Xã đảo Ninh Vân (Ninh Hòa, Khánh Hòa) là vùng đất độc đáo của miền Trung khi mọi công dân trong xã đều rõ nhà cửa, tên tuổi của nhau. Từ thuở đi bộ, xe đạp đến ô tô lăn trên đường bê tông, cả xã đều không có tệ nạn xã hội. Họ xem việc đẻ ít con, học nhiều, cần cù lao động là cách vượt gian khó, cô đọng thêm tình yêu xã, yêu làng.
Thế hệ tương lai xã đảo Ninh Vân.
Không còn cách trở
Đường về xã đảo Ninh Vân gió lùa riết róng, cung đèo độc đạo từ thị xã Ninh Hòa dẫn vào xã dài hun hút nằm lọt thỏm giữa trập trùng núi, tiếng cây rừng va vào nhau xào xạc.
Từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt nhìn xuống, cả xã đảo Ninh Vân hiện lên như một thung lũng yên bình, ấm no. Người dẫn đường cũng là nông dân sản xuất giỏi của xã Trần Thành Châu chia sẻ: Nói xã đảo nhưng cũng không còn cách trở nữa. Đường chưa láng bóng, êm ả như đô thị nhưng phụ nữ vi vu chạy xe từ làng ra thị xã được rồi. Trước đây đến xã đảo này phải đi xuồng, đi đò nhưng ít năm trở lại đây, Nhà nước xẻ núi, khoan đá nên mới có đường đi. Khi chưa có đường thỉnh thoảng có mấy con thú hoang lạc từ rừng xuống xã, người dân tự mang nó trở lại rừng. Dẫu đói khổ đến cỡ nào cũng không ai nghĩ đến việc lấy hay phá hoại của thiên nhiên bất cứ thứ gì, đặc biệt là săn bắn các loài động vật quý hiếm. Chính vậy nên, thiên nhiên như từng ngày ôm chứa, bảo vệ cho những cư dân Ninh Vân từ thuở sơ khai đến giờ.
Từng gặp nhau nhiều lần, nhưng lần nào bà Trà Thị Bông Sen- Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cũng hồ hởi như mới gặp lần đầu. Bà Sen bảo rằng: Trước đây sống cách biệt, đường sá chỉ là đường mòn nên hình thành thói quen mỗi ngày thôn nọ đến thôn kia thăm nhau. Dần dần mà thành thân thiết. Đến đầu năm 2020, toàn xã có trên 510 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu. Tính tự giác của từng người dân rất cao nên cả trước đây lẫn khi có thông tin về dịch bệnh, đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 thì nhà nhà đi dọn vệ sinh môi trường thật sạch sẽ. Các nhân viên y tế của xã thì xem việc hàng đêm đến nhà dân hỏi han sức khỏe, tuyên truyền các biện pháp phòng tránh những căn bệnh thông thường là thói quen. Thói quen ấy tô đậm thêm sự tương tác kết nối giữa người dân và cán bộ, nhân viên y tế. Mỗi khi có bệnh nhẹ hay bệnh nặng, nhân viên y tế đều chăm sóc tận tình nên chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Tuyên truyền đến đâu, thấm nhuần đến đó.
Đặc biệt, từ khi Khánh Hòa có người nhiễm SARS-CoV-2, nhiều tư thương làm nghề buôn bán nhỏ lẫn các chủ tàu, ghe trong xã tức tốc lên thành phố Nha Trang mua hàng ngàn chiếc khẩu trang y tế, kịp thời tặng cho người dân. Ông Lê Văn Mạnh chia sẻ: Xã có diện tích bé nên cứ có cảm giác như đang ở trong một gia đình lớn vậy. Mấy năm gần đây cuộc sống ổn định càng quan tâm nhau hơn.
Ông Mạnh vẫn nhớ cách đây không lâu, cũng vào đầu năm, thời tiết bất ổn, chưa có gia đình nào vươn khơi bám biển hay đi đánh bắt thủy sản gần bờ được nên lâm cảnh túng thiếu. Vậy nhưng khi có đoàn xe chở hàng hóa là ti vi, nhu yếu phẩm, lương thực…vào bán trong xã bị lật, hàng tạp hóa đổ đầy ra đường mà tuyệt đối không một người nào ra hôi của mang về. Người nọ bảo người kia thu dọn giúp chủ xe.
Rồi đến những trận bão kinh hoàng năm 2018-2019, nguồn thu từ đánh bắt thủy hải sản gần như bằng không nhưng người xã đảo vẫn lặng thầm đi giúp đỡ những nơi khác bị thiệt hại nặng hơn.
Vì là xã đảo, thuốc men và máy móc phục vụ cho việc khám chữa bệnh ở Trạm y tế còn hạn chế, từng người trong xã vận động tinh thần đoàn kết giúp nhau thấu hiểu các tài liệu về phòng chống dịch, an toàn thực phẩm…
Xã đảo Ninh Vân nằm lọt giữa thung lũng yên bình.
Ra khỏi xã là nhớ
Đã rất nhiều lần đi công tác ra khỏi xã vài ngày, thậm chí chỉ một ngày, bà Trà Thị Bông Sen đã nhớ quay quắt và muốn quay về. Bà tâm sự rằng: Sống trong không gian nghĩa tình quen rồi. Cứ ra khỏi xã là nhớ những gương mặt thân thương, những buổi tối quây quần tâm tình cùng nhau, rồi nhớ cả những lần tất cả dân lẫn cán bộ trong xã cùng bàn cách làm kinh tế như người một nhà…Ai đến đây cũng thế, cảm kích lắm. Không phải lo lắng, hay bất an bất cứ điều gì. Xe máy dựng dọc đường suốt ngày đêm cũng không ai đụng đến. Tôi đi nhiều nơi và ước nơi đâu cũng có nếp sống như xã mình thì hay quá. Trong ý nghĩ mọi người, giữa các thôn hầu như chẳng có khoảng cách nào cả.
