Tính đến thời điểm này, hơn 23 ngàn người tại Việt Nam đã tử vong vì dịch Covid-19. Nỗi đau của những gia đình có người thân tử vong trong đại dịch trở thành sự ám ảnh khôn nguôi về dịch bệnh. Tất cả như một lời nhắc nhở về sự mỏng manh của một kiếp người.
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi về thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi mà cách đây khoảng 3 tháng là tâm dịch của Hà Nội với hàng trăm F0. Trong số F0 ấy, có chị Trần Thị Thu Hà (28 tuổi) đã tử vong do nhiễm Covid-19.
Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tới thăm gia đình chị Thu Hà. Trong căn nhà nhỏ, cô con gái xinh xắn của chị Hà - Nguyễn Ngọc Bảo Anh ngơ ngác nhìn chúng tôi.
Chị Hà khi qua đời để lại con nhỏ là cháu Bảo Anh năm nay mới lên 5 tuổi. Mẹ mất, hiện Bảo Anh sống cùng bố và ông bà nội tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Được biết, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, khi thôn Thọ Am trở thành ổ dịch với nhiều ca nhiễm Covid-19, cả gia đình chị Trần Thị Thu Hà gồm 9 người đều bị nhiễm bệnh. Riêng chị Hà thời điểm đó đang mang thai, do bệnh trở nặng nên đã không kịp cứu chữa, dẫn đến tử vong.
Người nhà chị Hà chia sẻ, sẽ chẳng có niềm đau nào lớn hơn sự mất mát người thân. Trước sự ra đi của chị, anh Nguyễn Văn Trọng (chồng chị Hà) phải cố nén đau thương để chăm sóc cho đứa con gái còn thơ dại.
Vợ mất trong khi đang mang thai là cú sốc quá lớn đối với anh. Anh Trọng chia sẻ, cho đến thời điểm này, nỗi đau mất người thân vẫn chưa làm anh nguôi ngoai.
Anh Trọng là lao động tự do. Do ảnh của đợt dịch lần thứ 4, anh bị mất việc làm. Để giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài do vợ mất, “gà trống nuôi con”, vừa qua, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì đã giới thiệu anh Trọng vào làm tại Công ty TNHH Cơ khí Huy Hùng trên địa bàn huyện.
Nỗi đau mất đi người thân trong đại dịch không chỉ riêng anh Trọng là người phải chịu đựng. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, mẹ con bà bà Nguyễn Thị BíchThảo (65 tuổi, Văn Chương - Đống Đa – Hà Nội) cũng mất đi người chồng, người cha của mình.
Ông Hồ Quốc Trị, nguyên Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 9, nguyên Tổ trưởng Tổ dân phố 15 phường Văn Chương cũng ra đi đột ngột vì mắc Covid-19 trong khi làm công tác phòng chống dịch.
Trò chuyện với PV Đại Đoàn Kết Online, chị chị Hồ Hải Vân, con gái ông Hồ Quốc Trị vẫn không thể nào giấu đi từng cơn nấc nghẹn khi nhớ lại cái ngày nhận được cuộc gọi từ bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn khi báo tin ông Trị đã không qua khỏi.
Những ngày ông Trị chiến đấu cùng bệnh tật tại bệnh viện Thanh Nhàn, bà Thảo (vợ ông) cũng đang được điều trị Covid-19 tại bệnh viện Gia Lâm. Vật lộn với những cơn sốt triền miên, lại không liên lạc được với chồng, lòng bà đã có những dự cảm chẳng lành.
Đến ngày đón mẹ trở về, chị Vân mới dám lấy hết can đảm thông báo rằng ông Trị đã ra đi mãi mãi. Cả đoạn đường về nhà chưa bao giờ dài hơn thế với hai mẹ con. Kí ức về người chồng, người cha tất bật ngày đêm chống dịch, đi phát từng lá phiếu đi chợ cho người dân trong tổ dân phố lúc giữa lúc tâm dịch làm mỗi lần nhớ lại, mẹ con bà Thảo lại ứa nước mắt. Căn nhà giờ đây trở nên trống trải hơn bao giờ hết, vắng lắng hẳn đi vì thiếu người trụ cột.
Chị Vân cho hay, những ngày làm tang lễ cho bố, chính chị cũng đang phải cách ly y tế, tất cả công việc hậu sự của ông Trị đều do MTTQ và chính quyền phường Văn Chương đứng ra lo liệu. Đó cũng chính là niềm an ủi duy nhất của chị trong những ngày cuối đời của bố.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Hồ Quốc Trị đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Dù ông Trị đã ra đi nhưng những cống hiến của ông trong quá trình chống dịch đã được ghi nhận xứng đáng, đó cũng là sự một sự động viên cho những người ở lại bởi tâm huyết của người cha, người chồng là Tổ trưởng dân phố lúc sinh thời.