Đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 nhưng đến nay, dự án nông nghiệp công nghệ cao (DA) tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã thất bại hoàn toàn. Hiện khu vực dự án rộng 10.000m2 này chỉ còn trơ trọi những cột bê tông, dây thép và đường ống dẫn nước hư hỏng.
Sau thành công từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Khánh Công, Khánh Trung, Khánh Mậu…, xã Khánh Hồng là đơn vị tiếp theo của huyện Yên Khánh được đầu tư DA. Mục tiêu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm rau, củ, quả sạch, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, DA này hứa hẹn mang lại nguồn thu rất lớn cho xã cũng như người dân tại đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2017, Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao thuộc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với xã Khánh Hồng cùng với hơn 40 hộ dân tại đây để triển khai DA trồng rau công nghệ cao.
Mô hình này được xây dựng nhà lưới trên diện tích 10.000m2, có hệ thống phun mưa tự động cùng lối chuyên canh riêng biệt. Sau khi DA được triển khai và đi vào hoạt động, chính quyền địa phương cũng như người dân đều rất mong chờ đây sẽ là một cú hích để phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã bộc lộ những điểm yếu kém, bất cập. Theo người dân địa phương thì đó là việc quản lý không tốt từ phía chủ DA cũng như có một số điểm thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương không thích hợp trồng một số loại rau củ dẫn đến tình trạng năng suất kém hiệu quả.
Nhiều hộ dân từng tham gia DA này cho biết: Việc sử dụng cột bê tông và dây sắt để “dựng” lên nhà lưới khiến độ an toàn không được đảm bảo như những nhà lưới có kết cấu khung thép và mái vòm. Bởi vậy nên mỗi lần có gió to là các tấm bạt lại bay tứ tung, mỗi khi hết gió là người dân lại phải đi kéo lại, sửa chữa, rất tốn kém.
Điểm quan trọng nhất dẫn đến thất bại của mô hình này là không thể sản xuất đại trà, khiến người dân tham gia mạnh ai nấy làm, sản phẩm sau khi thu hoạch không bán được cho công ty nên đem ra chợ bán trôi nổi, giá trị mang lại rất thấp.
Việc phía chủ DA không liên kết được với các doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản phẩm khiến các hộ tham gia mô hình cảm thấy chán nản và nhanh chóng từ bỏ, trở về với lối sản xuất truyền thống.
“Khi họ về làm mô hình thì dân chúng tôi kì vọng rất nhiều, ban đầu họ cũng hỗ trợ giống và kỹ thuật. Dân chúng tôi phấn khởi lắm, nhưng đến lúc thu hoạch thì không có đầu ra cho sản phẩm nên bà con bỏ dần lối chuyên canh theo mô hình để trở về hướng sản xuất truyền thống. Tiếc thì tiếc vậy thôi, nhưng cũng chả biết làm thế nào cả”, chị Tâm (47 tuổi), người tham gia DA cho biết.
DA tại xã Khánh Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng giờ chỉ còn trơ trọi dây sắt mắc chằng chịt lên những cột bê tông, cùng với hệ thống ống dẫn nước bị hỏng hóc, nứt vỡ, ai nhìn vào cũng xót xa. Từ khi phía chủ DA bỏ mô hình này đến nay, nhiều khoảng đất người dân đã bỏ trống, số còn lại thì trồng các loại cây theo mùa như ngô, cà, lạc, dưa leo…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng cho biết: “Do nông dân mạnh ai nấy trồng, số lượng sản phẩm rau củ các công ty cần để đáp ứng thì không đủ, mà nhiều thứ người dân trồng thì họ lại không mua. Vậy nên dẫn tới tình trạng thiếu cung nhưng thừa cầu, cùng với đó là giá cả thị trường trôi nổi, lúc lên lúc xuống nên có khi bán được có khi không, nông dân vì thế mà cũng chán nản nên bỏ mô hình”.
Chủ DA đã “rút êm”, kéo theo đó là khoản kinh phí hàng tỷ đồng được Nhà nước đầu tư cũng tan theo mây khói. Lưới che phủ, Hợp tác xã mang về cất, hệ thống tưới nước tự động đã hư hỏng hết. Ông Hoàn tỏ ra kiên trì: Chúng tôi rất tiếc cho mô hình này, trong thời gian tới sẽ cố gắng tiếp tục liên hệ với các sở, ban ngành để tìm kiếm một mô hình phù hợp hơn, tránh tình trạng lãng phí quỹ đất của người dân”.
Chính quyền huyện Yên Khánh cũng như Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cần xem xét lại trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân tham gia triển khai DA tại Khánh Hồng. Không thể cứ mang tiền của nhà nước ra đầu tư không hiệu quả thì đổ lỗi cho thổ nhưỡng và vô vàn lý do khách quan khác.