Mặt trận

Niềm vui trong những căn nhà mới

PHƯƠNG NGUYÊN 19/05/2024 09:04

Các tỉnh ở Tây Nguyên đang đổi mới từng ngày khi Nông thôn mới về đến những buôn làng. Cùng với đó, những ngôi nhà dột nát cũng đang dần trở thành ký ức. Một trong những địa phương có tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát mạnh nhất thời gian qua chính là tỉnh Lâm Đồng.

trao-nha-ddk-lam-dong.jpg
Ủy ban MTTQ huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với đơn vị tài trợ trao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn huyện. Ảnh: N. Minh.

Việc MTTQ các cấp tỉnh Lâm Đồng vào cuộc tích cực, bài bản, trách nhiệm đã giúp Lâm Đồng có những bước đột phá trong giảm nghèo nói chung, xóa nhà tạm nói riêng.

Căn nhà của K’Vài (thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Gia đình ông K’Vài là một hộ nghèo. Đã bao năm sống dưới mái nhà lụp xụp nhưng cảnh túng bấn khiến ông không biết xoay xở thế nào.

Thực hiện chương trình xóa nhà dột nát, Ủy ban MTTQ huyện Bảo Lâm hỗ trợ gia đình ông số tiền 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đối ứng, với sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm. Ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa rồi, gia đình ông được “trao chìa khóa” trong niềm rưng rưng xúc động. Ngôi nhà mái bằng chắc chắn được thiết kế 3 phòng, diện tích 40 m2 là điều bấy lâu ông không dám mơ tới nay đã thành sự thật. Đây là động lực để ông cùng gia đình tiếp tục vượt khó, vươn lên.

Gia đình ông K’Vài là một trong hàng nghìn hộ đã được hỗ trợ về nhà ở trong những năm qua, nhằm tiến tới mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng Phạm Triều cho biết: “Từ năm 2019 đến 2024, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng 2.324 căn nhà, sửa chữa 654 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về nhà ở với tổng giá trị 90,6 tỷ đồng”.

Một trong những địa phương làm tốt hoạt động này đó là huyện Đạ Tẻh. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đạ Tẻh cho biết, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vẫn còn 2,9%, tương ứng với 373 hộ, gồm 109 hộ nghèo và 264 hộ cận nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số còn 4,32%. Vì vậy, toàn huyện có trên 150 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở gồm: nhà tạm, nhà thiếu các tiêu chí về nhà ở theo quy chuẩn về nhà ở nông thôn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lao động sản xuất, sức khỏe và tinh thần đang rất cần sự quan tâm chia sẻ của cả cộng đồng để vững tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai hiệu quả phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sớm có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Đạ Tẻh đang tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chiến sĩ lực lượng vũ trang; đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân huyện Đạ Tẻh, người Đạ Tẻh đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ bằng nhiều hình thức như đóng góp bằng kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt… để thực hiện thành công chương trình.

Trong khi đó, huyện Đức Trọng cũng đạt được nhiều kết quả tích cực và đang hướng đến mục tiêu cao hơn trong năm 2024 về công tác xóa nhà dột nát. Ông Lê Công Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đức Trọng cho biết: Khi đã có một mái ấm khang trang che nắng, che mưa thì người dân mới có thể yên tâm lao động để phát triển cuộc sống bền vững.

Tuy nhiên, với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giấc mơ về một ngôi nhà là điều xa vời.

Do đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã hội phát huy tinh thần tương thân, tương ái để xóa những căn nhà tạm bợ. Hiện nay, không chỉ xây dựng nhà cửa, xóa nhà tạm, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng cũng đang nỗ lực hết mình hỗ trợ bà con cải thiện đời sống khi thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức các buổi hướng dẫn phương thức canh tác - sản xuất; đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp nguồn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; thường xuyên vận động xã hội hỗ trợ người nghèo…

Tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo sinh kế ổn định, giúp bà con có thể thoát nghèo bền vững.

Mặc dù đã đạt được nhiều đột phá, song đến nay, theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 3,16% hộ nghèo đa chiều, tương ứng với 11.345 hộ, gồm 3.912 hộ nghèo, 7.433 hộ cận nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số còn 8,75%, tương ứng với 7.125 hộ.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.826 gia đình có chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở. Do đó, xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác Mặt trận trong thời gian tới.

Ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phát động; hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, phong trào thi đua “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, được tổ chức lồng ghép với các phong trào thi đua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để hoàn thành các chỉ tiêu thi đua xóa nhà tạm, về đích trước thời hạn, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung các nguồn lực từ Nhà nước và huy động xã hội hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nơi có nhiều nhà tạm, nhà dột nát và phấn đấu 100% số xã được công nhận nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm vui trong những căn nhà mới