Phát biểu khi đi kiểm tra hiện trường và làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang sáng 23/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về khai thác IUU khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt phi pháp, đồng thời khuyến khích, mở rộng nuôi trồng biển một cách bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đinh Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Kiên Giang và một số địa phương chưa ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở các nước trong khu vực. Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển tuy bước đầu được triển khai nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi về chất. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác triển khai chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời và đạt độ tin cậy. Việc áp dụng chế tài xử lý các hành vi khai thác IUU chưa nghiêm, chưa triệt để….
Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân khách quan là do nguồn lợi hải sản trên vùng biển của ta ngày càng suy giảm, trong khi đó năng lực khai thác của người dân vượt quá quy mô nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan, quan trọng hơn, là các giải pháp để tuyên truyền, vận động, hạn chế, ngăn chặn của các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả.
Sau khi nghe báo cáo phân tích tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa, tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo của EC để sớm tháo gỡ “thẻ vàng”. Đặc biệt, không để tình hình xấu hơn, khiến EC đưa ra “thẻ đỏ” với thủy, hải sản Việt Nam.
“Nếu tình huống này xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành khai thác, chế biến thuỷ sản nói riêng, toàn ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế nước ta”, Phó Thủ tướng nhận định và yêu cầu: “Chúng ta cần hành động một cách nhanh chóng, quyết liệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác triển khai ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các Chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU. Trước mắt, phải chuẩn bị thật kỹ cho việc tiếp đón, làm việc với Đoàn thanh tra của EC dự kiến sang Việt Nam vào đầu tháng 11 tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ: Công thương, Ngoại giao chủ động bám sát chương trình, kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra của EC tại Việt Nam để chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố ven biển chuẩn bị đón tiếp và làm việc đạt kết quả tốt.
UBND tỉnh Kiên Giang và các tỉnh, thành phố ven biển trên cơ sở Kế hoạch tổng thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đón tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC khẩn trương xây dựng nội dung, kịch bản chi tiết, bố trí các điều kiện cần thiết để tiếp đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC kiểm tra tại địa phương theo yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu đặt ra là không bị EC rút “thẻ đỏ”, tháo gỡ “thẻ vàng”. “Muốn vậy, trước hết phải hành động nhanh chóng, quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.
Khẳng định những nhiệm vụ nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC là cấp bách, phải nỗ lực để sớm khắc phục triệt để, Phó Thủ tướng cho rằng, về lâu dài, phải tái cơ cấu lại ngành thủy sản Việt Nam. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo các địa phương ven biển tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản. Trong đó, quy hoạch, xác định rõ nguồn lợi thủy hải sản để tổ chức khai thác hợp lý; từ đó kế hoạch hóa đầu tư, phát triển hạ tầng; khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản”- Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là phát triển mạnh ngành nuôi trồng trên biển, xác định các mô hình, cách làm hay, phù hợp, hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược biển Việt Nam. Cần sớm đưa ra được chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác, từ đó tăng năng suất, hiệu quả.