Ngày 4/11, tại Bangkok (Thái Lan) Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 đã chính thức bế mạc, khép lại năm nhiệm kỳ Chủ tịch của nước chủ nhà Thái Lan. Nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị, trong đó, Biển Đông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế.
Lộc biển. Ảnh: TT.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo cũng đã bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình ở Biển Đông. Hội nghị đánh giá có những diễn biến đáng lo ngại, cho rằng các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. LHQ bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong Hội nghị ASEAN+1 (Cấp cao ASEAN và Trung Quốc lần thứ 22), với sự tham dự của Thủ tướng các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, các nhà lãnh đạo khẳng định nỗ lực đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, trong đó có sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC, cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.
Từ quan điểm của cộng đồng quốc tế, có thể thấy, Biển Đông thực sự giành được mối quan tâm lớn của thế giới bởi: Đây là tuyến đường hàng hải huyết mạch và hòa bình cho Biển Đông cũng chính là hòa bình và phát triển cho thế giới.
Tại các hội nghị ở Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Đảng, Nhà nước khẳng định rõ ràng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì an ninh, an toàn trong khu vực và trên thế giới. Quan điểm ấy là sự nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Ngay trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội khóa XIV hôm giữa tháng 10 vừa qua, khi đề cập đến quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có tình hình Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Còn tại các hội nghị liên quan khác, Thủ tướng đã khẳng định: Duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp. “Cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.”
Ngay kể cả trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Trung Quốc - Thủ tướng Lý Khắc Cường bên lề Cấp cao 35, bên cạnh việc mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam -Trung Quốc, khi nhắc đến vấn đề trên biển, Thủ tướng nước ta cũng thẳng thắn đề nghị: Hai bên cùng kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai nước; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định tại khu vực; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam -Trung Quốc; kiên trì giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982; xử lý tốt vấn đề nghề cá và ngư dân; đề nghị Trung Quốc tôn trọng các hoạt động kinh tế biển bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế; đồng thời tin tưởng rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thoả đáng. Phía Trung Quốc, nhân cuộc gặp song phương kể trên cũng khẳng định mong muốn kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiềm chế, không để tác động đến tổng thể quan hệ hai nước.
Mong muốn là vậy, nhưng tất cả phải dựa trên sự thực tâm xây dựng lòng tin, thực tâm mong muốn đóng góp vào nền hòa bình, ổn định tại châu Á -Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á, cũng như Biển Đông nói riêng. Điều đó, Việt Nam luôn sẵn lòng đối thoại và giải quyết một cách hòa bình các bất đồng đồng thời Việt Nam cần sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Để giải quyết vấn đề Biển Đông cần có sự thực tâm giữa nói và làm mà trên hết, trước hết chính là thực hiện đầy đủ DOC và nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC.