Nỗi buồn hoa hậu: Nhà văn Di Li: Sắc đẹp bây giờ dễ bão hòa lắm

Quỳnh Trân (thực hiện) 24/12/2015 09:44

Hoa hậu là ngôi vị cao quý, là trọng trách to lớn, chỉ vì tất cả ban tổ chức và cả thí sinh cứ nghĩ hoa hậu là thứ… trời cho, chỉ cần đăng ký, lên sân khấu dự thi trong vài tuần, được thì tốt không được thì thôi nên mới xảy ra chuyện thế.  Cũng là buồn vì mấy chục năm qua, chẳng lẽ một quốc gia 90 triệu dân chẳng mấy khi có nổi một hoa hậu khiến cả nước tâm phục khẩu phục?

PV: Dạo này thấy Di Li bận rộn quá. Vậy chị có quan tâm đến chuyện hoa hậu không nhỉ?

Nhà văn Di Li: Nói thật với anh, lâu lắm rồi tôi không còn xem hoa hậu nữa. Chẳng hẳn vì bận đâu. Không xem, nhưng tôi vẫn biết hoa hậu của từng năm nhờ những người xung quanh nói lại, và cả những scandal nữa…

Scaldan? Chị quan tâm và nhớ đến những vụ scandal nào?

- Tôi nghe thoáng qua, nhưng không nhập tâm nhiều đến scaldan của những người nổi tiếng đâu.

Vậy nhắc đến chuyện Hoa hậu, điều đầu tiên chị nhớ, đó là gì?

- Nhớ cái hồi năm 2005, tôi tham gia trong vai trò đơn vị thực hiện một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Và lúc đó đứng ở hậu trường cũng thấy rất nhiều chuyện và hiểu hơn chân tơ kẽ tóc về chuyện thi hoa hậu.

Bây giờ người ta phàn nàn rằng, các cuộc thi hoa hậu xuất hiện nhiều và nhiễu. Những scaldan xuất hiện trước, trong và sau đêm chung kết khiến cho công chúng cảm thấy tiếc, thấy buồn, thấy nản. Vì vậy mà vẻ đẹp của hoa hậu bây giờ cũng rất dễ bị mờ đi bởi những scaldal?

- Họ bị lu mờ sau một thời gian ngắn đăng quang vì ngoài sắc đẹp ra, những điều khác còn lại không nhiều. Mà sắc đẹp bây giờ dễ bão hòa lắm, ở đâu cũng thấy người đẹp và thậm chí tôi thấy nhiều nam nhân sau khi sang Thái Lan phẫu thuật chuyển thành nữ, gia nhập showbiz, lên talk show trả lời phỏng vấn cũng xinh như những cô gái hot girl khác.

Chị vừa nói đến chuyện hoa hậu nếu mà chỉ có sắc đẹp không thôi thì chưa đủ. Tôi nhớ vào những năm 1990, tổ chức một cuộc thi hoa hậu thường là sự kiện văn hóa thu hút cả cộng đồng xã hội cùng quan tâm, thậm chí còn được chọn là 1 trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu nữa?

Đúng vậy. Lúc đó thi hoa hậu là một sự kiện lớn, lạ, độc nhất vô nhị vì thời đó ít chương trình, mà nhan sắc cũng hiếm.

Giờ tôi cảm thấy nhan sắc dường như nhiều quá, ở đâu cũng thấy xuất hiện người đẹp. Người đẹp trên tạp chí, trên truyền hình, trên cả mạng xã hội. Giờ xuất hiện cả khái niệm hot girl. Hot girl là gì chứ, họ không có danh hiệu chính thức nào công nhận về sắc đẹp, cũng không nổi tiếng trên một lĩnh vực nào cụ thể, mà chỉ nhờ mạng xã hội lăng xê lên. Nên cái gì nhiều quá hóa nhàm, chưa kể công nghệ làm đẹp ở thời đại này nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, mỹ phẩm, thời trang dễ dàng hơn trước rất nhiều, nên muốn đẹp cũng dễ hơn vài thập kỷ trước. Cái không bao giờ bão hòa là một người không chỉ đẹp về ngoại hình, trí tuệ về đầu óc mà còn phải có nhân cách nữa. Của hiếm là của quý, tôi và công chúng mong được xem những người đó trên truyền hình thay vì… hot girl.

Hoa hậu là ngôi vị cao quý, là trọng trách to lớn, chỉ vì tất cả ban tổ chức và cả thí sinh cứ nghĩ hoa hậu là thứ… trời cho, chỉ cần đăng ký, lên sân khấu dự thi trong vài tuần, được thì tốt không được thì thôi nên mới xảy ra chuyện thế. Cũng là buồn vì mấy chục năm qua, chẳng lẽ một quốc gia 90 triệu dân chẳng mấy khi có nổi một hoa hậu khiến cả nước tâm phục khẩu phục?

