Chính quyền địa địa phương, các cấp, các ngành cùng người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đang nỗ lực hết mình, tập trung khắc phục hậu quả do lũ gây nên, để sớm ổn định cuộc sống và bắt tay vào sản xuất.
Lực lượng Công an giúp dân sửa lại tuyến đường sạt lở nặng.
Sáng ngày 22/12, BCH PCLB-TKCN tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo về thiệt hại lũ lụt vừa qua. Theo đó, đợt mưa lũ từ cuối tháng 11 đến tháng 12/2016 đã làm chết 7 người, 33 người bị thương; 3.749 ha hoa màu, 823 ha lúa bị thiệt hai; 6.691 con gia cầm, 244 con gia súc bị chết; 35.000 m kênh mương bị sạt lở, 80.000m3 đất bồi lấp, giao thông đường sá bị sạt lở trên 180.000m3, nhiều nhà, cửa, ô, hồ thủy sản bị ngập, hư hỏng…
Sáng cùng ngày, tại tuyến đường độc đạo nối Thôn Đông Bình - Hà My của xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, lực lượng xung kích đang cùng người dân dùng sức và dùng xe tải các lại để vận chuyển đất, cát, cọc tre, để gia cố, sửa lại tuyến đường này.
Người dân đang cưa tre làm cọt đóng để đổ đất gia cố lại đường.
Được Công an về giúp dân, bà con nhân dân rất vui mừng. Người dân đã lo nước uống, thức ăn giữa buổi, người thì cùng với bộ đội khiêng đất, đá sửa lại tuyến đường… Các ngành, đoàn thể của từ huyện đến thôn đều đến thăm hỏi, động viên tinh thần, cảm ơn sự đồng hành của lực lượng xung kích.
Bà Phan Thị Cúc, thôn Hà Mỹ, xúc động nói: “Tôi có cái quán do sạt lở đường đã trôi sông mất rồi, còn con đường này là huyết mạch đi lại của dân nhưng bị sạt lở quá nặng. Giờ thấy anh em bộ đội, công an cùng lăn lộn giúp dân sửa lại đường, chúng tôi rất cảm động”.
Còn tại thôn Châu Khê, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vừa dùng cút kéo bèo phủ kín ruộng, anh Châu Văn Dũng (46 tuổi), cho biết: “6 sào rau cải, đậu phộng, không chỉ bị hư hại hết mà bào do lũ đưa về bao phủ kín mít. Gia đình tôi mấy ngày ni ra dọn dẹp để sản xuất lại mà chưa xong. Nhưng phải cố gắng tập trung lo dứt điểm vì vụ Đông Xuân đã đến rồi”.
Ông Châu Văn Dũng đã ra sức kéo bèo ra khỏi mấy sào ruộng.
Gần đó, chị Trần Thị Hoa (32 tuổi), đang nỗ lực sửa lại đám đậu phộng nói: “Đám này tôi trồng đậu phộng, lũ làm hư hại hết rồi. Giờ tôi phải tranh thủ lên luống để gieo lại. Chúng tôi đang tích cực tái sản xuất nhưng cứ nhìn trời mà lo sợ, không biết có trận lữ dữ nào nữa không. Nhưng nhà nông không làm lúa, đâu thì biết làm gì. Giờ đây không chỉ chi tôi mà tất cả người nông dân phải ra đồng tập trung chăm lo sản xuất”.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, từ ngày 29/11 đến 18/12, mưa lũ khiến 14 người chết và mất tích; gần 20.000 nhà bị ngập, sập và hư hỏng; hàng nghìn hécta lúa, hoa màu... bị hư hại, sa bồi thủy phá; thiệt hại gần 4.000 con gia súc gia cầm; hơn 500.000 chậu hoa cảnh bị hư hỏng. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi cũng bị sạt lở, hư hỏng...
Để kịp thời giúp đỡ nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn, những ngày qua, lực lượng xung kích đã có mặt khắp nơi giúp dân dọn dẹp nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Hoa đang đắp luống để trồng đâu.
Dù bị thiệt hại nặng những những ngày này người dân đã tích cực chăm lại những chậu kiểng cón sống để cứu vớt vụ mùa. Cùng như khắp nơi nông dân đã ra rồng dọn dẹp ruộng, cày ải, đặp bờ chuẩn bị cho vụ đông xuân.
Tại huyện Mộ Đức, ngay sau khi nước lũ rút, các lực lượng xung kích của huyện, tỉnh, Sư đoàn 307 cùng với 2.000 thanh niên xung kích ở các xã đã tập trung giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong lúc này tại các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa… người dân đang tích cực chăm sóc các vườn hoa sau lũ, để cố gắng hạn chế thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Hinh đang dọn dẹp đưa những chậu hoa
sót lại sau lũ lên nơi cao ráo để chăm sóc.
Tại thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, ông Nguyễn Văn Hinh (50 tuổi), vừa di chuyển những chậu hoa còn ngập trong nước lên chỗ cao ráo cho biết: “Gia đình tôi trông hàng nghìn chậu hoa, vừa qua bị nước lũ nhấn chìm, đa số đã chết, nhưng còn lại chậu nào thì cố chăm bón để vớt vát vụ này. Đau lắm nhưng phải cố gắng để sản xuất lại!”.
Tất cả bà con ở vùng rốn lũ đã cố gắng vượt qua nỗi mất mát, gian khó để sớm ổn định sản xuất. Điều đáng mừng các cấp chính quyền và Mặt trận luôn đồng hành cùng họ.
Lực lượng xung kích giúp dân sửa đường Đông Bình- Hà My bị sạt lở nặng.
Hiện nay Quảng Nam đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 145 tỷ đồng để khắc phục kênh mương thủy lợi, giao thông, cùng hàng nghìn con giống nuôi, tấn hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh, xử lý vệ sinh môi trường…
Ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Chiều ngày 21/12, cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban Đảng Tỉnh ủy; cơ quan UBND tỉnh, UB MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức quyên góp trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để cứu trợ bà con vùng lũ khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây nên. Mặt trận tỉnh cũng đã đón nhận và huy động hàng tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng rốn lũ.