Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ quyết hướng tới mục tiêu xây dựng “Chính phủ liêm chính, hiệu quả nói không với tiêu cực tham nhũng, một Chính phủ làm gương cho xã hội, nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ nhất”.
Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn .
Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do thiên tai, giá dầu thế giới tác động đến Việt Nam nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo, không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ, trợ giúp kịp thời người dân khắc phục thiên tai, không để người dân đói, khát.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Dũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu, tăng cường chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, không để vượt trần; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản; đánh giá tình hình thực hiện các cam kết quốc tế, đề xuất giải pháp; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế với mức độ và thời điểm phù hợp, không để tác động mạnh đến lạm phát.
Chính phủ liêm chính, nói không với tham nhũng
Rất nhiều vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp. Theo đó phải xây dựng “Chính phủ liêm chính, hiệu quả nói không với tiêu cực tham nhũng, một Chính phủ làm gương cho xã hội, nói đi đôi với làm. Muốn chấn chỉnh tình trạng kỉ cương phép nước không nghiêm phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chuyển từ Chính phủ hành chính sang phục vụ, lấy sự hài lòng của DN, người dân là thước đo chính quyền các cấp” - ông Dũng nói.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Chính phủ liêm chính. Chính phủ kiên quyết, kiên trì và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đề ra với phương châm “nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ nhất”. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Trong năm 2016, Chính phủ sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về PCTN giai đoạn 2012-2016 đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách PCTN và quản lý kinh tế - xã hội, nhất là tăng cường công khai, minh bạch; chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ cũng như từng thành viên Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động một cách thường xuyên, đồng thời kiến nghị các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, hiệp hội DN cùng toàn thể nhân dân tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác PCTN cũng như theo dõi, giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến giúp Chính phủ thực hiện thành công Chương trình hành động PCTN đã đề ra.
Nhanh chóng vào cuộc xử lý sự cố cá chết hàng loạt
Về việc dư luận cảm thấy Chính phủ còn khá lúng túng khi xử lý vấn đề cá chết hàng loạt ở miền Trung ông Mai Tiến Dũng cho biết, đây là sự cố nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, mình chưa có kinh nghiệm nên khó tránh bị động. Tuy nhiên, Thủ tướng chủ động sớm có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Cụ thể Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng Bộ TN&MT, NN&PTNT cùng các nhà khoa học đã vào cuộc. Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT, NN&PTNT, Viện Hàn lâm khoa học, mời chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia trong nước, xem xét, đánh giá vấn đề này với tinh thần dựa trên chứng cứ xác đáng và sẽ kết luận công khai, minh bạch vụ việc tới người dân. Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, nhất là cơ sở sản xuất lớn; khôi phục, ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng; xử lý nghiêm các đối tượng gây rối an ninh trật tự.
Trả lời câu hỏi, Chính phủ có giải pháp gì để không còn những vụ việc tương tự vụ quán “Xin Chào” xảy ra ông Mai Tiến Dũng cho biết, DN kinh doanh chưa có giấy phép, hoặc không có phép sẽ có tòa kinh tế, hành chính, không hình sự hóa những vấn đề kinh tế. Hiện đã đình chỉ vụ án cũng như đình chỉ công tác của một số cán bộ. Đây là việc chúng ta không mong đợi, Thủ tướng rất quan tâm đến việc đào tạo cho cán bộ ngành tư pháp cũng như đội ngũ cán bộ thi hành công vụ.
Trả lời quan điểm của Chính phủ về 6 dự án thủy điện sẽ đặt tại sông Hồng ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ KH&ĐT cho biết, đây là dự án còn sơ khai, Bộ KH&ĐT đang xin ý kiến các bộ ngành và nhận được sự đồng thuận cao nhưng chỉ ở mức xây dựng dự án. Sau khi phê duyệt mới báo cáo tiền khả thi. Dự án này chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, nhưng phải sau khi báo cáo tác động mới biết cụ thể sau đó phải có sự thẩm định của các bộ, ngành liên quan. Theo ông Tự, dư luận quan tâm vì đây là vấn đề chính đáng, nhưng đây mới chỉ là ý tưởng.
Formosa được phép nhập khẩu hóa chất
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2015, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa nhập khẩu 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất, đã đăng ký, chấp thuận sử dụng. Từ đầu năm 2016, đã được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất…Theo ông Hải, hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, tâm lý và cả phát triển kinh tế - xã hội nên việc vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan khác là cần thiết. Riêng Bộ Công thương đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra theo đúng nhiệm vụ, chức trách của mình. Trong đó, Bộ Công thương đã kiểm tra những vấn đề liên quan tới việc sử dụng hoá chất khi Formosa nhập khẩu vào Việt Nam. Dẫn lại số liệu tổng hợp của Bộ Công thương về số lượng hoá chất nhập khẩu của Formosa, Thứ trưởng Hải thông tin, qua kiểm tra cả năm 2015 và tới thời điểm này Formosa đã nhập khẩu 384 tấn hoá chất, trong đó có 103 loại hoá chất đã được đăng ký và được phép sử dụng. Chỉ riêng từ đầu năm 2016 Formosa được phép nhập 224 tấn của 43 loại hoá chất. Đầu năm 2016 đến nay Công ty sử dụng 51 hoá chất. Đây là hoá chất đã được phép nhập khẩu và được sử dụng theo đăng ký theo quy định của pháp luật” - ông Hải cho biết và thông tin, kết quả kiểm tra sẽ báo cáo Chính phủ cụ thể.