Nhà triết học cận đại danh tiếng Albert Camus (1913 – 1960) đã để lại cho đời một cẩm nang sinh tồn quan trọng, đó là: “Khi không có hy vọng, bổn phận của chúng ta là sáng tạo ra nó”. Vậy hy vọng là một trạng thái tâm lý, một cảm xúc, một mức độ nào đó của tư duy lý trí hay một quá trình của tình cảm thông thường. Có nhiều cách thảo luận và suy luận về vấn đề này. Theo một số tác giả phương Tây thì: Cái mà “bổn phận của chúng ta là sáng tạo ra nó”, chính là Niềm tin !
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Hy vọng là tin tưởng và mong chờ. Thí dụ: Hy vọng có ngày gặp lại. Mẹ hy vọng nhiều ở con. Đặt nhiều hy vọng vào lớp trẻ”. “Niềm là từ dùng để chỉ từng tâm trạng, trạng thái tình cảm cụ thể (thường vào loại hợp ý muốn) mà con người trải qua. Thí dụ: Niềm vui. Niềm kiêu hãnh”. “Tin là: 1/Có ý nghĩa cho là đúng sự thật, là có thật. Thí dụ: Có nhìn thấy tận mắt mới tin. Nửa tin nửa ngờ. Không đủ chứng cứ nên không tin. 2/Cho là thành thật. Thí dụ: Đừng tin nó mà nhầm. Tin ở lời hứa. “Mười phần ta đã tin nhau cả mười” (Nguyễn Du). 3/Đặt hoàn toàn hy vọng vào người hay cái gì đó. Thí dụ: Tin ở bạn. Tin ở sức mình. Tin ở tương lai. Lòng tin. Vật để làm tin. 4/(Thường nói: Tin rằng, Tin là): Nghĩ là rất có thể sẽ như vậy. Thí dụ: Tôi tin là anh ấy sẽ đến. Không ai tin rằng nó sẽ thành công. Tôi tin là không ai biết được việc đó”.
Khi bàn về niềm tin và hy vọng, ta nên dựa vào những nguyên tắc suy nghĩ, những quy định nên có dựa trên những phát biểu của các triết gia trong các “Từ điển danh ngôn” đã được lưu hành.
Nguyên tắc thứ nhất của “Niềm tin và hy vọng” là dựa vào lời động viên rất nữ tính nhưng cũng rất thực tế của bà triết gia Marquise de Maintenon (1635 – 1719) là: “Hy vọng nói với chúng ta rằng: Hãy tiếp tục, hãy tiếp tục”. Nhờ có lời dặn dò này từ cách đây hơn 300 năm mà bao nhiêu con người bình thường đã thành công. Vì nếu chưa thành công hay sắp thành công, con người không bỏ cuộc mà cứ nhất định theo đuổi, tiếp tục nữa đi, tiếp tục nữa đi thì thế nào cũng đến lúc gặt hái, đến lúc toại nguyện.
Triết gia cổ đại Cicero (năm 106 đến 43 trước Công nguyên) cũng động viên, thúc dục con người: “Còn hơi thở là còn có hy vọng”. Như thế Hy vọng và Hơi thở của con người là một chuỗi liên tục, không ngừng nghỉ của cuộc sống hàng ngày.
Nguyên tắc thứ hai là vị trí và tầm quan trọng của cặp đôi “Niềm tin” và “Hy vọng”. Xác định được điều này là một việc khó, vì theo định nghĩa của “Từ điển tiếng Việt” đã trích dẫn ở trên thì Niềm tin cũng đã có nội dung Hy vọng và Hy vọng cũng đã có nội dung Niềm tin.
Triết gia cổ đại Augustin (từ năm 354 đến năm 430 sau Công nguyên) đã có một quy tắc chuẩn mực của tư duy nhận thức khi ông viết: “Phải có niềm tin và ngươi sẽ hiểu rõ. Tin tưởng đi trước thì nhận thức mới theo sau”. Câu danh ngôn cổ này đúng hoàn toàn vì con người ta phải được thông suốt về một công việc sắp theo đuổi, một sự nghiệp dù nhỏ hay to, dù đơn giản hay phức tạp, nhưng trước hết phải có niềm tin thì mình sẽ phấn đấu, sẽ cố gắng để đạt được, từ đó mới có được ý thức để hành động quyết liệt, để hy vọng thành công.
Trong Kinh thánh cổ Corinthians có một danh ngôn nổi tiếng thường được trích dẫn trong nhiều diễn văn quan trọng là: “Chúng ta bước đi bằng niềm tin chứ không phải bằng mắt”. Một sử gia người Pháp khi viết về chiến thắng của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt về chiến thắng ở Điện Biên Phủ, đã trích dẫn câu này và giải thích: “Nếu so sánh vũ khí của quân đội viễn chinh Pháp bằng mắt thì lực lượng và khí tài của quân Việt Minh quả thật là thiều thốn, ít ỏi. Nhưng họ đã thắng quân Pháp vì niềm tin chiến thắng khi chiến đấu vì chính nghĩa, vì hòa bình, vì lẽ phải”. Thí dụ vừa nêu trên về “Niềm tin” là hết sức cụ thể, dễ hiểu và sự chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ đã “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những niềm tin nhỏ bé của từng con người cụ thể trong cộng đồng xã hội cũng rất quan trọng và cần thiết, vì đó là mầm mống của mọi động lực, mọi hy vọng. Từ niềm tin của những cá thể nhỏ bé, tích tiểu thành đại, mới thành niềm tin của cả một tập thể, của một cộng đồng xã hội.
