Nhiều bất trắc từ xung đột Nga - Ukraine cùng với việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang khiến nhiều lĩnh vực như: gỗ, thép, thức ăn chăn nuôi… rơi vào thế khó. Việc tự chủ, đa dạng nguồn cung nguyên liệu, lường trước các rủi ro trong khủng hoảng là điều mà các doanh nghiệp (DN) cần làm trong lúc này.
Trong báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc tổ chức Forest Trend, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định khuyến nghị: Các DN trong ngành gỗ cần chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai. Đồng thời, báo cáo lưu ý các DN trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các DN các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Mỹ. Bởi lẽ, Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ mỗi năm, những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn.
Nhất là khi cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể làm cho lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các DN ngành gỗ Việt trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần WoodAsia Việt Nam cho rằng, gỗ nguyên liệu là một trong những cấu thành quan trọng nhất trong mỗi sản phẩm, với giá trị chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, giá gỗ nhập khẩu bị đẩy lên cao, cùng với đó là cước vận chuyển quốc tế cũng tăng.
Hiện cước vận chuyển vẫn ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với yếu tố từ cuộc xung đột Nga - Ukraine làm cho giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. “Chính vì vậy, trong tương lai, các DN gỗ Việt sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu” - ông Trung dự báo.
Không chỉ với ngành gỗ, nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng trong nước vốn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng cùng chung nỗi lo từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chẳng hạn với ngành thép, theo TS Trần Quốc Hùng, chuyên gia kinh tế tại Mỹ, các DN muốn sản xuất thép thì phải dùng năng lượng nhiều, nên giá xăng dầu leo thang sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Và nếu Việt Nam tiếp tục nhập ròng thép thì ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột lần này sẽ càng rõ ràng hơn.
Theo ước tính, mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép. Riêng 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu sắt thép đã vượt 2,1 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Do căng thẳng Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiều loại nguyên liệu, trong đó có giá sắt thép tăng rất mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 5,4%.
Thời gian qua Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (chiếm 3% tổng nhập khẩu ngô)...
Chính vì vậy, dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine dẫn đến giảm nguồn cung, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu TĂCN tăng cao và dự báo còn tiếp tục tăng đến hết năm nay. Kéo theo đó, giá TĂCN hỗn hợp đã tăng từ 25-40% và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Theo TS Hùng, bên cạnh tác động tiêu cực từ cuộc xung đột lần này, các DN sản xuất TĂCN trong nước cần xem đây là cơ hội để gia tăng nhập ngô và lúa mì từ Mỹ vốn rất dồi dào.Để gỡ thế khó cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu trước những bất trắc như hiện nay, việc làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước đối với các DN Việt là điều rất quan trọng.
Như với ngành gỗ, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng, các DN Việt cần chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai. Muốn làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng DN và các hộ trồng rừng. Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn.
Còn với ngành thép, theo ông Trần Đức Dũng, đại diện Công ty Cổ phần thép Hưng Dũng (Đồng Nai), trước sức ép giá nhập khẩu tăng cao thì biện pháp lâu dài và khả dĩ nhất để bình ổn thị trường thép là Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các DN sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu qua đó hạn chế sự tăng giá thép.
Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Trần Hải Tín - Giám đốc Công ty TNHH thức ăn gia súc Tuấn Hoàng (Long An) mong muốn, để hạ nhiệt nhất thiết phải phát triển mạnh nguồn nguyên liệu trong nước. Còn trước mắt, để tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi, việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương là rất cần thiết trong lúc này.
Bên cạnh đó, để gỡ khó cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ tác động của các cuộc khủng hoảng, bản thân các DN Việt cũng phải nâng cao sự chủ động bằng cách có được những đánh giá, dự đoán tốt nhất nhằm lường trước các rủi ro về nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu không, rủi ro sẽ còn cao hơn nữa và năng lực cạnh tranh sẽ bị giảm đi nhiều.
“Mỹ nhập siêu cao từ Việt Nam, nên nhân cơ hội này chuyển nguồn nhập khẩu nguyên liệu TĂCN từ Nga và Ukraine sang Mỹ nhiều hơn sẽ góp phần giảm bớt nhập siêu thì về mặt chiến lược là tốt” - TS Trần Quốc Hùng nói.