Trái đất có những vùng rất nóng, nhưng ngược lại - có những vùng vô cùng lạnh giá. Có những cộng đồng phải sống tại vùng đất băng vĩnh cửu, nơi mà lòng đất đóng băng tới độ sâu 1.640m. Người ta vẫn nói Bắc Cực và Nam Cực là những điểm lạnh nhất, nhưng điều đó liệu có đúng?
Chim cánh cụt - loài chim vùng băng giá.
1. Thị trấn Oymyakon thuộc nước Nga từ lâu đã được coi là nơi lạnh nhất thế giới. Với Simone Tourfina, một nhà khí tượng học nổi tiếng thì không nên đặt câu hỏi vì sao thị trấn này lạnh nhất trái đất, bởi đơn giản vì nó quá lạnh mà thôi.
Bạn có thể tưởng tượng được rằng ngay cả khi thị trấn được nắng trải vàng thì vẫn lạnh dưới độ âm. Trong nhà dẫu có lò sưởi thì ngay cả khi chui vào chăn người ta vẫn phải mặc quần áo bông. Trẻ con rất ít khi cởi bỏ những đôi ủng cao - Simone kể. Có lần tôi đã suýt chết cóng ở thị trấn này, chỉ vì ra đường quên mang găng tay.
Oymyakon là một ngôi làng xa xôi thuộc Đông Bắc nước Nga, tách hẳn khỏi những thị trấn, thành phố. Con số thống kê không chính thức, làng có khoảng 500 cho tới 800 người. Vì sao lại chênh nhau như vậy? Là bởi “khó có thể đếm chính xác số người vì người ta thường đóng cửa trùm chăn kín mít, hoặc là đã tạm rời làng đi đâu đó tránh rét khi được người quen mời”- Simone nói.
Ngày “bình thường” ở Oymyakon (Nga).
Những ngày lạnh nhất, nhiệt độ ở làng Oymyakon xuống tới -60 độ C. Tuy nhiên, theo những người già trong làng, năm 1933 nhiệt độ còn xuống tới -68 độ C. Không một con gia súc, gia cầm nào sống sót trong cái giá lạnh cùng cực ấy, nên sau đó, khi hơi ấm lên, người làng dắt díu nhau ra đi, mấy năm sau mới dám quay trở lại.
Trong làng Oymyakon, chỉ có người Turkic Yakut sinh sống. Họ là những người chịu rét giỏi nhất thế giới và cũng là những tay thợ săn và chăn tuần lộc vô đối. Do quá lạnh giá, đất cứng như đá bởi băng, nên người ta không trồng trọt mà chỉ săn bắn (một phần có chăn nuôi) lấy thịt làm nguồn thực phẩm duy nhất. Ngay đến lúa mỳ, người ta phải đi mua từ rất xa, công việc đó được giao cho những người đàn ông khi đi chăn tuần lộc.
Bolot Bochkarev- một người dân làng Oymyakon cho biết, người làng anh rất thích ăn đồ lạnh, nhất là ăn các loại cá đông lạnh của vùng Bắc Cực như cá hồi trắng, hay là gan ngựa đã cấp đông. Nhưng thực sự thì không cần cho thực phẩm vào máy điều hòa, vì không khí ngoài trời đã đủ biến các loại thịt thành đá. “Thịt là thứ không thể thiếu. Thịt bồi bổ sức khỏe chúng tôi rất nhiều. Nếu không có thịt làm ấm người thì có lẽ cả làng đã không còn một ai”- Bolot nói.
Thi thoảng cũng có một chiếc ôtô đến làng, nhưng khi đỗ lại là người ta phải lập tức sưởi ấm cho nó vì nếu không thì dầu bôi trơn xe có thể đóng băng bất kì lúc nào. Đáng chú ý, cho dù bạn có phải làm việc gì đó vài ba tiếng, thì ôtô của bạn cũng không được tắt máy, nếu không bạn sẽ không bao giờ khởi động lại được vì động cơ xe đã “chết cóng”.
