Là một xã miền núi loại 1 của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) nằm về phía Tây Nam và cách trung tâm thị xã 15km, với địa hình bán sơn địa…nhưng việc xây dựng nông thôn mới ở Ninh Tân đang gặp rất nhiều khó khăn do những đặc thù tại địa phương.
Xã Ninh Tân đang gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Ðến nay, xã cũng đã nỗ lực đạt được 11/19 tiêu chí, tuy nhiên để phấn đấu đến năm 2019 đạt chuẩn NTM vẫn còn là một con đường dài.
Ông Võ Ngọc Phi Vũ – Chủ tịch xã Ninh Tân cho hay, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện, nên ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã cũng đã phải phát huy tối đa nội lực trong nhân dân để xây dựng xã Ninh Tân ngày càng phát triển.
Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM, chương trình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Mặc dù các tiêu chí thực hiện chưa thực sự đồng đều, song đã thể hiện thành công bước đầu. Việc triển khai tuyên truyền thực sự sâu rộng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong xã về chương trình xây dựng nông thôn mới và 11 tiêu chí đã đạt được.
Tuy nhiên, với điều kiện của một xã vùng bán sơn địa, 3 mặt giáp núi, 1 mặt giáp đồng bằng, địa hình có nhiều mương, suối, có độ dốc cao, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới 14,53% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới), cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn. Đặc biệt là các tiêu chí cần nhiều vốn như trường học đạt chuẩn, y tế, giảm nghèo…
Bởi vậy thời gian qua, địa phương luôn quan tâm đến công tác huy động các nguồn nhân lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Điển hình có nhân dân thôn Nam đã hiến trên 1.000m2 đất, nhiều cây ăn trái như xoài, mít, bạch đàn…để thi công đường giao thông liên xã, đặc biệt các hộ trồng mía đã tự nguyện đóng góp mỗi năm trên 40 triệu đồng và hàng trăm ngày công để tu sửa làm đường giao thông nội đồng đi vào Suối Hàn phục vụ cho việc vận chuyển khi thu hoạch nông sản…
Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách từ cấp Trung ương, tỉnh, thị xã và ngân sách của xã, nguồn vốn đóng góp của nhân dân chủ yếu là việc hiến đất, hoa màu và đóng góp ngày công lao động để giải phóng mặt bằng. Việc huy động nguồn vốn tại địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vì nguồn thu nhập của người dân rất thấp.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng NTM nên bước đầu còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức thực hiện. Vốn phân cấp hàng năm để thực hiện chương trình quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương vẫn còn thiếu các mô hình để học tập rút kinh nghiệm, dẫn đến việc triển khai vẫn còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao, việc lồng ghép các chương trình, dự án với chương trình xây dựng NTM còn thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Ông Vũ cho hay, khi xây dựng NTM có hai vấn đề đặt ra, dồn điền đổi thửa để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo đầu ra cho sản phẩm và đổi mới mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cho phù hợp với điều kiện mới. Việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung là đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất để người dân yên tâm sản xuất. Vì vậy, việc triển khai công tác này còn gặp nhiều khó khăn về cả nhận thức, thủ tục, kinh phí, cách tổ chức sản xuất… nên địa phương chưa thực hiện được cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn cấp trên.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai – Chủ tịch UB MTTQ xã Ninh Tân, là một xã sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp (chiếm 85%), công nghiệp chỉ chiếm 15%, toàn xã có 724 hộ, với 3084 khẩu, có một bộ phận đồng bào dân tộc Rắc Lây, Mường sinh sống nên kinh tế của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.
Còn theo ông Võ Ngọc Phi Vũ, hiện nay trên địa bàn xã có 4 điểm trường mẫu giáo, 2 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường trung học cơ sở, tuy nhiên để đạt chuẩn các trường này thì cũng cần rất nhiều kinh phí, trong khi đó, vốn trung hạn đầu tư của phòng giáo dục huyện thì không thấy đề cập đến xã nhiều.
Bên cạnh đó, là một xã nghèo, người dân chủ yếu là trồng mía nên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là trên 41 triệu đồng/người/năm thì rất khó, hiện nay xã mới đạt bình quân 15 triệu đồng /năm/người.