Với lợi thế về địa hình, nhiều sông suối, độ dốc cao… từ năm 2004 đến nay ngoài những dự án thủy điện có công suất lắp máy lớn đã được Chính phủ phê duyệt thì phong trào phát triển năng lượng thủy điện vừa và nhỏ đang được nhiều tỉnh ở Tây Nguyên coi như “con gà đẻ trứng vàng”.
Nhưng sau nhiều năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, không ít dự án tại hai tỉnh Gia Lai, Kom Tum đã để lại nhiều tai tiếng.
Thủy điện Krông Pa 2 đang hối hả thi công.
Đó là những hệ lụy khó lường, gây mất rừng, dự án xây dựng dở dang, sông suối cạn trơ đáy ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân vùng hạ du. Nguyên do công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án theo nhận định của nhiều nhà phản biện còn mang tính qua loa đại khái, không có tính độc lập và thiếu khách quan.
Hết nạc vạc đến xương
Khi nguồn năng lượng để làm thủy điện lớn đã cạn kiệt, nhiều chủ đầu tư bắt đầu quay sang nhăm nhe thủy điện vừa và nhỏ, chỉ tính riêng tại tỉnh Gia Lai, mặc dù đã loại ra khỏi qui hoạch 17 thủy điện, dừng vận hành 2 thủy điện nhưng hiện vẫn còn 55 thủy điện, trong đó 35 thủy điện đang vận hành, công suất lắp máy hơn 286,9MW; 6 thủy điện đang triển khai xây dựng (52,2MW); 14 thủy điện đã được qui hoạch nhưng chưa xây dựng.
Ông Bùi Khắc Quang- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, 17 thủy điện bị loại khỏi qui hoạch có công suất 44,6MW, 2 thủy điện dừng vận hành công suất 0,405MW đã được báo cáo trước Quốc hội.
Ông Quang khẳng định hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ không ảnh hưởng đến đất rừng, sản xuất, môi trường sinh thái, đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, thực tế tại huyện Kbang lại trái với những gì ông Quang nói, ngoài Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak đã để lại nhiều tai tiếng và được mệnh danh là “công trình sai lầm thế kỷ” thì trên địa bàn huyện này còn có 2 dự án thủy điện đang triển khai, gồm thủy điện Đắk Ble (15MW) do Cty cổ phần Thủy điện Đức Tài làm chủ và thủy điện Krông Pa 2(5MW) do Cty cổ phần Gia Lâm đầu tư đều tại xã Đắk Krong.
Theo quan sát của PV, từ trung tâm xã Đắk Krong theo con đường dẫn vào thủy điện Đắk Ble có những bảng “cấm chặt phá rừng” được dựng lên, nhưng dọc hai bên triền đồi bị người dân cạo trọc để trồng lúa xanh mướt. Phía dưới chân đập thủy điện là hàng trăm ha rừng nguyên sinh bạt ngàn nằm bám sát con suối đang chờ ngày xóa sổ.
Cách đó chừng 2km là thủy điện Krông Pa 2 đang hối hả thi công phần thân đập, đường ống dẫn nước, đất đá cày xới nham nhở tạo thành điểm nhấn không vui mắt giữa khu rừng già.
Ông Phạm Xuân Trường- Phó Chủ tịch huyện Kbang (Gia Lai) cho biết, hai thủy điện được cấp phép đầu tư năm 2008, nhùng nhằng mãi đến giờ mới thi công. Mỗi thủy điện mất khoảng 20 - 30ha rừng, có ảnh hưởng đến đất nông nghiệp ở khu vực lòng hồ. 2 thủy điện đều nằm trong lâm phần quản lí của Cty Lâm nghiệp Krông Pa.
“Thủy điện mà nằm trong rừng thì chẳng khác nào mở đường cho dân vào phá rừng, Công ty Lâm nghiệp cũng kêu ca khó quản lí dân xâm lấn phá rừng”- ông Trường chia sẻ.
Còn ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, nếu dự án nào tác động đến môi trường thì tỉnh cương quyết loại khỏi qui hoạch, hiện tỉnh chỉ còn 43 thủy điện vừa và nhỏ, công suất 511MW.
Mấy dự án lớn trên địa bàn tỉnh đi vào vận hành đã để lại nhiều hệ lụy rồi, mới đầu triển khai họ không làm việc với địa phương nhưng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện mới phối hợp, nhờ vả.
Phải lắng nghe ý kiến người dân khi làm dự án
Theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP thì các công trình khai thác sử dụng nước như hồ chứa, đập dâng thủy lợi thủy điện khi tích và điều tiết nước đều phải xả trả lại sông lượng dòng chảy tối thiểu để bảo đảm nước cho hệ sinh thái, duy trì môi trường sống và bảo đảm nhu cầu nước cho sử dụng ở đoạn sông hạ lưu.
Thế nhưng, kể từ khi sông Ba bị Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak chặn nước, nắn dòng thì nhân dân vùng hạ du luôn đối diện với cảnh khô hạn.
Tại Kỳ họp thứ 3, khóa XI của HĐND tỉnh Gia Lai (ngày 10/7) vừa qua, vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là giải quyết hậu quả thủy điện An Khê - Ka Nak.
Nhiều người dân thị xã An Khê phản ánh, cần sớm ban hành Quy định vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, vì hiện nay vào mùa mưa nhưng sông Ba vẫn thiếu nước, nước sau đập đỏ ngầu, phù sa nhiều nên nhà máy nước An Khê không thể cung cấp nước cho người dân địa bàn thị xã.
Tỉnh Gia Lai thì cho rằng, dù đã rất nỗ lực trong việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi QĐ-1077 bằng QĐ-282, tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện cam kết giữa Ban Quản lý Thủy điện 7 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) trong việc xây dựng các hạng mục công trình đi kèm Dự án Thủy điện An Khê - KaNak là chưa nghiêm túc, như xây dựng tuyến hộ lan dọc kênh dẫn nước A1.
Theo nhận định của nhiều nhà phản biện chính sách, lâu nay, khi lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thường được chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, đánh giá, người ta thường né làm chi tiết và thiếu sự giám sát chặt chẽ, đây chính là lỗ hổng lớn! Hơn nữa giữa chủ đầu tư và địa phương chưa có những cam kết ràng buộc theo pháp luật nên khi xảy ra sự cố thì không biết đổ lỗi cho ai. Hậu quả thì dân lãnh đủ còn Nhà nước phải tốn kinh phí để khắc phục.
Theo PGS TS Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Gia Lai, tại các dự án thủy điện lớn, ngoài hội đồng đánh giá chuyên môn, nên có sự phản biện độc lập, khách quan của những nhà khoa học trên địa bàn và phải trưng cầu ý dân, bởi họ là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động.
“Ngoài ra, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nơi xây dựng nhà máy thủy điện rất quan trọng. Địa phương cần phải bắt chủ đầu tư làm cam kết duy trì dòng chảy hạ lưu con sông nơi xây dựng công trình thủy điện để tránh việc trốn trách nhiệm”- ông Danh nhấn mạnh.