Theo ông Nguyễn Thái Học, niềm tin trong Đảng, trong nhân dân đối với công cuộc làm trong sạch Đảng là rất lớn.
Lò đã nóng thì củi tươi vào đây cũng phải cháy
Những ngày đầu năm 2023, “lò lửa” chống tham nhũng vẫn tiếp tục cháy khi cơ quan chức năng đã khởi tố gần 90 người, trong đó có Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm cùng một số người môi giới hối lộ.
Tại phiên họp 23 được tổ chức mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo Trung ương) đã thống nhất bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đây là diễn biến mới nhất của vụ án mà cơ quan chức năng xác định “không phải là tham nhũng “vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn.
Thực tiễn trong 10 năm, khi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đột phá, thể hiện qua những con số tổ chức đảng, đảng viên mắc sai phạm bị xử lý, số vụ án, bị can bị khởi tố do tham nhũng hay số tiền bất minh thu hồi được năm sau đều cao hơn năm trước.
Riêng trong năm 2022, có gần 540 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước).
Các kết quả trên thêm một lần nữa khẳng định thông điệp: Phòng chống tham nhũng tiêu cực sẽ không "ngừng", không "nghỉ".
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: “Niềm tin của người dân, niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với người đứng đầu Đảng ta trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng ngày càng được khẳng định và phát huy. Tổng Bí thư giữ vai trò như là một vị nhạc trưởng, là người dẫn đường, là linh hồn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và điều này được khẳng định từ thực tiễn trong 10 năm qua và những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư trong thời gian qua đã toát lên điều đó”, ông Nguyễn Thái Học cho biết.
Nhắc lại câu nói của người đứng đầu Đảng ta: Bản thân mình có trong sạch thì mới chống được tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Tổng Bí thư là người nói đi đôi với làm, ông nói thẳng, nói thật, làm thật, làm thận trọng, chắc chắn, bài bản, làm đâu chắc đó.
“Để làm được điều đó thì bản thân Tổng Bí thư là một sự mẫu mực về sự liêm chính. Không những bản thân Tổng Bí thư mà gia đình ông, những người thân của ông cũng thể hiện sự liêm chính như thế thì người dân mới tin được. Người dân không chỉ tin vào việc làm mà còn tin ở con người”, ông Nguyễn Thái Học chia sẻ.
Cũng theo vị Phó Trưởng Ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đạt được những kết quả rất to lớn, rất đáng trân trọng. Niềm tin trong Đảng, trong nhân dân đối với công cuộc làm trong sạch Đảng là rất lớn.
Ông tin rằng, càng đấu tranh chúng ta càng có kinh nghiệm, càng có thêm nhiều bài học quý, cùng với những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư được hệ thống, tập hợp thành sách như đáp án, cẩm nang thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta sẽ càng trở thành xu thế tất yếu.
“Diện mạo mới” trong công cuộc làm trong sạch Đảng
Mục tiêu của cuộc đấu tranh cam go này không chỉ thể hiện ở con số xử lý tổ chức Đảng, đảng viên mà mục tiêu cao hơn đó chính là lấy lại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Và thực tế, niềm tin ấy đang ngày càng được củng cố khi kết quả xử lý các vụ án, đối tượng tham ô, tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Theo dõi kết quả các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ sự tin tưởng rất cao đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng: “Kể từ khi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, nhân dân đã thấy một “diện mạo mới” trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ. Bởi chưa bao giờ nhân dân lại chứng kiến sự kiên quyết của Đảng đối với “một bộ phận không nhỏ” cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là nhân chứng lịch sử, nhiều năm cống hiến cho quân đội từ chiến tranh chống Mỹ đến cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Một lòng, một dạ theo Đảng, sắt son với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cũng như nhiều cán bộ, đảng viên lão thành không có mong muốn nào hơn là đất nước phát triển bền vững, công bằng và nhất định phải giữ được sự trong sạch của Đảng. Những cán bộ hư hỏng, thoái hóa thì nhất định phải đưa ra khỏi bộ máy.
“Nhờ sự chỉ đạo lớp lang, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nên nhiều sai phạm “lẩn khuất” từ nhiều nhiệm kỳ trước đã bị đưa ra ánh sáng, nhiều “vùng cấm” được gọi tên bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì. Chúng ta đã xử lý nhiều việc rất quan trọng, củng cố lòng tin của nhân dân. Đây là điều rất phấn khởi”, ông Nguyễn Đức Huy tin tưởng.
Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, công cuộc làm trong sạch Đảng sẽ còn nhiều cam go, phức tạp nên chúng ta phải làm từng bước, làm đâu chắc đấy. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là các Ban chỉ đạo ở địa phương cũng phải “nhóm lửa đều”, huy động tối đa sức mạnh, tai mắt của nhân dân như những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ “ẩn nấp”.
Ấn tượng với sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu Đảng ta, TS Lê Trung Kiên – Giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, đây chính là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.
“Người dân dành tình cảm rất lớn đối với Tổng Bí thư bởi trên hết họ tin vào tài năng, bản lĩnh, đạo đức, sự liêm chính của ông. Đặc biệt, những chỉ đạo, lời hứa của ông với cử tri, với nhân dân đều được triển khai và thực hiện trong thực tiễn. Ông là một người nói đi đôi với làm, gắn quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn rất cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên thấy được trách nhiệm của mình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều khiến người dân tin đó là Tổng Bí thư là một người có đời tư trong sáng, quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân từ”, ông Lê Trung Kiên chia sẻ.