Bắt đầu từ 6h30 chiều ngày 17/10, mọi ngả đường, mọi tấm lòng hướng đến người nghèo muôn nơi như đổ về Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, nơi tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019. Một chiếc thảm xanh chào đón những vị khách có tấm lòng nhân ái. Mỗi người là một tấm lòng để không ai bị bỏ lại phía sau, để cuộc sống của người nghèo có thêm niềm hy vọng, sự lạc quan và những nụ cười.
Các đại biểu nhắn tin ủng hộ người nghèo tại Chương trình.
Kể từ năm 2018, thảm xanh đã trở thành nơi gặp gỡ của những tấm lòng nhân ái, những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ người nghèo tại chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Màu xanh là màu của thiên nhiên, của sự sống và niềm hy vọng. Còn những chiếc khóa trao tặng trên thảm xanh, là biểu tượng cho những chiếc khóa mở ra cánh cửa hy vọng cho người nghèo, để người nghèo trên khắp đất nước có cơ hội thay đổi cuộc đời và có một cuộc sống tốt hơn.
Truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” luôn là đạo lý sống, nhân sinh quan tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam. Thấm nhuần tinh thần ấy, từ năm 2000, ngày 17/10 được chọn là Ngày cả nước vì người nghèo và cũng từ ngày 17/10 – 18/11 hàng năm, UBTW MTTQ Việt Nam phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo.
Từ năm 2017 đến nay, chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”đã trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào đúng Ngày Quốc tế xóa nghèo - Ngày Vì người nghèo 17/10 hằng năm. Chương trình nhằm khơi dậy những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp cùng chung tay giúp đỡ người nghèo quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững. Cho nên “Vì người nghèo” là một cuộc vận động mà Mặt trận đã thực hiện trong suốt 19 năm qua. “Vì người nghèo” vẫn đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho người nghèo với mục đích là tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo.
Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi năm, thiên tai đã đẩy ít nhất 26 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán… Tại Việt Nam, ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt. Năm 2019 sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện tại Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Vừa qua, Liên hợp quốc cũng đã đưa ra cảnh báo thế giới có thể không đạt được mục tiêu xóa đói nghèo năm 2030 như đề ra, một phần nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trở nên khốc liệt và bất thường. Từ đầu năm đến nay, hầu như các địa phương trong vùng đều ghi nhận tình trạng sạt lở khiến nhà cửa, đất đai, tài sản của người dân trôi sông, hàng chục ngàn hộ dân loay hoay tìm sinh kế.
Trong khi đó, ở đâu đó nhiều miền quê, nhất là những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có nhiều gia đình, nhiều mái ấm chưa trọn vẹn.
Người dùng di động nhắn tin theo cú pháp: "VNN n" gửi 1408, với mỗi lần gửi sẽ đóng góp 20.000 đồng vào chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo.
Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” đã đưa người xem đến với mảnh đất Tây Nguyên, nơi mà lá sắn có thể là món ăn chống đói cho các em bé đến trường. Hay có những ngôi nhà Đại Đoàn Kết, được xây dựng từ mười mấy năm trước, nay cũng đã xuống cấp.
Gia đình chị Y Mê ở Kon Tum, người mẹ đơn thân nuôi 3 con là một hoàn cảnh đáng thương như vậy. Trong căn nhà dột nát, gia tài chỉ là một chiếc giường gấp màu xanh, hàng ngày, 4 mẹ con chị phải ăn lá mì (sắn) để sống qua ngày, chồng chị do không chịu nổi hoàn cảnh đã bỏ đi từ nhiều năm trước. Nhưng dù cuộc sống khó khăn là vậy, những người xem chương trình không khỏi xúc động khi những đứa trẻ con chị Y Mê chia sẻ niềm khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Nhà là nơi yên ấm, dẫu còn khó khăn, nhưng đó cũng chính là nơi những ước mơ được chắp cánh. Và dù trong hoàn cảnh nào thì ý chí và thái độ sống, sẽ quyết định cuộc đời mỗi người. Trên sóng trực tiếp của Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” 2019 đã giới thiệu những con người như vậy.
Đó là anh Nguyễn Như Thuận, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội một người tàn tật có khát vọng vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ người khác thoát nghèo như mình. Với khao khát vươn lên thoát nghèo, anh Thuận đã phải vay vốn của tín dụng đen, với áp lực từng ngày từng giờ phải trả nợ. Trong lúc nguy khốn, anh Thuận đã tìm được chiếc phao cứu sinh đó là sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội. Bây giờ, anh Thuận đã thoát nghèo bằng cửa hàng sửa chữa điện tử dân dụng rồi nhiệt tình kèm dạy nghề cho một số thanh niên trong vùng và một số người không may có hoàn cảnh khuyết tật như mình.
