Xã hội

Niềm vui được mùa thủy sản

Nguyên Du 23/01/2024 15:42

Những ngày cận Tết, tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, giá tôm, cua và cá kèo tăng mạnh. Bà con nuôi cá kèo ở Cà Mau cho biết, chưa bao giờ người nuôi trúng giá như hiện nay.

anh-1-bai-tren.jpg
Hiện giá cua tại Bạc Liêu, Cà Mau đang được thương lái thu mua với giá 600.000 đồng/kg cua gạch loại 1. Ảnh: N.Du.

Cận Tết cá kèo tăng giá kỷ lục

Từ đầu tháng Chạp đến nay, giá cá kèo trên địa bàn các tỉnh miền Tây liên tục tăng, lên đến 180.000 - 220.000 đồng/kg. Nghề nuôi cá kèo thâm canh tại miền Tây đã phát triển từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ người nuôi lại trúng giá như năm nay.

Ông Trần Văn Trận (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, ông và nhiều người nuôi cá kèo tại địa phương thường canh nuôi cá để kịp thu hoạch sát Tết, nhằm bán được giá cao. “Năm nay, tôi thả mật độ thưa hơn các năm, do giá con giống tăng. Vừa rồi thương lái vào, tôi bán được hơn 4 tấn cá kèo với giá 180.000/kg, trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng” - ông Trận cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn An, hộ nuôi cá kèo xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long cho biết, gia đình gắn bó với nghề nuôi cá kèo gần 10 năm, nhưng chưa khi nào giá cá kèo tăng cao như năm nay. Hiện cá kèo được thương lái thu mua tại ao với giá từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, cao hơn từ 90.000 - 100.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này thì các hộ nuôi đều có lợi nhuận cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Theo các thương lái, càng cận Tết nhu cầu tiêu thụ cá kèo tươi cũng như khô cá kèo tăng cao, trong khi nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân chính dẫn đến cá kèo tăng giá mạnh như vây.

Bạc Liêu hiện là tỉnh có diện tích nuôi cá kèo lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mô hình nuôi thâm canh trong các ao nuôi tôm được cải tạo lại và nuôi trên ruộng làm muối. Hầu hết diện tích nuôi cá kèo của tỉnh tập trung ở huyện Hòa Bình, Đông Hải, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu. Trước đây, do hiệu quả kinh tế không bền vững nên diện tích nuôi cá kèo không giữ được ổn định. Từ gần 1.000 ha nuôi cá kèo trong những năm trước, Bạc Liệu hiện chỉ còn hơn 400 ha nuôi thâm canh.

Ông Hồ Thanh Tuấn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, một trong những địa phương có diện tích nuôi cá kèo chủ lực của tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn huyện hiện có gần 100ha cá kèo, giảm nhiều so với vụ mùa trước. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh trên cá kèo, một phần do giá cá kèo nuôi rớt giá, trong khi giá thức ăn tăng cao nên nhiều hộ nuôi cá kèo treo ao hoặc chuyển sang nuôi loại thủy sản khác.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số vùng sản xuất lúa tôm của tỉnh Bạc Liêu, nông dân đã mạnh dạn thả nuôi cá kèo kết hợp với mô hình tôm - lúa. Đây là hình thức nuôi tự nhiên tạo ra cá kèo thương phẩm sạch nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo bà con nông dân đây là mô hình ít tốn chi phí, chỉ mất tiền giống 400 - 500 đồng/con.

Ông Trương Phước Hiền - Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Phước Long cho biết, nuôi cá kèo kết hợp trong mô hình lúa - tôm là một hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế khá cao. Sau khi thu hoạch tôm, cá kèo chừng nửa tháng sau mới thu hoạch lúa. “Cá kèo hiện có giá rất cao, đa số nông dân đều có lãi khá. Địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng hình thức thả nuôi này nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đợn vị diện tích”, ông Hiền thông tin thêm.

anh-2-bai-tren.jpg
Người nuôi cá kèo phấn khởi vì chưa năm nào giá tăng như năm nay. Ảnh: N.Du

“Cứ đà này nông dân khá lên mấy hồi”

Cùng với cá kèo, cả tuần qua, cua biển tăng giá theo từng ngày cũng mang lại niềm vui cho bà con nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu. Thời điểm này, bà con bắt đầu vào vụ thu hoạch cua biển trong vuông tôm. Theo nhiều nông dân, sản lượng của biển năm nay khá hơn, bà con rất vui khi giá cua những ngày này tăng mạnh.

Tại Cà Mau, Bạc Liêu giá cua được thương lái thu mua khá cao. Cụ thể, cua gạch loại 1 được thu mua với giá 600.000 đồng/kg; cua gạch loại 2 là 450.000 đồng/kg; cua y loại 1 có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; cua y tứ (loại 4 con/kg) là 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Ông Trần Thanh Trường, nông dân ngụ huyện Thới Bình (Cà Mau) khoe: “Vừa rồi gia đình tôi thắng đậm vụ lúa - tôm càng xanh, giờ giá cua biển lại rục rịch tăng. Cứ đà này, đời sống của nông dân chúng tôi khá lên mấy hồi.

Anh Nguyễn Minh Nhật, nông dân ngụ xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết: “Giá cua biển những ngày qua bắt đầu tăng, gia đình tôi cũng bắt đầu thu hoạch để kịp bán cho thương lái. Theo kinh nghiệm, tôi thường thả giống kiểu đón đầu chờ giá, nên dự kiến dịp Tết Nguyên đán này gia đình sẽ trúng mùa cua. Hiện mỗi ngày tôi có thu nhập hơn 1 triệu đồng từ việc bán cua”.

Do cua biển Cà Mau được nuôi dưới tán rừng ngập mặn nên cho thịt chắc, ngọt, ngon khó nơi nào có thể sánh bằng. Chính vì thế cua nơi đây luôn được thương lái tìm mua với giá cao. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường những năm gần lại đây giá cua biển thương phẩm luôn tăng cao những ngày giáp Tết, nên hầu hết người dân địa phương đều thả giống đón đầu. Và năm nay tiếp tục là một năm người nông dân thắng lợi.

Cá kèo nuôi khoảng 4-5 tháng là có thể cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 50 con/kg. Mặc dù nguồn giống còn phụ thuộc từ nguồn tự nhiên, nhưng cá kèo có thể nuôi được quanh năm. Giá cá kèo tăng cao là tín hiệu vui cho người nuôi. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, để tránh nguồn cung vượt cầu gây ra những biến động giá trên thị trường, bà con không nên phát triển ồ ạt diện tích nuôi. Đồng thời khi thả nuôi phải chú ý phòng chống một số loại bệnh thường xuất hiện như: tuột nhớt, bệnh trắng đuôi, bệnh nhiễm khuẩn huyết Aeromonas…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm vui được mùa thủy sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO