Thời gian qua, bờ biển ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam liên tục bị triều cường xâm thực, sạt lở lấn sâu vào đất liền. Hiện nay đang vào mùa mưa bão, chính quyền địa phương và người dân rất lo lắng đã nỗ lực phòng, chống sạt lở bờ biển nhưng tình hình ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
Ngày 17/10 chúng tôi trở lại thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) chứng kiến cảnh bờ biển bị xâm thực, lấn đất vườn, đe dọa nhà cửa của người dân.
Ông Trương Công Trực (68 tuổi) - thôn Trung Phường cho biết: Trước đây biển ở ngoài xa kia, còn bây giờ biển đã lấn vào chỉ cách nhà vài chục mét. Không riêng tôi mà người dân ở đây ai cũng rất lo lắng tình trạng này.
Ngay cạnh nhà ông Trực là nhà của anh Trương Công Tuấn (con trai ông Trực) cũng bị hư hỏng nặng, bỏ không mấy năm nay. Ông Trực kể, cơn bão năm 2002 gió biển dỡ mái xô đổ cửa nhà và làm hỏng hầu như toàn bộ vật dụng của ngôi nhà cấp 4 mới xây được vài năm. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng con trai khăn gói vào Nha Trang để mưu sinh, còn vợ chồng ông chẳng đi đâu được nữa đành tiếp tục trú ngụ trong ngôi nhà cũ này.
Theo ông Trực, để bảo vệ nhà cửa, hàng năm các hộ dân ở đây lại xúc cát đắp bờ, hoặc đóng cọc tre gia cố hạn chế sóng biển tấn công vào bờ. Năm ngoái dân làng đắp 600 bao cát để kè, có người chở cây tre về đóng cọc, đổ cát để bờ chống sạt lở nhưng rồi qua một mùa mưa bão đâu lại vào đấy.
Còn nhà bà Nguyễn Thị Vân (66 tuổi) - thôn Trung Phường cho biết, giờ đây bà đang phải ở nhờ nhà của con, còn ngôi nhà của bà đã bị sóng biển đánh sập cách đây mấy năm. “Gia đình chúng tôi gắn bó với vùng đất này nhiều đời rồi, giờ tôi biết đi về đâu, mưu sinh gì để sống. Cứ đến mùa mưa bão là sống trong tâm trạng lo sợ” - bà Vân nói và cho biết, theo phương án được chính quyền xã Duy Hải công bố thì mỗi hộ dân đồng ý di dời khỏi khu vực bị sạt lở sẽ được phân một lô đất và hỗ trợ tiền mặt 20 triệu đồng nhưng bà đã lớn tuổi, giờ kinh tế dựa vào người con trai hành nghề đi biển, nếu dời đi nơi khác vừa không có tiền làm nhà, công việc của con trai cũng khó mà duy trì được.
Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, tình trạng xâm thực bờ biển đã xảy ra cả chục năm qua và ngày một nghiêm trọng. Nước biển dâng cao gây sạt lở, làm hư hỏng nhà cửa, đất trồng trọt của người dân thôn Trung Phường, mức độ sạt lở biển diễn ra nghiêm trọng khoảng 3 năm gần đây.
Theo ông Siêm, hiện nay hơn 1km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục hộ dân trong diện bị ảnh hưởng. Biển ăn sâu vào đất liền khiến không chỉ người dân mà chính quyền cũng hết sức lo lắng. UBND xã liên tục đề xuất làm kè bảo vệ nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được triển khai. Lo sợ trước sự tấn công của triều cường gây sạt lở, xâm thực, nhiều người bán nhà hoặc đi nơi khác để sống. Hiện còn 14 hộ/57 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm nhưng chưa di dời. Để đảm bảo an toàn mùa mưa bão, các lực lượng túc trực, hướng dẫn, hỗ trợ đưa người dân di dời đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã có văn bản về việc xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn. Đã giao cho các địa phương tổ chức xử lý, như thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; chỉ đạo việc xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức khảo sát, đánh giá, lập dự án đầu tư xây dựng kè cùng các phương án khác để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, địa phương liên quan tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh và tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xử lý các khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nguy hiểm trong những năm tiếp theo.