Chính phủ và Bộ xây dựng đã có những quy định và hướng dẫn về việc tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, theo đó các địa phương giải thể các Ban QLDA kiêm nhiệm tại các Sở, phòng trong toàn tỉnh để thành lập các Ban QLDA chuyên ngành. Ninh Bình cũng đã thực hiện tổ chức lại công tác quản lý dự án theo hướng dẫn tuy nhiên không hiểu vì lý do gì hiện nay, một số dự án lớn vẫn chưa về đến Ban chuyên trách, vẫn được giao cho các Sở.
Nghị định 55/2012/NĐ-CP ngày 28/06/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 08/05/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ toàn diện theo đúng trình tự để đảm bảo mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 16/2016/TT-BXD của Bộ xây dựng về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Ninh Bình cũng là 1 trong những địa phương tuân thủ các quy định và giải thể các Ban QLDA kiêm nhiệm tại các Sở, phòng trong toàn tỉnh để thành lập các Ban QLDA chuyên ngành. Theo đó, cấp tỉnh có 3 ban gồm: Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình; Ban QLDA ĐTXD công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình; Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Ninh Bình và cấp huyện mỗi huyện thành lập một Ban QLDA chuyên trách.
Với mô hình này nó đã cho thấy sự bài bản, khoa học trong quản lý; đúng đắn trong chỉ đạo và thi hành. Việc tổ chức bộ máy QLDA theo mô hình này chắc chắn công tác quản lý dự án sẽ ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng công trình được nâng cao, hạn chế thất thoát đối với ngân sách nhà nước trong đầu tư công.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, mặc dù các Ban QLDA chuyên ngành đã được thành lập nhưng không hiểu vì lý do gì mà rất nhiều các dự án lớn không được giao về cho các Ban mà vẫn giao cho các Sở làm chủ đầu tư và tự quản lý dự án.
Có thể kể đến một số gói thầu như Gói thầu số 15: TCXL công trình, dự án ĐTXD tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình với giá dự toán là 1.124 tỷ đồng; Gói thầu số 05: TCXL công trình, dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477 đoạn từ Km0+000-Km1+500 (đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50ha-Khu công nghiệp Gián Khẩu) với giá dự toán là 139 tỷ đồng đều do Ban Quản lý một dự án công trình giao thông làm bên mời thầu, chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình và gói thầu 05: TCXD và lắp đặt thiết bị, dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh với giá dự toán là 610 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình làm bên mời thầu kiêm chủ đầu tư.
Trong đó có những dự án từng bị dư luận lên tiếng về xuất đầu tư với 110 tỷ/1km đường như dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT.477 đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50ha Khu công nghiệp Gián Khẩu.
Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết Ban được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình từ năm 2017 với chức năng, nhiệm vụ giúp việc cho UBND tỉnh về quản lý các dự án, các công trình xây dựng thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT.
Với 53 cán bộ hầu hết là kỹ sư được đào tạo chính quy bài bản, nhiều kinh nghiệm trong quản lý dự án và các công trình của ngành nhưng mỗi năm được tỉnh giao vài công trình trên dưới chục tỷ nên Ban gần như không có việc, không có kinh phí để chi trả tiền lương. Hiện nay Ban phải tự cân đối Thu-Chi.
Khi phóng viên đặt vấn đề tại sao dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh với giá trị là 610 tỷ đồng là đúng lĩnh vực mà Ban QLDA chủ trì nhưng lại không được giao mà tỉnh lại giao về cho Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện thì vị này cho biết, giao dự án nào, giao cho đơn vị nào là thẩm quyền của lãnh đạo của UBND tỉnh.
Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi 8 xã miền núi phía Đông Bắc huyện Nho Quan và kè chống sạt lở sông Chanh được đầu tư bằng ngân sách trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý và ngân sách tỉnh, gói thầu có giá trị xây lắp trên 610 tỷ đồng được UBND tỉnh Ninh Bình giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư dự án và quản lý.
Thời gian thực hiện là 36 tháng, quy mô là nâng cấp các Hồ Yên Quang (gồm các hồ 2,3,4 thuộc tiểu khu 5 xã thuộc huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình), các tuyến gạt lũ, các trạm bơm tiểu khu 3 xã; kè bờ sông Chanh, các hạng mục điện,… gói thầu được mời thầu công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 04/12/2022 đến ngày 24/12/2022, phương thức lựa chọn nhà thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Câu hỏi đặt ra hiện nay, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý các dự án lớn hiện nay đã thực sự minh bạch, chuyên nghiệp? Việc Ban chuyên ngành thì không có việc làm còn các Sở thì lại phải ôm đồm có tạo ra sự lộn xộn, tạo ra kẽ hở trong quản lý chuyên môn, các công trình có nguy cơ không đảm bảo chất lượng, thất thoát ngân sách cho nhà nước?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để đi tìm câu trả lời cho vấn đề tại sao nhiều dự án lớn đã không được giao về các Ban chuyên ngành, gói thầu tại Ban QLDA Sở NN&PTNT có lợi ích nhóm như bạn đọc phản ánh hay không?