Vậy là cuối cùng ông Huỳnh Văn Nén (xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã chính thức được cơ quan pháp luật đình chỉ điều tra bị can. Dự kiến ngày 3/12 tới đây, Viện Kiểm sát sẽ tiến hành tổ chức xin lỗi ông Nén.
Sau vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), đây có lẽ là vụ án oan sai điển hình: 2 vụ án oan sai không chỉ 10 năm tù oan mà thời gian ngồi tù oan đã lên đến hơn 17 năm. Cũng như hành trình kêu oan của những người thân, luật sư, báo chí với niềm tin vào công lý, đã mang lại kết quả.
Hai vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén đều là những vụ án mang tính đặc biệt nghiêm trọng: giết người, cướp của. Nội dung các vụ án cũng gần giống nhau, đều là việc đến nhà giết phụ nữ, cướp tài sản. Và rồi, cho đến nay, mặc dù vụ giết người, cướp của tại Hàm Tân- Bình Thuận vẫn đang được điều tra, nhưng lật giở những gì vụ án đã phơi bày, người ta càng thấy rõ hơn sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm với việc điều tra, kết tội con người, đã đẩy người vô tội vào vòng lao lý, gây ra những hệ lụy vô cùng lớn cho gia đình họ, ảnh hưởng đến sự công bằng pháp luật, niềm tin của xã hội.
Với cả hai vụ án, có lẽ nỗi oan sẽ phải mang xuống suối vàng nếu không có sự góp sức của cộng đồng, sự thức tỉnh lương tâm từ chính những người liên quan cùng kẻ đã phạm tội. Với vụ Nguyễn Thanh Chấn, hung thủ Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú. Còn với vụ Huỳnh Văn Nén, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo trong trại giam đã làm đơn tố giác hai người bạn (nghiện ma túy, thường trộm cắp tài sản). Cái day dứt của chính những người phạm tội còn chút lương tâm, khi thấy người vô tội bị ngồi tù oan, khi thấy cái hệ lụy vô cùng lớn cho gia đình họ.
Với kẻ tội phạm còn có lương tâm, còn có hành xử như vậy.Vậy vì sao có những cán bộ điều tra, những người nắm trong tay cán cân công lý lại không nhận ra điều ấy, lại cố tình bẻ cong công lý, cố tình ép người không có tội phải nhận tội? Chưa nói đến lương tâm, tình thương, ngay cả nghiệp vụ chuyên môn, vì sao nguyên tắc suy đoán vô tội không được các cán bộ điều tra, cơ quan tố tụng xem xét?
Không phải đơn giản mà các đại biểu Quốc hội kỳ họp vừa qua đã phải yêu cầu ngay lập tức đình chỉ điều tra đối với ông Huỳnh Văn Nén. Không chỉ việc từ lời khai của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành, đối tượng nghi vấn bị bắt để điều tra, mà những gì để buộc tội Huỳnh Văn Nén còn quá mâu thuẫn, không thuyết phục. Và rồi, như xác định, thừa nhận của Cơ quan CSĐT sau này để quyết định đình chỉ bị can đối với ông Nén: lời khai nhận tội giết người, cướp tài sản trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử của ông Nén “không có chứng cứ khác chứng minh, không khớp với lời khai nhân chứng và hiện trường”, có căn cứ để kết luận ông Nén không thực hiện tội phạm.
Hàng chục năm qua, hồ sơ vụ án, dư luận, công luận đều đã thể hiện vụ án có nhiều mâu thuẫn: Tối 23/4/1988, ông Nén sau khi đi uống rượu về qua nhà bà Lê Thị Bông đã nảy sinh ý định giết bà để cướp tài sản. Ông Nén đã dùng dao cắt đoạn thừng ở sân giếng làm hung khí để siết cổ giết bà Bông cướp chiếc nhẫn.
Nhiều lời khai ông Nén cho rằng cắt sợi dây dù buộc ở thành giếng. Có lời khai lại cắt cả năm dây, sau đó lấy một đoạn 1,4 mét. Hiện trường thì có đến 5 đoạn dài 10-70 cm. Đoạn dây được coi là hung khí của ông Nén thì không thu được.
Chuyện ông Nén khai khi đến nhà bà Bông thấy đèn sáng, bóng đèn thì lúc dài, lúc tròn, sau khi gây án thì không tắt đèn, trong khi nhân chứng con gái bà Bông khẳng định nhà chỉ sử dụng 2 bóng đèn neon, khi về nhà các bóng đều bị tắt. Rồi ông Nén khai lúc thì dùng tay bóp cổ, lúc thì vòng dây từ phía sau siết cổ.v..v. cùng rất nhiều mâu thuẫn khác.
Vì sao những chứng cứ, tình tiết như trên không được điều tra viên, kiểm sát viên, Tòa án xem xét thấu đáo? Chính điều tra viên, kiểm sát viên đều thừa nhận có mâu thuẫn trong lời khai nhưng cho rằng căn cứ vào lời khai sau cùng của ông Nén đã phù hợp với cơ chế hình thành vết thương để định tội và không xem xét lại. Trong khi ông Nén khai là quá trình lấy lời khai phải chịu nhục hình, bức cung. Ngay cả việc khai về “vụ án vườn điều” của ông Nén cũng xuất phát từ sự mớm cung, bức cung?
Và như chính quá trình điều tra lại đã cho thấy, điều tra viên đã không tham gia khám nghiệm hiện trường và điều tra ban đầu... Và rồi, ngay cả sau này, khi có đơn tố giác tội phạm, có đơn khiếu nại của gia đình, điều tra viên được giao kiểm tra lại thì mọi việc vẫn không được xem xét lại ngay? Vì sao lương tâm họ lại không cật vấn như chính những phạm nhân đã nêu trên kia?
Cũng may thay từ vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn phát lộ đã tiếp thêm sức mạnh cho những người thân, luật sư, nhà báo trên con đường tìm công lý cho ông Huỳnh Văn Nén. Người cha già của ông Nén với niềm tin vào sự vô tội của con mình, với hành trình gần hai thập kỷ vẫn tin tưởng vào ánh sáng công lý.
Ngay cả người thầy của ông Nén, người cán bộ Mặt trận địa phương cũng quyết tâm hy sinh vì công lý. Cũng là sự quyết tâm làm sáng tỏ, kê lại cán cân công lý của cơ quan pháp luật cấp cao là VKSNDTC và TANDTC.
Dư luận mong chờ tới đây, vụ việc sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ. Kẻ có tội, từ kẻ giết người cho đến những kẻ cố tình bẻ cong công lý, gây oan sai cho người vô tội sẽ phải đền tội. Người bị oan khuất sẽ được bồi thường thỏa đáng. Và rồi đó đây, những trường hợp oan sai sẽ lại tiếp tục được cởi oan.