Dịch Covid-19 tại Hà Nội đang tiếp tục diễn biến phức tạp khi thành phố ghi nhận đã vượt mốc 2.000 ca mắc mới trong một ngày vào 2/1/2022. Như vậy, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong nhiều ngày liên tiếp. Số quận, huyện chuyển sang cấp độ dịch “màu cam” tăng nhanh. Cùng đó, các địa phương trong cả nước tăng cường kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của các ca nhiễm biến thể Omicron.
Hà Nội tăng cường y tế cơ sở
Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều khả năng, số ca mắc mới trên địa bàn sẽ còn tiếp tục tăng vì thành phố vẫn đang ở giai đoạn dần đi lên đỉnh dịch. Tuy nhiên, nếu Hà Nội thực hiện tốt kịch bản điều trị, bảo vệ và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà thì dù số ca mắc tăng nhưng vẫn ở mức kiểm soát.
Lý giải nguyên nhân số ca mắc mới tăng nhanh, ông Nga cho rằng, Hà Nội là địa phương đông dân, giao thương nhiều nên nguy cơ lây lan dịch bệnh. Số ca mắc tại Hà Nội đa phần là ca bệnh nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp cùng với đó là tỷ lệ tiêm vaccine ở mức cao cũng khiến người dân dễ xuất hiện tâm lý chủ quan.
Đồng quan điểm, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch, một số người cho rằng tiêm đủ 2 mũi vaccine là sẽ không mắc bệnh.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, bên cạnh việc bao phủ rộng hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thì Hà Nội cũng cần đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm nhắc lại cho người dân thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền và người bị suy giảm miễn dịch.
Đây là chìa khóa để hạn chế thấp nhất số ca tử vong do Covid-19 trong trường hợp dịch bùng phát diện rộng.
PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, y tế tuyến cơ sở đang và sẽ đóng vai trò chính trong giai đoạn hiện nay để điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng. Cũng vì vậy, việc tăng cường cho đội ngũ này là hành động cấp thiết mà Hà Nội cần thực hiện.
Hà Nội cần nhanh chóng kiện toàn hệ thống y tế cơ sở bằng việc thiết lập thêm các trạm y tế lưu động, tăng cường vật tư thiết yếu, vận động thêm nhân lực sinh viên trường y hoặc cán bộ y tế đã về hưu tham gia chống dịch.
Đồng thời, cũng cần chú ý phân tầng điều trị thật chính xác bởi lẽ nếu công tác này không được thực hiện tốt sẽ dẫn đến tình trạng các ca có triệu chứng nhẹ được nhập viện, trong khi những ca diễn biến nặng lại không được can thiệp kịp thời, từ đó làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong.
Khẳng định tầm quan trọng của y tế cơ sở, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho rằng, các ca bệnh thể nhẹ tại Hà Nội chiếm tới 90-95% tổng số người mắc Covid-19, vì thế củng cố năng lực chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 không triệu chứng là hợp lý và cần thiết. Vẫn theo ông Nhung, cần phát huy hơn nữa vai trò của Tổ Covid cộng đồng từ thôn, xã, tổ dân phố bởi đây mới là những thành phần gần người dân nhất, mang lại lợi ích rất lớn cho việc giám sát người cách ly, điều trị tại nhà cũng như tại các ổ dịch.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, việc người dân được điều trị tại nhà sẽ giúp họ có tinh thần thoải mái, điều rất quan trọng để sớm khỏi bệnh. Để giúp các trường hợp F0 không triệu chứng, thể nhẹ yên tâm điều trị tại nhà, các quận, huyện, xã phường trên địa bàn Hà Nội đã thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời tư vấn, thăm khám, chữa trị.
Tổ phản ứng nhanh sẽ thực hiện cấp phát thuốc đến tận tay các trường hợp F0 không triệu chứng, thể nhẹ đang được cách ly, điều trị tại nhà.
Thông qua Ban chỉ đạo, tổ phản ứng nhanh và phần mềm y tế, các F0 cách ly, điều trị tại nhà sẽ được giám sát, theo dõi, tư vấn và can thiệp của các nhân viên y tế. Theo đại diện chính quyền địa phương cũng như các bệnh nhân, việc điều trị F0 tại nhà giúp họ tự tin, có tâm lý thoải mái hơn trong quá trình hồi phục sức khoẻ.
Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đang điều trị cho 30.555 bệnh nhân Covid-19 trong đó có 20.404 trường hợp F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà và 2.678 ca bệnh Covid-19 diễn biến nhẹ.
Ứng phó với biến thể Omicron
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn ban hành quy trình 5 bước để giám sát, quản lý cách ly y tế cho người nhập cảnh sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 20 ca nhiễm Omicron là người nhập cảnh, trong đó TP HCM có 5 trường hợp. Đa số đều có triệu chứng nhẹ, âm tính nhanh. Dù vậy, nguy cơ gây áp lực lên hệ thống điều trị vẫn đáng lo ngại.
PGS.TS Vũ Minh Phúc - Trường ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, dù biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn, không tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong, nhưng rất đáng ngại là lây lan nhanh. Vì vậy, lúc này kiểm soát chủ động các ca nhiễm ngay từ cửa ngõ sân bay, biên giới, hàng hải là ưu tiên số 1.
“Hàng rào” thứ hai là tuyệt đối tuân thủ 5K và “hàng rào” thứ ba là bao phủ vaccine. Cùng đó, rất quan trọng là F0 tại nhà phải được uống thuốc kháng virus sớm.
Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, việc biết được chủng virus nào đang lưu hành là một câu hỏi quan trọng để đối phó với mọi tác nhân gây dịch bệnh, không chỉ Covid-19. Giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 được xem là công cụ không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19.
Sở Y tế cũng xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng virus gây bệnh của HCDC, đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gene. Mục tiêu là sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh Covid-19 cũng như của các bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.
Trước đó, ngay trong ngày đầu năm mới 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch Covid-19, kiểm dịch y tế biên giới.
Thực hiện nghiêm việc tổ chức quản lý người nhập cảnh theo quy định, điều trị kịp thời, thực hiện giải trình tự gen nhằm phát hiện kịp thời biến chủng Omicron.
Liên quan tới bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron, tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sau 2 tuần được cách ly, theo dõi sức khỏe chặt chẽ, bệnh nhân K.V.H.M. (trở về Việt Nam trên chuyến bay từ Anh) được phát hiện nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại nước ta đã được ra viện.
Sau khi bệnh nhân M. ra viện, bệnh viện vẫn tiếp tục phối hợp với gia đình theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân và bảo đảm an toàn cho cộng đồng.