Niềm vui ở 'thủ phủ' sầu riêng

ĐOÀN XÁ 14/07/2023 07:48

Chỉ sau một thời gian ngắn, sầu riêng đã vươn lên trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước, vượt qua cả thanh long. Được trồng ở nhiều địa phương như Đồng Nai, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hoà nhưng khu vực miền Tây Nam bộ là nơi có diện tích sầu riêng lớn, gặt hái nhiều thành quả nhất từ trái sầu riêng.

Thu hoạch sầu riêng ở Tiền Giang.

Niềm vui của nông dân

Nằm giữa lòng sông Tiền rộng lớn, cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cùng với cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có vị trí sát nhau và được ví là “vương quốc sầu riêng” của tỉnh Tiền Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Từ hàng chục năm qua, sầu riêng gần như là loại cây trồng duy nhất được người dân Ngũ Hiệp-Tân Phong đầu tư chăm sóc.

Ông Nguyễn Văn Hoà, 67 tuổi, trú ở cù lao Ngũ Hiệp cho biết, gia đình ông có hơn 200 gốc sầu riêng đều đã 10 năm tuổi. “Đợt vừa rồi có 120 gốc chính vụ thu hoạch bán được 1,1 tỷ đồng. Còn 80 gốc tôi canh tác trái vụ, gần Tết mới thu hoạch. Sầu riêng trái vụ có giá cao nhưng năng suất kém hơn và cũng nhiều rủi ro bởi sắp tới mùa mưa, trái có thể rụng hay hư hỏng bất cứ lúc nào. Năm ngoái sầu riêng trái vụ giá cao lắm, mỗi trái giá gần triệu đồng” - ông Hoà kể và cho biết thêm, dù mang lại nguồn thu lớn nhưng sầu riêng có chi phí sản xuất khá cao, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công sức chăm sóc, thu hoạch…

Theo các hộ trồng sầu riêng nơi đây, trước kia việc thu hoạch và bán sầu riêng của người dân Ngũ Hiệp khá khó khăn vì đi lại vất vả nhưng năm 2020 đã có cầu nối từ đất liền sang cù lao nên việc di chuyển thuận tiện hơn. “Mỗi vườn sầu riêng khi thu hoạch vài tấn, chi phí cắt và vận chuyển cũng vài chục triệu đồng. Từ ngày có cầu thì dễ dàng hơn, chi phí giảm còn một nửa” - ông Hòa cho biết.

Nằm cách đó khoảng 20 cây số, cù lao Dài, thuộc địa giới hành chính của 2 xã Quới Thiện và Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cũng được coi là “vương quốc” sầu riêng. Gần như toàn bộ vườn trái cây ở đây là sầu riêng. Anh Nguyễn Văn Huy, 38 tuổi chủ vườn sầu riêng ở cù lao Dài cho biết, với nhiều gia đình ở cù lao, sầu riêng là loại cây “tỷ phú” bởi mang lại lợi nhuận lớn.

“Trồng sầu riêng mà trúng vài vụ là có thể xây nhà lầu, mua xe hơi. Nhưng sầu riêng lại không dễ trồng. Những cây khác như cam, nhãn, mít, chôm chôm thì chỉ cần trồng là có thể thu hoạch, vì cù lao phù sa màu mỡ rất tốt. Nhưng sầu riêng phải đầu tư chăm sóc, tính toán rất kỹ” - anh Huy nói.

Theo tính toán của anh Huy, người trồng sầu riêng loại Ri6 có chi phí sản xuất khoảng 25-30.000 đồng/kg. Nghĩa là, sầu riêng có giá từ 30.000 đồng/kg trở lên là nông dân bắt đầu có lãi. Như vụ sầu riêng đầu năm 2023, giá sầu riêng trung bình ở mức 45-60.000 đồng/kg nên hầu hết các hộ dân đều có lợi nhuận cao.

Sầu riêng “vươn mình”

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có khoảng 18.000ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy. Mặc dù diện tích cây sầu riêng có tăng so với vài năm trước nhưng lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Tiền Giang cho biết, vẫn nằm trong cân đối cơ cấu cây trồng của tỉnh. Đây cũng là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ở khu vực miền Tây Nam bộ. Tiếp đó, các địa phương khác như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp… đều có khoảng từ 2.000 tới 3.500ha sầu riêng. Ít tháng trước, sầu riêng được Trung Quốc cấp mã chứng nhận vùng giúp cho nông dân sản xuất sầu riêng an tâm với đầu ra. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, do sầu riêng mới được cấp chứng nhận xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc nên diện tích tăng nhanh. Theo ông Mẫn, ngành nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương làm việc với các địa phương, nông dân, doanh nghiệp đầu mối để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xuất khẩu chính ngạch.

Mặc dù có một vài ý kiến lo ngại về tình trạng tăng trưởng nóng của cây sầu riêng nhưng thực tế diện tích sầu riêng vẫn còn khá khiêm tốn. Thực tế cho thấy, toàn bộ diện tích đất trồng sầu riêng ở 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ chưa bằng diện tích trồng cây thanh long ở tỉnh Bình Thuận (hơn 30.000ha). Nhiều nông dân trồng sầu riêng đánh giá, chỉ cần sản xuất đạt tiêu chuẩn thì chắc chắn sẽ bán được vì nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn.

Mặc dù chưa chính thức đạt mức 1 tỷ USD xuất khẩu (do mới thống kê 6 tháng năm 2023) nhưng sầu riêng là cây trồng có nhiều lợi thế.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo năm 2023, sầu riêng xuất khẩu có thể mang lại từ 1 tới 1,2 tỷ USD, và tăng lên 2 tỷ USD sau 1-2 năm nữa. Đây là con số ấn tượng bởi những năm gần đây, xuất khẩu các loại rau quả chỉ đạt khoảng hơn 4 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm vui ở 'thủ phủ' sầu riêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO