Sáng 25/12, tại thành phố Hải Phòng, Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ nhất (khóa IX) đã chính thức khai mạc. Tại đây, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào “Quy chế hoạt động của khóa IX” và văn bản “Tổng hợp tình hình nhân dân năm 2019”.
Ông Vũ Trọng Kim phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam góp ý vào hai văn bản, một là Quy chế hoạt động của khóa IX, hai là tổng hợp tình hình nhân dân năm 2019.
Về “Quy chế hoạt động của Đoàn Chủ tịch khóa IX”, theo ông Vũ Trọng Kim, trong dự thảo này, tại Điều 2, nói về nguyên tắc hoạt động của Đoàn Chủ tịch, việc dùng chữ “bảo đảm” trong quy định này là hơi “nặng nề”. Bởi, Điều 4 Hiến pháp khẳng định rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội”. Ông Vũ Trọng Kim đề nghị bỏ chữ “bảo đảm”.
Cũng tại quy định “UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Vũ Trọng Kim cũng cho rằng điều này là không nên. Bởi, sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ là một “nghệ thuật”. MTTQ cần có sự độc lập tương đối, đồng thời vai trò của Đảng vẫn được phát huy trong Mặt trận, thông qua Đảng Đoàn để lãnh đạo.
Về văn bản “Tổng hợp, báo cáo tình hình nhân dân”, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, có rất nhiều quy định hay, phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần giải quyết. Trong đó có việc xử lý vụ các án tham nhũng vẫn còn kéo dài, đặc biệt là vấn đề tìm ra kẻ chủ mưu, người đứng đầu các vụ án.
Dẫn lại lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “không để lọt vào Trung ương những người mất tư cách, tham nhũng, tiêu cực”, và đặt câu hỏi “vậy bộ lọc ở đâu” ông Vũ Trọng Kim khẳng định, “bộ lọc chính là nhờ nhân dân”. Do đó phải có ý kiến phản ánh của nhân dân về việc xét xử các vụ án này thường xuyên, từ đó giải quyết được các vấn đề trên, để Mặt trận thực sự là Mặt trận.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hoá - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng có rất nhiều đổi mới để có thể đưa hoạt động của Mặt trận ngày càng thiết thực, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của Đảng đoàn, trách nhiệm Đoàn Chủ tịch trước UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Túc, có hai Nghị quyết quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm, đó là Nghị quyết 62 về công tác Đảng lãnh đạo Mặt trận. Và đến đổi mới ta có Nghị quyết về Đảng với Dân tộc và tăng cường Dân tộc thống nhất. Ông Nguyễn Túc cho rằng, mình đã may mắn là người được chấp bút Nghị quyết này và khẳng định, “Đảng lãnh đạo Mặt trận không như lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và không như lãnh đạo Quân đội. Cho nên không bao giờ được dùng chữ “lãnh đạo trực tiếp toàn diện” với Mặt trận”.
Theo ông Nguyễn Túc, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua Đảng đoàn, các Nghị quyết chỉ thị của Đảng, Đảng đoàn phải chấp hành nghiêm túc theo đúng điều lệ Đảng. Đối với Mặt trận, Đảng đoàn đề xuất những nội dung nhằm thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng để cùng nhau bàn bạc, thông qua hiệp thương dân chủ, xây dựng chương trình hành động chung của Mặt trận và được tổ chức thực hiện bằng phương thức hoạt động của Mặt trận. Và thực tiễn cho thấy, có những việc nhân danh Mặt trận làm thì có lợi hơn, hiệu quả hơn, chính trị hơn, rõ nét hơn.
Thứ hai là Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua đại diện của tổ chức Đảng tham gia Uỷ ban Mặt trận, tức là thông qua những người lãnh đạo của Đảng tham gia Mặt trận, trực tiếp trình bày chủ trương đường lối của Đảng và kiến nghị với Mặt trận những vấn đề cần bàn bạc và phối hợp thống nhất hành động trước các thành viên để tổ chức thành viên để thực hiện các chủ chương đường lối của Đảng.
Thứ 3 là Đảng chăm lo, bồi dưỡng và giới thiệu những người có phẩm chất, có năng lực làm công tác Mặt trận, lựa chọn theo đúng điều lệ của Mặt trận.
Thứ 4 là Đảng lãnh đạo Mặt trận qua sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền các cấp.
“Các cấp uỷ Đảng không đứng ra thực hiện sự phối hợp đó mà thông qua Ban thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, tôn trọng tính động lập về tổ chức và khuyến khích tính độc lập sáng tạo của Mặt trận vì lợi ích của nhân dân, của đất nước”, ông Nguyễn Túc khẳng định.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan.
Khẳng định tinh thần đoàn kết trong nhân dân ngày càng được tăng cường thông qua vai trò của Mặt trận, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, công tác Mặt trận trong năm 2019 đã có nhiều đổi mới, việc nắm bắt tình hình nhân dân ngày càng được tăng cường; Mặt trận đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng và xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, đôi khi công tác Mặt trận vẫn còn mang tính hình thức, nhiều nơi việc nắm bắt tình hình nhân dân chưa kịp thời, chưa sâu sát, dẫn đến việc bị động trước những điểm nóng phát sinh.
Chính vì vậy, bà Doan cho rằng, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Mặt trận cần xác định rõ bối cảnh nào của đất nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của mình. Cần phát huy sự đồng thuận của nhân dân đối với công tác Mặt trận và đánh giá những tác động của Nghị quyết 52/NQ-TW về việc Chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 để tích cực vận động quần chúng lao động, sáng tạo, bắt kịp sự phát triển của thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, những người làm công tác Mặt trận phải xác định việc ổn định tình hình nhân dân trước những vấn đề nổi cộm đề ra khi thực tế sự phát triển hiện nay vẫn thiếu bền vững; lợi thế về tài nguyên của đất nước sẽ ngày càng thiếu hụt; sự phát triển của doanh nghiệp chưa được như mong muốn khi nhân dân chưa được giải quyết việc làm; tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối trong nhân dân, hiện tượng tham nhũng vặt vẫn đang hoành hành; sự bùng nổ của mạng xã hội đôi lúc có tác động tiêu cực tới nhân dân;…
Nhấn mạnh tới việc nắm chắc tình hình nhân dân và tăng cường đối thoại với nhân dân là nhiệm vụ xuyên suốt trong hoạt động Mặt trận, bà Nguyễn Thị Doan gợi mở, Mặt trận các cấp phải chủ động đề nghị và tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri, không thể để hiện tượng hình thức và phải có đủ bản lĩnh đấu tranh để nhân dân tới Hội nghị tiếp xúc cử tri nhiều hơn nữa.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.
“Mặt trận phải giải đáp thắc mắc của dân, tăng cường đối thoại, hòa giải ở cơ sở và tránh để hiện tượng “đưa đẩy” ý kiến của nhân dân lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Phải đổi mới phương thức của Mặt trận đối với nhân dân, việc đối thoại, hòa giải và hoạt động giám sát phải hòa quyện với dân, cán bộ Mặt trận phải nêu gương với dân, cùng dân giám sát, phản biện xã hội”, bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Túc, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, tư tưởng của Đảng và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi dây xuyên suốt của hoạt động Mặt trận trong suốt thời gian qua. Đảng vừa là thành viên vừa lãnh đạo Mặt trận thông qua đường lối, thông qua nêu gương và giới thiệu cán bộ để Mặt trận hiệp thương lựa chọn.
Xuất phát từ vấn đề này, ông Huỳnh Đảm cho rằng cần phải nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của Mặt trận, phải thay đổi cách nhìn nhận của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương đối với việc bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận. Bên cạnh đó cần tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên, một số nơi phải khắc phục hiện tượng phối hợp rời rạc, thiếu đồng bộ như hiện nay.
“Làm sao Mặt trận thể hiện trách nhiệm của mình vào công tác xây dựng Đảng; phải lắng nghe, phản ánh tới Đảng để Đảng chọn lựa những cá nhân xuất sắc và chủ động đề xuất để Đảng xem xét, cử những người xứng đáng trong cấp ủy làm Chủ tịch Mặt trận”, ông Huỳnh Đảm gợi mở.
Nhắc tới việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, ông Huỳnh Đảm mong muốn Mặt trận các cấp phải tự vươn lên, phải chủ động đề ra phương thức phù hợp ngay trong hệ thống Mặt trận các cấp để khẳng định sự đổi mới này. Làm được điều này phải lựa chọn những người đứng đầu có tâm, có trách nhiệm, có nhiệt huyết, đặc biệt phải sớm kiện toàn bộ máy Mặt trận các cấp sau Đại hội, không để hiện tượng “mỗi nơi làm một kiểu” như hiện nay.
Hoàng Yến - Minh Hải - Tiến Đạt