Nỗ lực cùng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy sớm đạt được COC

M.Loan 20/04/2017 22:52

Ngày 20/4, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề thời sự khác.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc báo chí chính thống Trung Quốc đưa tin nước này vừa tập trận bắn đạn thật, nội dung chính là đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông? Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Theo đó, các nước cần hành động có trách nhiệm, xây dựng và phù hợp với luật quốc tế, trong đó có UNLCOS 1982, vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Được hỏi về mục tiêu của Việt Nam khi vào tháng 5 tới đây, ASEAN và Trung Quốc có buổi đàm phán về Bộ khung của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)? Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Lợi ích chung của tất cả các nước là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và trong khu vực.

“Trên cơ sở đó, các nước ASEAN và Trung Quốc luôn nhất trí sớm có Bộ quy tắc ứng xử có tính tổng thể, ràng buộc, hiệu quả, hỗ trợ cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trên tinh thần đó, là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực cùng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy thảo luận thực chất nhằm sớm đạt được COC.”

Được đề nghị xác minh thông tin Mỹ bàn giao tàu lớp Hamilton cho Việt Nam? Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Việt Nam và Mỹ đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, trong đó có nội dung tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật trên biển. Chủ trương của Việt Nam là hợp tác với các nước nhằm mục đích nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ ngư dân, góp phần vào hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế.

Trả lời câu hỏi liệu chuyến thăm Mỹ tới đây của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có phải chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không? Bà Hằng cho biết: Trong chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ để trao đổi hợp tác trên 3 cấp độ và trao đổi các vấn đề liên quan. Kể từ khi có chính quyền mới tại Mỹ, quan hệ Việt Nam - Mỹ tiếp tục có những bước phát triển. Hai bên đã trao đổi các biện pháp thiết thực để thúc đẩy quan hệ song phương.Việc trao đổi đoàn giữa hai nước được coi là biện pháp thực chất để tăng cường hợp tác.

Được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa quốc tế về Monsanto công bố kết luận Công ty Monsanto hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. Chính phủ có biện pháp gì để hỗ trợ đòi công lý cho nạn nhân da cam?

Bà Hằng nhấn mạnh: Việt Nam hoan nghênh phán xét của tòa án quốc tế về Monsanto ngày 18/4/2017, kết luận Monsanto đã hủy hoại môi trường của Việt Nam. Đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề tại Việt Nam, nhất là do tác động của chất da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng. Dù cuộc chiến đã qua đi hơn 40 năm nhưng di sản của cuộc chiến này vẫn còn hết sức nặng nề. “Đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có những hành động thiết thực để khắc phục hậu quả do chất da cam dioxin để lại.

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Quốc hội Mỹ gần đây có những bước đi tích cực hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có chất độc da cam. Các công ty của Mỹ cũng như Monsanto cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam tại Việt Nam” - bà Hằng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực cùng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy sớm đạt được COC

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO