Sau nhiều năm người nuôi ngao ở một số xã huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá khóc ròng, nước mắt hoà cùng với nước biển trên những bãi nuôi thả ngao thì khoảng từ đầu năm 2015 trở lại đây, niềm vui đã dần trở lại với vùng ven biển này.
Người dân phấn khởi khi giá ngao tăng trở lại.
Một thời lao đao
Còn nhớ, thời điểm gần 10 năm trước đây, không cam chịu cảnh đói nghèo, nhiều hộ dân xã Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã tìm cho mình một hướng thoát nghèo mới - cải tạo môi trường, đầu tư nuôi ngao thương phẩm. Nguồn lãi thu về từ nghề nuôi ngao xuất khẩu năm 2009 – 2010 lên tới tiền tỷ mỗi hộ, bỏ một lãi gấp đôi.
Song, do tính chất tự phát, lại thiếu kinh nghiệm, sự hiểu biết về kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm, không được bảo trợ giá cả cũng như đầu ra bấp bênh đã khiến các hộ đầu tư hàng tỷ đồng nuôi thả ngao lâm vào tình cảnh nợ chồng nợ chất.
Xã Đa Lộc - một trong những xã có số hộ, có diện tích nuôi ngao lớn nhất nhì của huyện Hậu Lộc với 400 ha. Thế nhưng sau vụ mùa hoạch thu thắng lợi là nước mắt của không ít hộ bất chấp “lao mình vào ngao”. Từ nguồn lãi gấp đôi, lãi tiền tỷ từ ngành nghề này mà nhiều hộ dân sẵn sàng thế chấp nhà cửa, vay lãi ngân hàng… để đầu tư vào ngao.
Lúc bấy giờ, nói không quá, gần như cả xã, cả hộ có người làm cán bộ, hộ nào cũng có ít nhất một vài héc ta nuôi ngao. Lý giải cho sự ồ ạt này khi đó, lãnh đạo xã Đa Lộc cho biết, đó là các hộ tự ý ra cải tạo theo kiểu tự phát, khó kiểm soát. Và rồi, cái kết đau xót cho sự ồ ạt này là tình cảnh “trắng tay” của các hộ dân khi đánh cược cùng… ngao. Giá tụt dốc, thị trường đóng cửa, người dân không dám thu hoạch vì không biết bán cho ai. Ngao đến vụ không thu hoạch, ngao đẻ dày, ngao… chết trắng!
“Từ con số 400 ha diện tích nuôi ngao, nay chỉ còn 100ha diện tích người dân sống còn được với nghề. Nhiều hộ hiện tại vẫn nợ chồng, nợ chất, bán xứ đi làm ăn xa. Còn diện tích 300 ha đồng ngao kia thì bỏ hoang, lãng phí… giờ cũng không ai còn đủ bản lĩnh để mạo hiểm làm giàu từ nó” – ông Vũ Ngọc Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc bày tỏ.
Hộ gia đình ông Bùi Văn Thực, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc là một trong những hộ đi tiên phong trong việc cải tạo vùng triều, nuôi ngao đầu tiên của cả xã (năm 2007). Không giấu sự lo lắng, ông Thực chia sẻ, nhờ vào nguồn lãi từ những năm trước đó mà gia đình tôi bám trụ với số diện tích 11 ha ngao đến ngày nay.
Tín hiệu ngao tăng giá trở lại
Từ đầu năm 2015 trở lại đây tín hiệu vui đến với người nuôi ngao khi giá ngao đã dần tăng trở lại, một số thị trường đầu ra trước đây ngừng nhập hàng nay cũng đã quay trở lại. Cụ thể, nếu như năm 2013, 2014 giá ngao thương phẩm chỉ đạt từ 8 đến 10 nghìn đồng/kg thì bước sang đầu năm 2015 giá ngao thương phẩm đã tăng lên từ 11 đến 13 nghìn đồng/kg và 15 đến 17 nghìn đồng/kg ngao bán lẻ.
Sở dĩ, giá ngao có sự tăng giá trở lại theo lý giải của các hộ dân, một phần bởi giá ngao giống năm 2015 giảm từ 3 đến 5 giá, chi phí đầu tư giảm. Bên cạnh đó, thị trường một số nước như Trung Quốc, EU cũng như một số tỉnh trong nước đã nhập hàng trở lại.
Ông Bùi Văn Thực vui vẻ cho biết: “Sau khoảng 3 năm ngao rớt giá, 11 ha ngao của gia đình đang có ý định bỏ đi, thì từ đầu năm 2015 trở lại đây giá ngao đã dần tăng trở lại, đầu ra ổn định. Nếu cứ đà tăng giá này thì năm nay gia đình tôi có thể lãi khoảng 800 triệu đồng”.
Theo ông Thực, nếu năm 2011 giá ngao giống là 65 nghìn đồng/500 con giống thì năm nay chỉ còn 20 nghìn đồng/500 con giống nên người nuôi ngao có lời, bên cạnh đó ông cũng đấu mối cho mình một số thị trường đầu ra ổn định, trung bình mỗi ngày ông xuất khoảng gần 2 tấn ngao thương phẩm đi một số tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, ông Thực cũng không khỏi lo lắng vì đa phần các hộ nuôi ngao hiện tại đang phải bươn mình tìm thị trường đầu ra, giá cả cũng từ đó bấp bênh, không ổn định. Để người nuôi ngao lấy lại được niềm tin, làm giàu từ con ngao thì cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp ngành chức năng trong công tác xây dựng, quy hoạch và tạo thương hiệu.