Trực tiếp lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cán bộ làm công tác Mặt trận huyện Gia Viễn, ông Nguyễn Hoàng Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đánh giá: Trong quá trình hoạt động, những cán bộ Mặt trận luôn bám địa bàn, gần dân, sát dân, có nhiều đóng góp vào nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết.
Ngày 27/9, tại Nhà văn hóa huyện Gia Viễn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị đối thoại với cán bộ làm công tác Mặt trận huyện Gia Viễn năm 2024. Ông Nguyễn Hoàng Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị.
Đối với nhóm chủ đề thứ nhất là: "Những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận cơ sở", đại biểu Ủy ban MTTQ xã Gia Thắng nêu vấn đề nhiều Ban CTMT ở KDC trên địa bàn xã hoạt động, sinh hoạt không đồng đều, không hiệu quả, đề nghị MTTQ tỉnh chỉ ra các biện pháp để khắc phục.
Trả lời vấn đề này, bà Mai Thị Lý, Trưởng ban Tổ chức – Tuyên giáo Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Trước tiên, các thành viên trong ban CTMT phải tự ý thức được trách nhiệm của mình với tổ chức, với nhân dân. Thứ 2, các ban cần duy trì sinh hoạt định kỳ ít nhất 1 lần/tháng, phải lựa chọn được những người có tầm ảnh hưởng, uy tín trong KDC để đưa vào ban. Thứ 3, trong Ban CTMT phải đầy đủ thành phần, cơ cấu theo quy định, có quy chế hoạt động rõ ràng, nhiệm vụ của từng thành viên cụ thể. Thứ 4, MTTQ các cấp cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các Trưởng ban CTMT. Thứ 5, MTTQ cấp xã phải định hướng cho Ban CTMT ở KDC để thực hiện các nhiệm vụ sinh hoạt định kỳ hằng tháng theo từng nội dung ở địa phương.
Đối với nhóm vấn đề thứ 2 "Về việc phát huy vai trò của MTTQ trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu", ông Nguyễn Huy Thiện - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Thịnh cho biết: Trong Nghị quyết Đại hội MTTQ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 vừa qua, đã thống nhất 6 chương trình hành động, trong đó, chương trình thứ 6 là xây dựng KDC tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Vậy, MTTQ tỉnh có những giải pháp gì để thực hiện tốt chương trình trên?
Ông Mai Văn Thụy, Trưởng ban Phong trào – Dân tộc, Tôn giáo Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hiện MTTQ tỉnh đang triển khai 5 giải pháp đồng bộ như sau. Thứ nhất, chú trọng đến việc tuyên truyền, lắng nghe ý kiến người sau dân; thứ 2, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; thứ 3, xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng; thứ 4, phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn, xây dựng KDC kỷ cương, văn hóa; thứ 5, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tình làm nghĩa xóm.
Đối với nhóm vấn đề thứ 3 "Về việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở khu dân cư" và nhóm vấn đề thứ 4 "Về tổ chức hoạt động của Ban thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ), tổ hòa giải ở cơ sở", bà Lê Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Phương cho biết: Trong thời gian qua, quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và quy định 124 của Ban Bí thư đã được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhưng đến nay còn nhiều hạn chế. Vậy, MTTQ cấp trên có giải pháp gì để hỗ trợ cho cơ sở thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội?
Ông Trần Văn Đại, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Vân cho biết: Theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và thông tri số 40 của UBTW MTTQ Việt Nam thì có quy định hỗ trợ hàng tháng đối với Trưởng ban TTND, tuy nhiên, đến nay, các trưởng ban chưa được hưởng hỗ trợ hàng tháng theo quy định?
Bà Đinh Thị Thanh, Trưởng ban CTMT xóm 2 (xã Gia Hưng) cho biết: Về thực hiện hòa giải ở cơ sở, hiện một số tổ hòa giải có năng suất hoạt động chưa cao, kinh phí, công cụ chưa có, các thành viên còn yếu về kỹ năng, kiến thức...
Trả lời những câu hỏi trên, ông Đinh Trường Sơn- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình cho biết: Theo quy định của Trung ương, hiện Ban TTND được hỗ trợ kinh phí hoạt động là 5 triệu đồng/năm, tới đây sẽ được tăng lên là 8 triệu đồng/năm.
Theo ông Sơn, vào ngày 25/7 vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt đề án nâng cao chất lượng hòa giải giai đoạn 2024 – 2030 với các nội dung như: Xây dựng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở; rà soát, kiện toàn các thành viên trong tổ hòa giải; cấp kinh phí cho tổ hòa giải...
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đánh giá: 20 ý kiến nêu ra tại hội nghị rất thiết thực, mang tính thời sự. Ông Hà cho biết, ngay sau hội nghị, MTTQ tỉnh sẽ ban hành thông báo kết quả của buổi đối thoại hôm nay.
"Những người làm CTMT ở cơ sở còn rất khó khăn, vất vả, chế độ hỗ trợ mới chỉ đáp ứng được phần nào công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, có những thứ những người làm CTMT cần hy sinh, chịu thiệt một chút vì mục tiêu người dân no ấm, hạnh phúc, xã hội phát triển, văn minh. Cán bộ Mặt trận, hãy lấy việc giúp đỡ người dân làm niềm tự hào để tiếp tục cố gắng vì đó là nhiệm vụ của chúng ta”, ông Hà nhấn mạnh.