Nhà văn Di Li

Trước đây, một hoa hậu được trao vương miện, nhiều người thấy vui. Giờ, công chúng hết thất vọng về nhan sắc, cách ứng xử, tri thức lại thấy hụt hẫng về chuyện khai gian bằng cấp, thậm chí vướng vào những chuyện “tình - tiền” với đại gia?

- Giống như một người đang nghèo mà mang rất nhiều tiền đặt vào tay họ vào một sáng đẹp trời là rất nguy hiểm. Hoặc một người đang ở cấp bậc rất thấp chưa có kinh nghiệm quản lý mà cho giữ ngay một vị trí lãnh đạo rất cao là lợi bất cập hại. Nhiều cô gái trẻ chưa trang bị đủ kỹ năng sống, tôi nói kỹ năng sống thôi, chứ nhiều em cũng rất thông minh, mà lại bắt các em gánh một trọng trách quá lớn là đại sứ cho cái đẹp của cả một quốc gia thì các em bị quá tải là đúng rồi. Lỗi do Ban tổ chức và các nhà tài trợ thôi, nếu cảm thấy chưa đủ điều kiện trong khâu tuyển chọn thì không nên tổ chức ra nhiều cuộc thi, vì suy cho cùng các cuộc thi cũng vì danh vì lợi. Ngày xưa tôi cũng từng tham gia các khâu thực hiện tổ chức cho cuộc thi hoa hậu đó nên tôi biết ban tổ chức đã phải đau đầu thế nào khi họp bàn đối phó với việc các thí sinh không thể trả lời câu hỏi trên sân khấu dù đã cho “luyện thi” nhiều ngày trước đó với những câu hỏi được cung cấp từ trước.

Vậy theo Di Li, làm sao để danh hiệu hoa hậu trở nên cao quý hơn trong xã hội đương thời?

- Chúng ta ngành nào cũng lắm bất cập. Ngành giáo dục, du lịch, giao thông, điện ảnh… luôn có chuyện để nói để bàn thì lĩnh vực thi thố hoa hậu cũng thế thôi. Tôi vẫn nói do người tổ chức là nhiều, đơn vị tổ chức khi làm ra các cuộc thi thì sẽ có tài trợ, có danh tiếng, nhà tài trợ thì có nơi để quảng bá thương hiệu, các thí sinh thì cứ thấy số đo ba vòng và chiều cao đủ là đăng ký. Ở giữa là công chúng háo hức chờ đợi trước màn hình rồi thất vọng, thất vọng xong lại “mắng” hoa hậu.

Cũng là buồn vì mấy chục năm qua, chẳng lẽ một quốc gia 90 triệu dân chẳng mấy khi có nổi một hoa hậu khiến cả nước tâm phục khẩu phục.

Chúng ta nếu muốn tránh những scandal không đáng có thì nên có những lò luyện từ trước đó cả năm để trang bị đầy đủ cho các thí sinh dự thi: Kỹ năng trình diễn, kỹ năng mềm, bản lĩnh sân khấu, bản lĩnh trong cuộc sống sau khi đăng quang, kể cả việc phải học cấp tốc một vài môn nghệ thuật nào đó và học giao tiếp tiếng Anh nữa.

Nghe vậy có thể quý vị thấy phức tạp, tốn kém, nặng nhọc, khổ hạnh, nhưng có gì được mà không phải mất đâu. Hoa hậu là ngôi vị cao quý, là trọng trách to lớn, chỉ vì tất cả ban tổ chức và cả thí sinh cứ nghĩ hoa hậu là thứ… trời cho, chỉ cần đăng ký, lên sân khấu dự thi trong vài tuần, được thì tốt không được thì thôi nên mới xảy ra chuyện thế. Chẳng có thứ gì trên đời là trời cho cả đâu. Các hoa hậu quốc tế có thể không có lò luyện nhưng họ đã luyện tập khắc nghiệt bằng cả một hệ thống giáo dục tiên tiến từ trong nhà, nhà trường và xã hội trước đó rồi, từ lúc còn mẫu giáo nên mới được vậy. Còn mình không có được vốn rèn luyện như thế thì phải học, học để thành hoa hậu, chứ không gì tự nhiên mà có cả.

Xin cảm ơn Di Li!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn hoa hậu: Nhà văn Di Li: Sắc đẹp bây giờ dễ bão hòa lắm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO