Nỗi lo bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Tấn Thành 22/02/2017 11:47

Bộ NN&PTNT ngày 21/2 đã có công văn hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017, bởi hiện nay dịch cúm gia cầm (DCGC), bệnh Lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện tại một số địa phương.

Nỗi lo dịch LMLM xuất hiện.

Tái bùng phát dịch bệnh

Tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ông Đỗ Văn Minh, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh (PCDB) động vật cho biết, đã khống chế tình trạng bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn bò tại địa phương.

Cụ thể bệnh LMLM đã xuất hiện trên đàn bò của các hộ dân thuộc phường An Phú, phường An Mỹ. Hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Sĩ tại phường An Mỹ đã có 1 con bò bị mắc bệnh, tại phường An Phú có 5 hộ chăn nuôi với tổng đàn 17 con thì có tới 11 con mắc bệnh LMLM. Triệu chứng bệnh đựơc phát hiện trên đàn bò như miệng lở, rụng răng, móng chân rớt ra…

Ngay sau khi phát hiện bệnh, UBND TP Tam Kỳ đã chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp cùng các địa phương rà soát toàn bộ gia súc, thông tin khu vực đã xảy ra bệnh cho người dân biết nhằm thực hiện các biện pháp PCDB theo quy định.

Cùng với đó đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương rà soát, khoanh vùng tiêu độc khử trùng để khống chế, không để bệnh lây lan. Nghiêm cấm mọi hành vi nuôi thả rông gia súc, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện theo quy định, để dịch bệnh lây lan...

Vịt bị dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi.

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 4 ổ dịch cúm A (H5N6) trên đàn gia cầm của các hộ dân ở 2 thôn Nga Mân, Mỹ Trang thuộc xã Phổ Cường huyện Đức Phổ và thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi. Mới nhất ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn. Các đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm với hơn 10.000 con.

Theo ông Huỳnh Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Đông, ngay khi nhận được tin báo tại gia trại của ông Nguyễn Cao Tuấn và ông Nguyễn Văn Lộc, ở thôn Tự Do, xảy ra triệu chứng dịch bệnh. Cán bộ chức năng đã tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả dương tính với virút cúm A(H5N6). Ngày 17/2, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn gà với số lượng 7.300 con, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Còn tại xã Phổ Cường huyện Đức Phổ, cơ quan chức năng cũng tiến hành tiêu hủy đàn vịt, gà bị nhiễm cúm A (H5N6) ông Nguyễn Hiệp ở thôn Mỹ Trang hơn 1.600 con và của hộ Trần Anh Phi, ở thôn Nga Mân với hơn 2.700 con. Ước thiệt hại của hai hộ dân nói trên hơn 200 triệu đồng. Mới nhất ngày 20/2, phát hiện thêm ổ dịch cúm A (H5N6) tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn.

Chăm sóc cho đàn gà với nỗi lo dịch cúm gia cầm.

Tập chung chống dịch

Trước tình hình DCGC diễn biến khó lường, có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng trên địa bàn các địa phương. Các ngành chức năng đã tăng cường thực hiện các biện pháp PCDB để đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và phòng tránh DCGC, LMLM lây ra diện rộng.

Tại TP Tam Kỳ, ông Đỗ Văn Minh, Phó Ban chỉ đạo PCDB động vật TP cho biết: “Để sớm khống chế bệnh LMLM, ngay khi nhận được thông tin chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng khoanh vùng, kiểm tra, tiêu độc khử trùng theo quy định. Tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc. Đến nay, bệnh LMLM đã được khống chế. Sau khi được theo dõi, chữa trị, đến nay số gia súc bị bệnh LMLM đã cơ bản ổn định và đang được chăm sóc theo đúng quy trình. Đặc biệt, không xuất hiện tình trạng bò mắc mới bệnh LMLM từ hơn 10 ngày qua”. Đây là sự cố gắng đáng biểu dương của Ban chỉ đạo PCDB động vật TP. Bởi DCGC, LMLM nếu không khống chế kịp thời khó mà lường hết được hậu quả.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức đã cùng với cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh trực tiếp đến kiểm tra công tác PCDB, ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người ở vùng xảy ra dịch cúm A (H5N6).

Vệ sinh chuồng trại chống dịch.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Lái – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ: Huyện đã khẩn trương phân bổ nguồn hỗ trợ vắcxin và hóa chất của tỉnh, cho 13 xã, thị trấn. Chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm và phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh.

Sở Y tế cũng đã ra văn bản chỉ đạo cho toàn bộ hệ thống y tế của tỉnh triển khai các biện pháp PCDB cúm A (H5N6) từ gia cầm lây sang người, cán bộ y tế phải phối hợp với ngành nông nghiệp khi phát hiện có DCGC thì tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức PCDB cho người dân.

Trước diễn biến của DCGC, ngày 21/2, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017. Theo đó, những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.

Còn tại hai địa phương nói trên, ngành y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi và đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO