Niềm tin vào xiếc

Ngọc Tú 19/02/2017 08:15

Câu chuyện hai anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp lập kỷ lục thế giới có thể coi là điểm sáng hiếm hoi của xiếc Việt Nam trên trường quốc tế. Từ điểm sáng này, nhìn về các nghệ sĩ xiếc trẻ đang cố gắng yêu nghề, sống với nghề, mới thấy để sống được bằng nghề xiếc hiện nay, quả là không hề dễ dàng chút nào.

Khổ luyện.

1. Chúng tôi tìm đến trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam ở khu Văn hóa Nghệ thuật Mai Dịch (Hà Nội) mới thấy hết sự “khổ luyện” của các nghệ sĩ trẻ.

Vào trường từ năm 11 tuổi, lứa tuổi còn mải chơi nhưng hầu hết các em ở đây đều “răm rắp”, hết giờ học văn hóa là đến giờ tập luyện xiếc.

Những giọt mồ hôi, những bài tập khó đòi hỏi độ kiên trì và quyết tâm cao không làm các em nản lòng. “Trường đào tạo toàn diện theo kiểu ba trong một, vừa là phổ thông trung học, phổ thông cơ sở và đào tạo nghề xiếc. Có hai giáo viên quản sinh ăn ở với các em 24/24”- Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh cho biết.

TS Khánh cũng chia sẻ về những khó khăn mà cả thầy và trò đều phải đối mặt. Chẳng hạn trước đây học sinh trường Xiếc được bao cấp 100% nhưng từ sau năm 1986 thì cắt dần kinh phí giờ thì các em đi học phải đóng học phí và toàn bộ tiền ăn, ở.

Kinh phí eo hẹp, vì vậy, ngay cả những tài năng đặc biệt cũng không được hỗ trợ bất cứ khoản gì. Từ năm 2006, thầy Hoàng Minh Khánh đã lập ra Nhà hát thể nghiệm để các em kết hợp giữa biểu diễn thực tập với biểu diễn có thu.

Tất nhiên, việc chính của các em vẫn là học tập, thu chỉ là phụ nhưng cũng có thêm nguồn để trích ra hỗ trợ 180.000 đồng tiền ăn mỗi tháng.

Riêng các em biểu diễn thì đã có bồi dưỡng buổi diễn đó. Điều này đã thu hút được nhiều thí sinh tham gia tuyển sinh. TS Khánh cho biết: Dù xiếc không phải là ngành “hot” như trước nhưng nguồn “đầu vào” vẫn tương đối dồi dào. “Riêng mùa tuyển sinh vừa rồi có tới gần 7.000 thí sinh thi tuyển, chúng tôi chọn ra 37 em và có 35 em nhập học”.

Theo TS Khánh, trong quá trình 5 năm đào tạo, không phải khóa nào cũng toàn vẹn được quân số đầu vào, đầu ra. Có những em không phát triển được tài năng đành phải cho về.

Có những em gia đình quá khó khăn không thể có khả năng cho con theo học tiếp nên trường cũng đành phải ngậm ngùi, nuối tiếc cho các em về.

Còn lại hầu hết chưa có trường hợp nào bị chấn thương mà về. Cũng có trường hợp các em học văn hóa giỏi, gia đình muốn các em chuyển sang ngành nghề khác nên trường cũng đành phải chia tay các em.

2. Học đã vất vả, nhưng “đầu ra” của sinh viên trường Xiếc thì sao? NSND Tạ Duy Ánh- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, ngay các buổi thi tốt nghiệp ở trường Xiếc thì Liên đoàn Xiếc đã được mời vào dự xem khóa này có thể loại tiết mục nào tốt, kĩ thuật của bạn nào khi ra Liên đoàn phù hợp và sẽ phát huy tốt khả năng.

Khi nhận ra Liên đoàn sẽ giao về các đơn vị lên kế hoạch, đề án để duy trì và phát triển cho diễn viên mới này. Riêng với những tài năng nổi trội đặc biệt thì rất được quan tâm vì với kinh nghiệm làm nghề, diễn viên trẻ có giai đoạn phong độ, tỏa sáng nhất định thì ngay lập tức phải hỗ trợ để nâng họ lên.

Ông Ánh cũng tiết lộ, mức lương trung bình của nghệ sĩ trẻ chỉ từ 2-3 triệu đồng một tháng. Tiền bồi dưỡng một buổi biểu diễn chỉ khoảng 200 ngàn đồng và “mỗi tháng diễn được 8 buổi đã là hạnh phúc”.

Ông Ánh ngậm ngùi nói: “Chúng tôi nhìn các diễn viên trẻ luyện tập phải nói là rớt nước mắt, vì họ yêu nghề quá, tập luyện cả ngày trời mà chỉ ăn bát mì “không người lái”. Như thế thì lấy đâu ra sức khỏe mà làm nghề, vì nghề này tập luyện rất vất vả, mất nhiều calo, đổ mồ hôi, thậm chí cả máu nữa”.

Theo NSND Tạ Duy Ánh, “lớp trẻ là nhân lực chủ đạo làm ra tiền, tạo nên sự mới mẻ và cả bứt phá, cống hiến nhiều nhất cho Liên đoàn. Để họ có thể tận tâm với nghề thì mình phải có sự quan tâm đúng mức”.

Ý thức điều đó, Liên đoàn Xiếc cũng đã cố gắng tìm ra khu vực nào để các bạn ở tạm, 5, 6 bạn ở vào một phòng, không đúng nguyên tắc nhưng vẫn phải làm vì nếu không các em các cháu không đủ tiền thuê nhà, không đủ tiền ăn sẽ bỏ nghề.

Bên cạnh đó, cũng phải đầu tư về đạo cụ, trang phục, bài vở, mời thêm biên đạo múa, nhạc sĩ… để nâng kỹ thuật tiết mục lên tầm cỡ quốc tế.

Sau đó gửi clip đi giới thiệu với Ban tổ chức các cuộc thi, liên hoan quốc tế. Nếu phù hợp sẽ được mời sang tham dự, được va chạm với nghệ thuật xiếc các nước.

Các bạn trẻ đã được đi như vậy khi đoạt giải sẽ được mời đi biểu diễn ở nhiều nước. Điển hình có nghệ sĩ Trà My biểu diễn tiết mục “Đế kiếm”, ra trường từ lúc 16, 17 tuổi, hiện nay chủ yếu đi biểu diễn ở nước ngoài.

Thu Hương diễn cùng Thanh Tuấn tiết mục “Đu quan họ” đã được giải Vàng quốc tế. Hay nghệ sĩ Phạm Văn Cường được giải Bạc với tiết mục “Thăng bằng trên thang”, nhiều lần đi thi lần nào cũng được giải…

Những trường hợp như thế thì được quan tâm về thời gian, địa điểm tập luyện phù hợp, bố trí âm thanh ánh sáng cho họ được tập luyện tốt nhất.

3. Dù vậy, có một khó khăn khá “then chốt” cho các nghệ sĩ trẻ đó là vào Liên đoàn Xiếc hầu như chỉ được ký hợp đồng chứ không được vào biên chế.

Tại Liên đoàn Xiếc hiện có những nghệ sĩ 14 năm cống hiến vẫn chỉ làm hợp đồng. Theo quy định thì cứ hai người biên chế nghỉ mới được tuyển thêm một, mà nghề xiếc cũng như là thể thao, những tiết mục và động tác kỹ thuật cao chỉ có trong một giai đoạn nhất định, trong độ tuổi nhất định.

Khi đang ở phong độ đỉnh cao thì họ lại không được ghi nhận, đó là một trong những khó khăn với lớp nghệ sĩ trẻ. Kể cả được thi tuyển cũng khó cho diễn viên vì ngoài các môn năng khiếu chính làm nghề ra thì còn phải thi các môn khác.

Một vấn đề nữa, là những trường hợp tai nạn nghề nghiệp. Trò chuyện với các chuyên gia, giáo viên kinh nghiệm, hay với các nghệ sĩ đều chung nhận định: nghề xiếc, tai nạn là không tránh khỏi.

Kể cả tập luyện kĩ, nhuần nhuyễn đến đâu nhưng cũng có những lúc điều không mong muốn xảy ra. Tai nạn như bong gân, sái tay sái chân là chuyện nhỏ, nghỉ ngơi vài ngày là khỏi.

Có những tai nạn nặng như phải ngồi xe lăn. NSND Tạ Duy Ánh dẫn chứng trường hợp của nghệ sĩ Quốc Hoàn. Vì yêu nghề, hết mình với nghề nhưng có những chuyện bất khả kháng như đi tập ngoài giờ, lúc đó không ai giúp về vấn đề an toàn.

Bản thân nghệ sĩ cũng có thể chủ quan, không chú ý về vấn đề đó khi xảy ra có trường hợp ngã từ trên cao 4,5m thì không sao, nhưng cũng có trường hợp ngã 2m đã bị nặng. Đó là do tư thế ngã, cơ thể của mỗi người, nếu không có tố chất thì ngã thấp vẫn bị nặng.

Từ những phân tích của người trong nghề như thế, thấy được rằng ngoài tài năng, sự yêu nghề thì diễn viên xiếc còn phải có cả bản lĩnh và “máu liều” nữa.

Như trường hợp của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, xem lại clip anh em “hoàng tử xiếc” lập kỷ lục thế giới khi không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào, người xem không khỏi thót tim, rùng mình.

Nhọc nhằn đấy, nguy hiểm đấy mà cũng vinh quang đấy. Chỉ cần nỗ lực hết mình là sẽ có cơ hội tỏa sáng. Nghệ sĩ xiếc Việt đang cố gắng hết mình và khán giả cần phải đặt niềm tin vào họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tin vào xiếc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO