Do ảnh hưởng của bão lũ cùng với nạn khai thác cát trộm trên sông đã khiến bờ sông, bờ biển nhiều nơi tại tỉnh Quảng Bình bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, làm mất đất sản xuất, biến đổi dòng chảy, đe dọa tính mạng của người dân.
Hai bờ sông bên nào cũng lở
Là địa phương ở giữa vùng cồn bãi sông Gianh, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) có 117 hộ dân, trong đó gần 50 hộ dân đang phải sống trong cảnh bất an, lo lắng vì tình trạng sạt lở đất. Thôn Cồn Nâm nằm giữa ngã ba hai nhánh sông Son và sông Gianh nên vào mùa mưa lũ, nước sông từ thượng nguồn đổ về tấp thẳng vào thôn khiến tình trạng sạt lở đất diễn ra trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng thôn Cồn Nâm cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở thôn Cồn Nâm diễn ra nghiêm trọng, hầu như bờ sông bên nào cũng lở. Có đoạn nước sông đã “nuốt” sâu vào bờ hơn 15 m làm diện tích đất sản xuất của bà con bị giảm đáng kể, đe dọa đến nhà cửa, vườn tược và các công trình của người dân.
Theo ông Toàn, không có mùa mưa lũ năm nào mà đất đai của dân trong thôn không bị sông “nuốt”. Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp dọc bờ sông cứ bị lấn dần, chỗ nhiều thì 2-3m, chỗ ít nhất cũng 1-2m. Ngay cả cột báo đường thủy trước đây nằm trên bờ sông nay đã bị xô đổ do sạt lở đất. Nhiều nhà dân ở sát mép sông, cứ mỗi lần mưa lũ về, phần đất trước cổng nhà lại bị sạt lở. Người dân lại phải mua xi măng, cát, sạn về đắp vá lại nếu không nhà cửa sẽ bị cuốn trôi.
Ông Hoàng Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn xã đã xảy ra từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây thì ngày càng nghiêm trọng. Toàn xã có 6 thôn thường xuyên bị sạt lở, trong đó có 4 thôn nằm trong diện “báo động” là Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà và Đông Thành. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 660 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó có hơn 300 hộ cần di dời đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND xã Quảng Minh giãi bày thêm: Việc giải quyết đất ở cho các hộ dân rất khó, bởi xã không có quỹ đất. Mặt khác, người dân đã sống ở đây hàng chục năm nên không muốn chuyển đến nơi ở mới, đời sống của nhiều hộ dân cũng rất khó khăn, việc xây dựng lại nhà cửa cũng không hề dễ dàng. Việc cần thiết nhất lúc này là xây kè chắn chống sạt lở ven sông để bảo vệ đất đai, ổn định cuộc sống cho người dân.
Bờ biển cũng sạt lở
Bên cạnh sạt lở bờ sông thì tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn biến phức tạp, nhiều kè biển bị sạt lở đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tại bờ biển xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng lớn của đợt lũ lịch sử tháng 10 năm 2010 đã khiến cho hàng trăm hộ dân ở đây thấp thỏm, lo âu.
Chúng tôi gặp ông Mai Xuân Hiện (52 tuổi) trên con đường bê tông dẫn ra biển. Nét mặt buồn buồn, ông Hiện cho hay, ông đã bám biển hơn 30 năm nay nhưng trận lũ lịch sử năm 2010 đã khiến bờ biển sạt lở nghiêm trọng. Năm 1985, ở đây cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển nhưng chỉ ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 1m. Cuối năm 2020 vừa qua, bờ biển Ngư Thủy bị sạt lở nghiêm trọng nhất, có đoạn biển đã xâm thực vào bờ khoảng gần 20 m.
“Con đường bê tông dẫn ra biển của thôn đã bị sóng biển đánh sập với chiều dài gần 20 m. Nếu tình trạng sạt lở bờ biển như thế này còn kéo dài thêm 1-2 năm nữa thì những người dân ở đây chắc phải di chuyển đến nơi khác để ở thôi, chú ạ”, ông Hiện bày tỏ lo lắng.
Theo ông Đinh Khánh Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình), đợt mưa lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, toàn tỉnh có 67 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 108km. Nhiều kè biển bị sạt lở nghiêm trọng, như Cảnh Dương, Quảng Phúc, Hải Trạch, Nhật Lệ, Ngư Thủy. Tình trạng xói lở cũng xảy ra ở hầu hết hệ thống các sông trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình xói lở ngày càng nặng, với tốc độ trung bình từ 1-3m/năm. Nhiều địa phương có tốc độ xói lở từ 5-10 m/năm, như: Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Hải, Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), Cảnh Hóa, Phù Hóa (Quảng Trạch), Tiến Hóa, Đồng Hóa, Lê Hóa, Hương Hóa (Tuyên Hóa), Phúc Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch).
Hiện tượng sạt lở bờ biển đã gây thiệt hại đáng kể cho người dân các địa phương. Trước hết là ảnh hưởng đến việc neo đậu tàu thuyền, việc đi lại của bà con và những cánh rừng phòng hộ ven biển đang bị mất dần.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tại, toàn tỉnh có 27 vị trí sạt lở cần đầu tư từ nay đến năm 2025, có tổng chiều dài 55,72km với kinh phí đề xuất đầu tư xây dựng ước tính hơn 785 tỷ đồng.
“Với nguồn lực của tỉnh rất khó để có thể khắc phục được số lượng kè sông, kè biển lớn như thế này. Để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân, Quảng Bình rất cần sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương và các tổ chức quốc tế” - ông Minh nói.