Ngày 26/5, Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn?”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng khi thuốc giả diễn biến phức tạp trên thị trường.
Thuốc giả làm mất “thời gian vàng” điều trị bệnh
ThS Nguyễn Thị Trúc Vân - Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho biết, trong 3 năm gần đây, số lượng mẫu dịch vụ kiểm nghiệm tăng đáng kể, từ 1.695 mẫu năm 2022 lên 2.308 mẫu năm 2023 và đạt 2.359 mẫu trong năm 2024. Qua kiểm nghiệm, mỗi năm đều ghi nhận các trường hợp thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, năm 2022 có 10 mẫu không đạt chuẩn; năm 2023 tăng lên 20 mẫu; đến năm 2024 giảm xuống còn 12 mẫu (chiếm phần lớn là dược liệu, vị thuốc cổ truyền). “Đáng chú ý, số lượng thuốc giả phát hiện qua kiểm nghiệm cũng có xu hướng tăng nhanh. Năm 2022, phát hiện 5 mẫu thuốc giả; năm 2023 là 12 mẫu; riêng năm 2024, con số này tăng vọt lên 40 mẫu, bao gồm 25 mẫu thuốc hóa dược không chứa dược chất và 15 mẫu thuốc từ dược liệu bị pha trộn tân dược” - bà Vân lưu ý.
Với vai trò kiểm tra và quản lý thị trường, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM thông tin, chỉ tính riêng trong năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường thành phố phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó, kiểm tra, xử lý 178 vụ vi phạm liên quan đến thuốc tân dược. Lực lượng chức năng tạm giữ 262.158 đơn vị sản phẩm thuốc tân dược các loại với tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng chuyển cơ quan điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Quan ngại về tình trạng thuốc giả tràn lan trên thị trường, TS.DS Nguyễn Quốc Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, có nhiều nguy hại nhưng lớn nhất là khi dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng là bỏ phí mất “thời gian vàng” để điều trị bệnh. Dùng thuốc giả có nguy cơ đưa thêm chất lạ, chất độc hại vào cơ thể, làm tăng tương tác thuốc, làm cho các cơ quan thải độc của cơ thể (gan, thận…) phải tăng “công suất” và tăng chi phí điều trị.
Ông Bình nhận định: “Thuốc giả, kém chất lượng hoặc kháng sinh bị đề kháng chắc chắn không thể có tính hiệu quả. Tính mạng người bệnh sốc nhiễm khuẩn gần như không được bảo đảm. Yếu tố quan trọng để điều trị thành công cho người bệnh là thuốc có hiệu lực, được sử dụng kịp thời và phát huy hiệu quả. Tức là thuốc phải được sử dụng trong giai đoạn “thời gian vàng”. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia lâm sàng từ bệnh viện tại Canada và Mỹ chỉ ra bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn có tỷ lệ sống sót giảm mạnh nếu không sớm được điều trị bằng kháng sinh. Cụ thể, đối với bệnh nhân hạ huyết áp thì mỗi giờ trôi qua không có kháng sinh hiệu quả, cơ hội sống sót của người bệnh giảm đi khoảng 12%. Nếu điều trị sau 12 giờ, cơ hội sống chỉ còn 10%, sau 24 giờ là 5%, và sau 36 giờ thì gần như không còn cơ hội sống. Bệnh nhân có cơ hội sống sót đến 80% nếu được điều trị trong 30 phút đầu sau khi có biểu hiện hạ huyết áp.
Xử lý nghiêm hành vi buôn bán thuốc giả
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, có thể sản xuất “chui” mà không cần nhà xưởng cố định, chia nhỏ quy trình để tránh bị phát hiện và dùng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại Việt Nam thiếu trang thiết bị hiện đại để kiểm tra nhanh tại chỗ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng thuốc giả từ bên ngoài xâm nhập.
Luật sư Phan Thành Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng sản xuất, mua bán thuốc giả như hiện nay do công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế khi chưa theo kịp thực tiễn; bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước khi tổ chức chồng chéo, một người kiêm nhiều nhiệm vụ nên trách nhiệm phân tán. Điều 194 Bộ luật Hình sự hiện hành chưa đủ tính răn đe. Tội buôn bán thuốc giả có thể chỉ bị xử án treo, chưa tương xứng với hậu quả và nguy cơ xã hội.
“Thuốc giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ tay, đặc biệt với thuốc không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ hoặc chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự” - ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chia sẻ. Theo ông Hùng, công tác phòng chống thuốc giả vẫn còn nhiều lỗ hổng nên thuốc giả có điều kiện hoành hành. Dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý dược tương đối đầy đủ, với Luật Dược, Bộ luật Hình sự, cùng hàng loạt nghị định, thông tư và quy trình quản lý từ tiền kiểm đến hậu kiểm, song công tác phòng chống thuốc giả vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, mặc dù hệ thống pháp luật, thanh tra - kiểm tra, kiểm nghiệm đã có nhiều tiến bộ nhưng tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Thuốc giả gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đe dọa sức khỏe người bệnh mà còn làm mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu ngành công nghiệp dược, ảnh hưởng đến sự tồn vong của các doanh nghiệp chân chính. Đó là chưa kể đến hậu quả pháp lý, đạo đức và niềm tin xã hội. “Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Cục Quản lý Dược cho rằng cần tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Bên cạnh đó, siết chặt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như blockchain, cơ sở dữ liệu ngành dược đồng bộ toàn quốc và phần mềm theo dõi đơn thuốc, bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm thuốc.