Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà phát triển cho cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Những động thái mới của nhà quản lý được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp.
Quyết tâm cải thiện nhiều chỉ số
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà phục hồi sản xuất, đẩy mạnh phát triển cho cộng đồng DN, ngày 6-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, Nghị quyết 19/2017 đặt mục tiêu đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay - đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới, phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày). Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.
Trong Nghị quyết 19, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật an toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm… Đây là những quy định đã và đang trở thành những rào cản lớn khiến các DN Việt không thể cạnh tranh nổi với các DN nước ngoài, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam.
Thước đo là sự hài lòng
Ở một diễn biến khác, cũng trong ngày 6/2 vừa qua, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 19 của Chính phủ ban hành ngày 22/3/2016 về kinh doanh khí. Theo đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành việc soạn thảo Nghị định đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định, đồng thời tự giải thể sau khi Nghị định được ban hành.
Điều kiện kinh doanh khí quy định tại Nghị định 19 thay thế Nghị định 107 có hiệu lực thi hành ngày 15/5/2016. Các quy định tại Nghị định 19 đang đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh năng lượng và giảm thiểu gian lận thương mại, dù rằng có một số điểm bị cho là rào cản đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 19 được triển khai, nhiều DN kinh doanh khí gas đã phải rời bỏ thương trường vì không thực hiện được hàng loạt các yêu cầu quá khắt khe được đưa ra từ Nghị định. Nhưng một số ý kiến cho rằng, Nghị định 19 chỉ tạo thuận lợi cho một số DN lớn mà không quan tâm đến sự tồn tại hay không của các DN nhỏ.
Trước đó, tháng 11/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã công bố xóa bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục khác trong số 443 thủ tục ở 19 lĩnh vực kinh doanh từ cấp xã tới cấp trung ương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN khi tiếp cận.
Những động thái nói trên của Chính phủ và các bộ, ngành ngay từ đầu năm 2017 cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của nhà quản lý trong việc xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo đà nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng DN. Do vậy, cộng đồng DN hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng trong năm 2017.