố các tài liệu này đã khiến bản thân Nugent chịu rủi ro khi bị chính quyền Mỹ bỏ tù, và thực tế ông đã bị giam cầm suốt 1 tháng liền. Nhưng điều đó cũng được đền đáp xứng đáng bởi sau đó Negent được đề bạt làm chủ bút của tờ báo này.

Hành động của Nugent lúc bấy giờ đã tạo nên một tiền đề cho báo chí hiện đại ngày nay. Những phóng viên nắm trong tay các tài liệu mật bị rò rỉ luôn được tưởng thưởng xứng đáng, có thể là bằng tiền mặt hoặc bằng việc thăng tiến trong sự nghiệp – dù đôi lúc họ có thể bị bỏ tù hoặc tồi tệ hơn thế…

Nhưng ngày nay, trong bối cảnh mà công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, các vụ bê bối rò rỉ kiểu này cũng hiếm gặp hơn. Bất cứ ai sở hữu một chiếc điện thoại di động đều có thể bị người khác theo dõi, hoặc có thể bị camera an ninh ghi hình lại. Bởi vậy mà các phóng viên điều tra khó có thể tạo các cuộc gặp bí mật với các nguồn tin mà họ muốn che giấu.

Nhưng ngược lại, một khi một vụ rò rỉ thông tin mật xảy ra, nó sẽ cực kỳ lớn và có sức lan tỏa ghê gớm – cùng nhờ công nghệ hiện đại. Điển hình là vụ bê bối Panama Papers mới đây, khi hàng triệu tài liệu mật được công bố cùng lúc.

Tiền đề của Panama Papers chính là vụ rò rỉ Pentagon Papers, trong đó phanh phui hàng loạt bí mật về các chiến dịch của Mỹ ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, Pentagon Papers được đem photo thủ công, từng tờ một. Nhưng giờ, toàn bộ tài liệu mật bị rò rỉ của một công ty hay một cơ quan chính phủ có thể được chứa đựng trong một chiếc thẻ nhớ nhỏ gọn chỉ bằng một cú click chuột.

Chúng ta đã đi qua cái thời mà chỉ một nô lệ đưa thư tín cũng có thể gây nên một sự tàn phá ghê gớm cho chủ của mình bằng hành động lén đọc một bức thư, như ở Sparta. Nhưng những vụ rò rỉ thì luôn tồn tại, thậm chí ngày càng trở nên nổi bật hơn. Trong thế kỷ 21 này, thông tin chính là sức mạnh và nó hiện hữu khắp mọi nơi.

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vụ việc mà trong đó các nhân viên cấp thấp trong một tổ chức đặt tay lên thứ “trái cấm” được gọi là thông tin mật và sau đó phơi bày nó, gây nên những vụ việc chấn động. Nói cách khác, thời nay rò rỉ thông tin cũng nguy hiểm như những thứ vũ khí đao kiếm thời xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những vụ rò rỉ thông tin chấn động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO