Cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, tại một số địa phương vùng núi cao như Kỳ Sơn, Con Cuông… của tỉnh Nghệ An lại xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, thậm chí nghỉ học để lập gia đình. Điều đó khiến số lượng học sinh tại các trường học bị giảm sút, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy.
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, tình trạng học sinh bỏ học thường xuyên diễn ra, nhất là đối với các huyện vùng cao, biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An. Theo thống kê trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, mỗi năm có hơn 100 trường hợp tảo hôn. Cụ thể, năm 2023, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, toàn huyện Kỳ Sơn có 154 học sinh bậc Trung học cơ sở nghỉ học, trong đó, 70 em đi làm công ty, 57 em lấy vợ, lấy chồng, lứa tuổi tập trung chủ yếu là 14 - 15. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, nhờ có sự tuyên truyền mạnh mẽ, tình trạng bỏ học đã giảm. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng bỏ học. Trong đó có ít nhất 6 trường hợp tảo hôn lấy chồng sớm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Tư pháp, UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, nguyên nhân được xác định, do điều kiện tự nhiên, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… nên các em có tâm lý không muốn đi học, thích được đi làm, kết hôn sớm... Những năm qua, việc các em trong độ tuổi học sinh sớm tiếp cận các thông tin trái chiều từ mạng xã hội càng khiến cho việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.
Huyện Con Cuông - một trong những địa phương đầu tiên của Nghệ An triển khai đề án phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù vậy, đây vẫn là nhiệm vụ hết sức khó khăn và khó hạn chế một cách triệt để. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có 28 trường hợp tảo hôn tập trung chủ yếu ở các xã như Môn Sơn, Thạch Ngàn, Yên Khê, Châu Khê.
Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú THCS Mỹ Lý hiện có hơn 300 học sinh. Trong những ngày đầu năm, lượng học sinh trở lại trường tuy khá đông nhưng vẫn chưa đủ. Từ ngày mùng 5 Tết, các thầy cô của ngôi trường vùng sâu, vùng xa, thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn Đoọc Mạy của huyện Kỳ Sơn đã phải trả phép trở lại trường sớm. Đến ngày mùng 6 Tết (tức 15/2), 100% thầy cô giáo đã có mặt ở trường và tổ chức dạy học bình thường. Riêng về phía học sinh, trong ngày học đầu tiên sau Tết đã có 70% sĩ số được huy động tới trường.
Ông Trần Hữu Trường - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Đoọc Mạy cho biết, đây là con số đáng mừng và quá tốt đối với một trường vùng cao có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Một số em ở bản xa đã được bố mẹ đưa đến trường từ chiều hôm trước. Còn đến hôm nay, cơ bản các em đã trở lại trường học. Trong khi đó, năm học này, Trường PTDT bán trú Tiểu học Đoọc Mạy có 247 học sinh, trong đó có 104 em ở bán trú đến từ các bản như: Phá Kháo, Phà Nọi, Huồi Viêng… Số học sinh hiện trở lại trường học muộn chủ yếu ở bản Noọng Hán là do nhà ở quá xa trường.
So với các năm trước, tình trạng bỏ học sau Tết tại một số địa phương tại Nghệ An tuy vẫn còn, nhưng đã ít hơn rất nhiều. Có được điều đó, chính là công tác tuyên truyền, kèm theo xử phạt hành chính. Đơn cử tại huyện Kỳ Sơn, ngành chức năng địa phương trong năm qua đã tổ chức cho người dân, học sinh ký cam kết không tảo hôn. Đa dạng về hình thức, phương thức và các kênh tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đang được đẩy mạnh. Xây dựng và nhân rộng mô hình, CLB "Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" và "Bản làng không tảo hôn" tại các địa phương trên địa bàn, chủ yếu được xây dựng tại các bản làng xa giáp biên giới.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, từ trước Tết, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục nắm vững số lượng học sinh của từng địa phương, bản làng để phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, cấp hội có giải pháp vận động học sinh đến trường ngay sau Tết. Bên cạnh đó, sau Tết, còn cũng khuyến khích các nhà trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục kĩ năng, chú trọng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động nội trú, bán trú ở các trường có học sinh nội trú, bán trú nhằm tạo các sân chơi bổ ích để thu hút học sinh đến trường.