Không chỉ bà Sen mà nhiều người khác cũng vậy. Ông Thanh Hoàng, gắn bó nửa thế kỷ với xã đảo tâm tình: Tôi đến đây từ lúc phải đi bộ với chèo thuyền là chính nên có tình sâu với nơi này. Làm nghề lặn giỏi nên có nhiều nơi thuê mướn, cũng có thu nhập cao. Đã chuyển vào TP.Nha Trang mua nhà sinh sống được mấy năm rồi nhưng nhớ nghĩa tình xã đảo quá lại quay về. Về đây mình còn có thêm cơ hội được đi chỉ dạy kỹ thuật bơi lặn cho nhiều ngư dân trẻ khác. Hơn nữa, ở đây, không ruột thịt gì nhưng hễ cứ có hàng xóm bị ốm đau là những người xung quanh đến chăm sóc. Nhân viên y tế xã bốc điện thoại gọi là dăm phút có mặt ở nhà dân ngay. Ngay cả trong việc xây dựng đời sống mới, ai có cách làm ăn gì hay, có câu chuyện nào đặc sắc đều mang chia sẻ cho cả xã biết, nhất là những ngày đầu năm.
Cũng bởi nét sống đẹp này nên mấy đứa con đi làm ăn xa và định cư hẳn ở TP Hồ Chí Minh nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh vẫn kiên quyết không chuyển đi. Bà bảo: Khá đến bao nhiêu thì xã đảo này vẫn luôn thiệt thòi về kinh tế và khoảng cách so với các thị xã, thành phố. Thế nhưng, cứ đi là nhớ. Vì điều kiện, mấy đứa con ở xa nhưng tôi xem các thanh niên trong xã như con mình và ngược lại họ xem tôi như người thân, đến chăm sóc, đỡ đần hàng ngày. Thế là ấm cúng.
Đến xã đảo Ninh Vân từ những ngày còn gian khổ, lèo tèo mấy hộ dân nhưng cảnh và người ở vùng đất này đã níu chân thầy giáo Trần Tiếp - Trường Tiểu học Ninh Vân cho đến tận bây giờ. Thầy Tiếp kể: Tôi đến xã này từ năm 1987. Khi xưa đây chỉ là một vũng đầm, hoang sơ và khó khăn chồng chất. Trên thành phố, thị xã nhiều cơ quan kêu tôi chuyển công tác về nhưng nếp sống ở đây giữ tôi ở lại. Ở đây cho tôi cảm giác ai cũng là người thân thiết của mình, đoàn kết là yếu tố được chú trọng nhất.
Cách gieo chữ cho trẻ em ở Ninh Vân cũng thật cao quý. Ngoài các giờ học chính khóa, hễ cứ có em nào học yếu là các giáo viên miệt mài tìm đến dạy thêm bất kể ngày đêm cho đến khi các em học tốt thì thôi mà tuyệt nhiên không lấy đồng tiền thù lao nào. Thầy Tiếp chia sẻ thêm: Ai cũng xem học sinh như con cháu nhà mình nên dạy thêm cho các cháu giỏi lên là hạnh phúc chứ làm sao mà lấy tiền công được.
Rời Trường Tiểu học Ninh Vân ra thung lũng tỏi của xã chúng tôi còn vỡ lẽ thêm nếp sống cao quý khác. Hôm ấy chỉ có mình nhà ông Lê Văn Thành thu hoạch tỏi nhưng cả xóm ông đều ra trợ giúp. Ông Thành thổ lộ: Ở đây, việc của nhà này cũng giống việc của nhà khác. Ai rảnh mà thấy nhà khác có việc thì tự động xúm vào làm. Cùng với nghề đi biển, nghề lặng thuê thì cây tỏi và cây lạc là hai cây trồng chủ đạo của xã đảo này. Hầu như nhà nào cũng sàn sàn như nhau vì những nhà khá giả thì góp tiền giúp nhà nghèo vươn lên, khoảng cách giàu - nghèo bị xóa. Đặc biệt, canh tác các loại cây lương thực, người Ninh Vân đều tuân thủ nguyên tắc không sử dụng các loại hóa chất độc hại để phun kích thích cho các loại cây tăng trưởng.
Bước ra khỏi cánh đồng tỏi cũng là lúc chiều buông. Những ngọn gió mát lành rin rít thổi lên từ phía biển. Tiễn khách ra khỏi chiếc cổng chào của xã, bà Trà Thị Bông Sen quả quyết: Tỏi ở đây không thua gì tỏi Lý Sơn đâu. Khách tận TP Hồ Chí Minh cho đến bên Tây đều đến đây mua và tấm tắc khen rồi. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm nên một thương hiệu độc đáo nữa là “tỏi Ninh Vân”, khi ấy cuộc sống người dân sẽ khá hơn, xã hội có thêm một sản phẩm ấn tượng.
Từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt nhìn xuống, cả xã đảo Ninh Vân hiện lên như một thung lũng yên bình. Trước đây đến xã đảo này phải đi xuồng, đi đò nhưng ít năm trở lại đây, Nhà nước xẻ núi, khoan đá nên mới có đường đi. Khi chưa có đường thỉnh thoảng có mấy con thú hoang lạc từ rừng xuống xã, người dân tự mang nó trở lại rừng. Một điểm lạ nữa là cách gieo chữ cho trẻ em ở Ninh Vân. Ngoài các giờ học chính khóa, hễ cứ có em nào học yếu là giáo viên tìm đến dạy thêm bất kể ngày đêm, cho đến khi các em học tốt thì thôi mà không lấy đồng tiền thù lao nào.