Đại văn hào Nga, Léon Tolstoi (1828 – 1910) đã khẳng định: “Niềm tin là sức mạnh của cuộc sống”. Phải có cái sức mạnh ấy, từng cá nhân, từng đơn vị, từng tập thể mới có kế hoạch để hy vọng hoàn thành được một công việc, một dự định, một tương lai gần hoặc tương lai xa.
Thế nếu ta thiếu niềm tin thì có thể có hy vọng được không? Trả lời ngay: Không thể có cơ sở nào để hy vọng cả! Không có niềm tin sẽ không có hy vọng! Đến đây có thể viết tóm tắt như sau:
Niềm tin - Hy vọng - Hành động
Thế từ niềm tin, diễn biến ra sao, trình tự hình thành trong suy nghĩ và hành động tiếp theo như thế nào đã được triết gia Gustave Le Bon (1841 – 1931) mô tả rất cụ thể và rõ ràng từng bước như sau: “Niềm tin sẽ hướng dẫn mọi ý tưởng, mọi tình cảm và từ đó đi đến cách xử thế”. Ý kiến chỉ đạo này của Le Bon rất quan trọng và rất cụ thể. Từ lúc bằng mọi giá chúng ta tạo được cho mình niềm tin và phải có niềm tin, một niềm tin vững chắc rồi ta mới có được những bước tiếp theo, đó là: hướng dẫn mọi tình cảm đúng đắn và tìm ra cách xử thế khôn ngoan, kịp thời, có hiệu quả.
Bàn thêm về niềm tin, có người hỏi: “Vậy thì cơ sở nào, nguồn gốc nào tạo được niềm tin cho chúng ta sớm nhất và dễ dàng nhất?”. Triết gia người Pháp, ông E.Souvestre (1806 – 1854) đã trả lời giúp ta: “Nếu không có gia đình, con người biết học cách yêu thương, đoàn kết và tạo dựng được niềm tin ở đâu?”. Chao ôi, mãi cám ơn Souvestre, người đã nhắc ta đến cội nguồn gia đình, cơ sở vững chắc và lâu bền mãi mãi đối với mỗi cá thể con người chúng ta được may mắn có mặt trên trái đất này. Vì thế, ai dám từ bỏ hoặc coi thường nguồn gốc gia đình của mình thì thật đáng thương và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trên bước đường đời đầy chông gai không thể lường được, không thể biết trước được sẽ như thế nào. Nên nhớ rằng, gia đình là nơi đón chào ta lúc ra đời và cũng là nơi chia tay ta mãi mãi, nên lúc nào ta cũng phải chuyên tâm, chú trọng và nặng lòng với gia đình. Đừng ai quên dù trong giây lát về việc vun đắp hạnh phúc và ấp ủ niềm tin vào gia đình nhé.
Tiếp tục bàn luận về Niềm tin và Hy vọng còn có những danh ngôn đáng để ta lưu tâm. Triết gia De Cantobery đã xác định rất rõ ràng rằng: “Tôi không tìm hiểu để đặt niềm tin, nhưng tôi đặt niềm tin để tìm hiểu”. Định đề triết học này rất quan trọng vì nó quyết định những phương hướng, những xu thế, những con đường mà mỗi người phải chọn lựa, phải theo đuổi, phải kỳ vọng từ những khao khát, những mong muốn hợp tình, hợp lý, hợp lẽ phải từ buổi ban đầu. Nếu suốt cuộc đời chúng ta, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành được sống trong một môi trường thiện lương, từ giáo dục gia đình đến giáo dục xã hội tốt đẹp, đúng đắn, biết cách vượt khó, vượt khổ để trưởng thành thì chắc chắn ta sẽ có một niềm tin vững chắc vào một ngày mai tốt đẹp hơn, sáng sủa hơn để mà nỗ lực phấn đấu, gia tăng hy vọng vượt khó vượt khổ để đạt được hy vọng và ước mơ của mình.
Đông phương cổ học Tinh hoa cũng đã chỉ bảo rất cặn kẽ và thực tế qua câu danh ngôn: “Trước kia có khi ta chỉ nghe lời nói mà có lòng tin, nhưng ngày nay, khi đã trưởng thành về nhân cách, sau khi nghe lời nói, ta còn phải xem việc làm thì mới có lòng tin hoàn toàn được”. Như thế từ lời nói đến việc làm của một người nào đó, của một diễn biến công việc nào đó phải có kết quả thật sự mới mong thuyết phục được người khác, tạo được niềm tin cho người khác. Đây là một quá trình lâu dài và cần phải có thời gian để kiểm chứng. Rõ ràng, tạo được niềm tin đâu có dễ dàng, đâu chỉ một sớm một chiều mà đạt được. Tạo được niềm tin vào chính bản thân mình có khi còn khó hơn việc tin tưởng người khác. Chao ôi, bài học về Tu thân, về tự mình tin vào mình, bao giờ cũng đòi hỏi sự cố gắng, vất vả lâu dài may ra mới có được.