2. Ở nước Mỹ, thành phố International Falls (bang Minesota) dù chỉ là nơi lạnh thứ hai của nước này nhưng đã được gọi là “chiếc tủ lạnh của đất nước” Mỹ. Mỗi năm, người dân ở đây lại tổ chức lễ hội có tên gọi “Ngày tủ lạnh” kéo dài trong 4 ngày. Falls tiết trời lạnh lẽo quanh năm. Mùa đông ở đây kéo dài, trong khi nhiệt độ trung bình cả năm chừng -3 độ C thì những ngày lạnh nhất xuống -20 độ C. Tháng 1 là tháng “nóng” nhất thì nhiệt độ ngày cao nhất cũng chỉ 12 độ C.
Còn nơi lạnh nhất của nước này phải là Stanley (bang Idaho). Nhiệt độ thấp nhất nước Mỹ đã đành, địa phương này còn nắm kỷ lục về số ngày lạnh giá nhiều nhất trong năm kể từ năm 1995 đến nay. “Nói chung chúng tôi không biết đến mùa hè. Mặt trời không “chơi” với người Stanley. Muốn được hưởng chút nắng ấm áp, chúng tôi phải thuê xe đi tới nơi khác cách vài trăm cây số”- Milande Slotty, một công dân Stanley nói và cho biết thêm: Trong vòng 20 năm nay mình không thấy nắng theo đúng nghĩa. Có chăng chỉ là chút nắng nhẹ không đủ làm ấm mặt đất.
Cũng tại Mỹ, thị trấn Fraser (Colorado) là một thị trấn nhỏ, nằm ở độ cao hơn 2.600m trong dãy núi Rocky. Là thị trấn, nhưng do lạnh quá nên người dân “di tản” dần, tới nay chỉ còn khoảng 1.000 người. Đây là một trong những vùng có mùa đông lạnh nhất nước Mỹ, nhiệt độ trung bình hàng năm ở đây là 0 độ C. Thật khó hình dung, giữa mùa hè vẫn có ngày nhiệt độ xuống -1 độ C, đúng là “tuyết rơi mùa hè”.
Thị trấn Fraser (Colorado, Mỹ) ngày nắng ấm.
3. Người ta đã “lên danh sách” những nơi lạnh giá nhất trên thế giới vẫn có người sinh sống, ngoại trừ Bắc Cực và Nam Cực. Trong đó có thể kể đến:
- Snag (Canada): Làng Snag là một trong những điểm đến lạnh nhất ở Canada trong thung lũng của sông Trắng. Nhiệt độ trung bình trong năm là -27 độ C. Khi quá lạnh, cả làng chỉ còn chừng 10 người trụ lại được.
- Barrow (Alaska): Là thành phố nằm cách Bắc Cực về phía Nam 2.000km và phía Bắc hơn 500km. Ở đây, Mặt trời lặn vào cuối tháng 11 và chỉ xuất hiện trở lại cho đến cuối tháng 1 năm sau. Kể cả mùa hè thì đến tháng 6, mọi thứ đã bắt đầu bị đóng băng và nhiệt độ trung bình giữa mùa hè là 3 độ C.
- Hell (Nauy): Cứ vào cữ tháng 1 hàng năm nhiệt độ trung bình ở đây vào khoảng -4 độ C. Nhìn chung 1/3 thời ian trong năm nơi đây bị đóng băng nên khi nhiệt độ -4 độ C người dân trong vùng đã cho là “trời mát”.
Gấu Bắc Cực - “chủ nhân” của vùng đất băng giá.
Một điểm rất đáng chú ý là tuổi thọ trung bình của những người sống ở nơi lạnh giá lại cao hơn những nơi khác, cho dù họ ăn nhiều động vật, nhiều mỡ hơn là ăn rau. Nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng một điều người ta thống nhất rằng chính sự phát triển chậm của tế bào khiến sự lão hóa cơ thể đến chậm hơn, con người sống dai hơn.
Người ta cũng nhận thấy, mắt của người vùng lạnh giá rất sáng, và rất ít người bị cận. Có thể do ít phải nhìn vào ánh mặt trời chói gắt chăng?