Văn hóa

Nơi gặp gỡ của hai tâm hồn

An Phong 06/04/2025 08:01

Ngày 5/4, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Quảng bá sách văn học Việt Nam - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ ra mắt 2 cuốn sách: Tập thơ "Nhặt dọc đường" của nhà thơ Thuận Hữu và tập bút ký "Xa và gần" của nhà văn Phan Đức Nhạn.

bai-tren-trang-9-a(1).jpg
bai-tren-trang-9-b(1).jpg
Nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Phong Lan.

Nhắc tới Thuận Hữu, nhiều người nhớ tới bài thơ “Những phút xao lòng” của ông. Nhưng ông còn được nhớ tới với tư cách nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Còn nhà văn Phan Đức Nhạn thì ít được độc giả biết tới hơn, ông nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI. Lần này nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn cùng “gặp nhau” trong một sự kiện ra mắt sách. Mỗi người một tác phẩm, mỗi người một thể loại, nhưng giữa hai tác giả có điểm chung: đều là những người con của mảnh đất miền Trung gian lao, anh dũng, đã cùng nhau trải qua bao thăng trầm của đời sống, để rồi tình cảm, niềm tin, khát vọng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tác phẩm tích lũy theo năm tháng.

Tại buổi lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh, đây là dịp tôn vinh tâm huyết dành cho trang viết của nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn, đồng thời khơi dậy trong lòng bạn đọc tình yêu với văn học, lịch sử và những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó cũng là lời khẳng định văn học Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình ghi dấu, bồi đắp những câu chuyện đẹp đẽ và ý nghĩa của con người và thời đại. Qua các tác phẩm, vẻ đẹp của văn chương, giá trị nhân văn và tâm hồn người viết đã hiện ra rõ nét, giúp mở ra cho người đọc thế giới đầy rung cảm mà họ vốn chưa có dịp thấu hiểu.

Với tập thơ “Nhặt dọc đường”, nhà thơ Thuận Hữu mang tới cho độc gỉa cảm giác dung dị nhưng đầy sức mạnh, nơi mỗi câu chữ là tiếng ngân vang của một tâm hồn nhạy cảm và yêu đời. Thuận Hữu, dù luôn khiêm nhường không nhận danh xưng “nhà thơ”, nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những vần thơ tự nhiên như hơi thở, giản dị như cuộc sống. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Nhặt dọc đường” không chỉ là lời tự sự của một con người từng đi qua nắng gió núi đồi và sóng nước đại dương, mà còn là lời mời gọi độc giả lắng nghe những âm thanh kỳ diệu của cuộc đời, từ đó tìm lại những giá trị tưởng chừng đã lãng quên. “Đọc thơ ông, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh một phận người đi trên cát nóng, đi trong mưa gió, đi trong mọi buồn vui của cuộc đời. Vừa đi con người ấy vừa cất tiếng về con đường của mình, về thế giới mình sống và giọng nói của con người đó chính là những câu thơ và nó sinh ra giản dị như thế” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng quả quyết: "Rất nhiều bài thơ của Thuận Hữu là sự khám phá thiên nhiên, khám phá con người để từ đó gửi lại cho chúng ta những thông điệp của đời sống. Thơ ca không đến từ một hành tinh xa lạ. Thơ ca đến từ mọi nơi, mọi chốn, mọi kiếp người mà ta đã đi qua, đã sống cùng. Thơ ca đợi con người mang một trái tim yêu thương, một cái nhìn sâu sắc, một khát vọng đẹp đẽ bước tới để nó trao cho con người đó cảm hứng, ngôn từ và sự suy tưởng và biến những điều bình dị ấy thành thơ và biến con người đó thành nhà thơ. Thuận Hữu chính là một trường hợp như thế. Và tôi được quyền gọi ông là nhà thơ cho dù ông luôn tìm cách chối từ và nhiều khi là chạy trốn".

Còn tập bút ký “Xa và gần” của Phan Đức Nhạn không chỉ là một cuốn sách, mà là tiếng nói từ trái tim của một con người sinh ra và lớn lên trên vùng cát trắng Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - mảnh đất thấm đẫm máu và mồ hôi trong bom đạn chiến tranh. Với giọng văn mộc mạc, chân thành, Phan Đức Nhạn đưa người đọc trở về một thời bi tráng, nơi những con người của vùng quê bình dị đã viết nên huyền thoại của khát vọng hòa bình mãnh liệt.

bai tren t9 - anh nho a
bai tren t9 anh nho b
Bìa 2 cuốn sách của nhà thơ Thuận Hữu và nhà văn Phan Đức Nhạn.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: Tập bút ký “Xa và gần” của Phan Đức Nhạn là một bài ca kỳ vĩ và bất diệt. Tôi không thể tìm được một cách nói khác và có lẽ không được phép dùng cách nói khác về vùng cát trắng ấy, về những con người đã sống trên và trong cát trắng ấy. “Xa và gần” không phải là những trang văn, không phải là những trang sử. Đấy là một cái gì đó cao hơn tất cả mà tôi chưa thể gọi được tên. Vì những dòng chữ ấy được viết bởi một con người đã sinh ra trên cát, sống vùi trong cát, trong bom đạn, trong máu chảy và trong những giấc mơ bất diệt về hoà bình. Phan Đức Nhạn không định làm nhà văn hay sử gia. Ông chỉ là một con người bước ra từ vùng cát ấy, từ đời sống ấy, từ lịch sử ấy, từ huyền thoại ấy và cất lên tiếng nói thay cho những con người Bình Dương - những người đã ngã xuống và những người đang sống.

Mỗi trang sách như từng lớp cát trắng Bình Dương, giấu vùi trong đó những câu chuyện bi hùng. Phan Đức Nhạn không chỉ là nhân chứng, mà là một phần không thể tách rời của vùng đất ấy. Ông mang đến cho độc giả hình ảnh về những người con quê hương Bình Dương đã hy sinh tất cả để bảo vệ hòa bình, để lại bài học sâu sắc về lương tri và trách nhiệm với lịch sử.

Hai cuốn sách được in trên giấy đẹp, bìa cứng với những bức tranh của các hoạ sĩ đương đại nổi tiếng. Tập bút ký “Xa và gần” sử dụng tranh của 3 hoạ sĩ: Đào Hải Phong, Đỗ Trung Quân và Vũ Trọng Anh làm phụ bản. Trong khi đó, tập thơ “Nhặt dọc đường” có 30 bức tranh phụ bản hoạ sĩ Đào Hải Phong vẽ theo cảm xúc từ những câu thơ gợi mở.

Về việc tham gia vẽ phụ bản cho tập thơ “Nhặt dọc đường”, họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ: “Tôi vẽ những con đường mà nhà thơ Thuận Hữu đã đi qua. Sẽ có người thấy quen thuộc, bởi họ cũng từng đi qua những cung quãng ấy, ở một thời gian nào đó. Có ba điểm, tôi đóng đinh, làm xương cho “Nhặt dọc đường”. Một là, những đường đi, tự tôi đã bị cuốn theo sự xê dịch của tác giả khi đọc thơ, ngay tên sách đã phản ánh phần nào cái sự đi ấy. Hai là, những dấu mốc ở vệ đường, với tôi mọi chuyến đi đều bắt đầu từ km số 0. Ba là, biển - nơi tác giả gắn bó nhất và thật tình cờ, tôi đã có khoảng thời gian vừa đủ để hiểu biển...”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi gặp gỡ của hai tâm hồn