Nỗi khổ của những ngôi làng trong phố

Ngọc Kha 14/03/2017 09:00

Sau một đêm thành quận, thành phường nhưng hạ tầng đường sá lại vẫn được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội đang là tình trạng của nhiều ngôi làng trong phố.

Hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn vùng ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Trần Ngọc Kha.

Phú Đô là một làng được thành lập năm 2013 thuộc huyện Từ Liêm (cũ), TP Hà Nội. Từ năm 2013, địa bàn nông thôn này đã được nâng lên thành một phường thuộc quận Nam Từ Liêm, trên cơ sở chia tách từ xã Mễ Trì cũ. Theo đà đô thị hóa, phường Phú Đô đã và đang có những bước phát triển.

Cùng với sự hiện diện của nhà cửa khang trang, phố xá sầm uất, nhiều nét văn hóa truyền thống, nhiều di tích như: Đình Làng, Đền Xa Đôi, Quán Hai Bà… vẫn được duy trì tồn tại.

Làng nghề truyền thống Phú Đô (phường Phú Đô) có khoảng 400 hộ sản xuất kinh doanh bún, cung cấp ra thị trường gần 60 tấn bún mỗi ngày.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển, làng bún Phú Đô vẫn không tránh được những góc khuất của một làng nghề xa xưa bởi những cống rãnh đen ngòm chạy ngoằn ngoèo ven ngõ ngách, phảng phất mùi “đặc trưng” - dấu ấn của một ngôi làng chuyên nghề làm bún.

Cũng như vậy, nhiều người dân sống ở làng Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội như anh Nguyễn Duy Đăng đã phải bày tỏ niềm hạnh phúc khi bán được nhà để chuyển đến một địa điểm khác sinh sống tại phường Thanh Xuân Bắc.

Bởi bao năm qua, làng Triều Khúc dù đã lên phố nhưng vẫn không xoá được cái phận “đồng nát” của mình, chỉ vì nơi đây vẫn còn nhiều người làm nghề thu gom, kinh doanh phế liệu, gây ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư.

“Nhưng đó cũng chưa phải là lý do duy nhất để tôi buộc phải bán nhà mà là mỗi khi mùa mưa về, làng Triều Khúc lại ngập, nước lênh láng trên những ngả đường đến mấy ngày liền” – anh Đăng chia sẻ.

“Sau một đêm thành quận, thành phường nhưng hạ tầng đường xá lại vẫn được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội…”- đây không chỉ là tình trạng của làng Triều Khúc hay Phú Đô mà còn là tình trạng chung của rất nhiều làng “sau một đêm thành phường” như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu tại cuộc hội thảo về Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa (ĐTH) trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 vừa diễn ra.

“Nếu xây dựng NTM ở một xã ngoại thành và có kế hoạch sau này thuộc thành phố thì ngay bây giờ phải tính xem xây dựng quy hoạch kiểu gì, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng nông thôn, nông nghiệp, vừa để nâng chất lượng dịch vụ cuộc sống như của người dân thành thị”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong khi tỷ lệ ĐTH chung của cả nước đạt 33,4% (năm 2014), thì trên địa bàn cấp huyện, tỷ lệ này mới chỉ đạt 11,10% (ngoại trừ Hà Nội, TPHCM, các thành phố, các thị xã).

Trong khi đó, hệ thống điểm dân cư nông thôn đang còn phát triển tự phát, cơ bản mang đặc điểm phù hợp với nền sản xuất nhỏ, phương tiện lao động thô sơ, chưa được tổ chức để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, chưa đáp ứng tốt tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Do vậy, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Mỹ Linh “quan điểm của Đề án là xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị”.

Về khái niệm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ băn khoăn: “Đô thị hóa ở đây không chỉ là các thiết chế về phần “cứng” - kết cấu hạ tầng giao thông mà cả thiết chế “mềm” về sản xuất”.

Trên thực tế, có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Có nơi vẫn là phố trong làng. Có những quận vẫn còn kế hoạch gieo lúa, trồng khoai; là cư dân đô thị nhưng vẫn “ngóng tiếng sấm” để chăm vụ lúa chiêm như Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết.

“ĐTH khu vực nông thôn phải hướng tới “đô thị xanh”, có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chứ không thể hiểu đơn thuần là vấn đề xây dựng cho được nhà cửa, phố xá tấp nập. Nếu không chúng ta sẽ có lỗi với con cháu đời sau”, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thông tin và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi khổ của những ngôi làng trong phố