Và đã có hàng triệu trường hợp thoát nghèo như thế từ đồng vốn hỗ trợ của ngành Ngân hàng. Cho tới nay hệ thống ngân hàng đã cung ứng cho nền kinh tế khoảng 7 triệu 800 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Cũng chính nhờ đó, đã có rất nhiều những lá đơn xin thoát nghèo như anh Vi Văn Cả ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vì anh cho rằng đó là "sự công bằng bởi còn để dành hỗ trợ cho nhiều hộ khó khăn hơn mình”. Hay như bà con vùng Môn Sơn - Mường Quạ, Nghệ An đã cùng nhau làm đơn thoát nghèo, từ năm 2016 đến nay đã có 383 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi - người viết đơn xin thoát nghèo tham dự Chương trình.
Đó là những lá đơn tự trọng và đầy ắp sự thấu hiểu, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. MC Hồng Nhung đã mời lên sân khấu cụ Đỗ Thị Mơ, ở Thanh Hóa. Cụ Mơ năm nay hơn 80 tuổi đạp xe ra sân khấu như một thước phim cô đọng kể lại hành trình nhiều năm trời, cụ đạp xe lên UBND xã để nộp đơn xin thoát nghèo.
Theo chia sẻ của MC Lê Anh, không dễ để mời cụ Mơ ra Hà Nội, vì cụ bảo nếu ra Hà Nội phải kèm điều kiện, là phải cử người chăm sóc lợn gà ở nhà. Theo cụ Mơ, ở nhà cụ có hẳn một đàn gà mà trong trí nhớ của cụ là “khoảng 40-50 con”, lý do mà cụ muốn được thoát nghèo vì “tôi nhìn trong tivi bao nhiêu người còn khổ hơn mình, nhiễm chất độc da cam, nhiều người tàn tật mà tôi tuy 80 tuổi, mắt vẫn sáng, đi xe đạp vèo vèo, nên tôi nghĩ bao đêm, quyết tâm mình phải làm đơn xin thoát nghèo”.
Nụ cười và tấm chân tình của cụ Mơ đã chạm đến trái tim rất nhiều người, để thấy, dù bạn là ai, ở đâu, làm gì khi nghĩ về những người xung quanh đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống, thôi thúc mỗi người có thêm quyết tâm để chia sẻ, đồng hành, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chương trình thực sự xúc động khi còn được gặp gỡ những tấm lòng nhân ái như vợ chồng ông Bùi Công Hiệp ở quận 9, TP Hồ Chí Minh đã hiến tặng cả gia tài gồm 1 ngôi nhà và 2.500 m2 đất trị giá hơn 100 tỷ đồng để xây mái ấm cho chính 88 đứa trẻ bị bỏ rơi mà ông bà đã nhận làm con.
Và cùng với những mô hình hỗ trợ người nghèo từ Mặt trận các địa phương, các tổ chức thành viên, đồng hành là những chiến dịch như chiến dịch MyHome - nơi những người nổi tiếng tham gia vận động nhắn tin ủng hộ Quỹ Vì Người nghèo đã cho thấy một bức tranh của sự đồng lòng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện tinh thần tương thân tương ái sâu sắc, từ đó góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có một điều đặc biệt, Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 ghi nhận sự xuất hiện của nhiều người nổi tiếng như diễn viên Nhã Phương, Thanh Hương… Ở mỗi phân đoạn, phân cảnh lại có sự xuất hiện của họ trong vai trò là người giới thiệu, người chia sẻ như một sự cộng hưởng để nhân lên những yêu thương, lan tỏa những tấm lòng nhân ái, cùng người nghèo vượt qua gian khó.
Cũng tại chương trình, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, Hoa hậu Lương Thùy Linh, diễn viên Bảo Thanh, anh em NSƯT Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, diễn viên Nhã Phương, cầu thủ Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng, ca sĩ Hồ Ngọc Hà…đã gửi lời kêu gọi chung tay vì người nghèo.
Chương trình khép lại với một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đó là bài hát “Hướng về Mặt trời” của nhạc sĩ Dương Cầm. Đúng như tên bài hát, “cả nước chúng ta cùng chung tay vì người nghèo, cùng hướng về Mặt Trời, hướng về niềm hy vọng”, rất nhiều nghĩa cử cao đẹp, những tin nhắn, những tấm lòng đã được gửi đến chương trình để nhân lên những con số vô cùng ý nghĩa, để niềm hy vọng lại được thắp lên, sự lạc quan trào dâng trong mỗi người và lan tỏa những nụ cười.