Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở mức cao so với thế giới, đồng thời phải chịu thêm gánh nặng về tình trạng trẻ em béo phì tăng nhanh. Trong lúc cơ quan chức năng chưa có những cuộc điều tra tổng thể để cảnh báo thì “thảm họa” béo phì đang lặng lẽ hiện hữu ở từng gia đình, trở thành mối lo lắng cho các bậc phụ huynh và cả xã hội.
Tình trạng béo phì ở trẻ em có nguy cơ gia tăng. (Ảnh minh họa).
Béo phì ở trẻ em gia tăng
Ủy ban Chấm dứt nạn béo phì trẻ em (ECHO) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trẻ em ngày nay đang lớn lên trong một môi trường dễ mắc bệnh béo phì. Báo cáo cho biết thế giới hiện có 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng bởi con số đang tăng mạnh, đe dọa đe dọa kéo lùi sự gia tăng tuổi thọ đạt được trong thập kỷ qua và góp phần làm gia tăng số tử vong, bệnh tật và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người bị ảnh hưởng.
Tại Việt Nam, theo các cuộc điều tra dinh dưỡng cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh. Tại Hà Nội, theo kết quả điều tra năm 2013 trên 2.375 trẻ ở độ tuổi từ 4-9 tại một số trường mẫu giáo và trường tiểu học thuộc Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về tình trạng thừa cân, béo phì cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ là 39,9% (tỷ lệ thừa cân là 21,9% và tỷ lệ béo phì là 18,0%).
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, theo Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, chỉ sau 5 năm (từ 2009 - 2014), tỉ lệ học sinh béo phì của TP.HCM đã tăng từ 4% lên 19%, tỉ lệ trẻ thừa cân tăng từ 14,6% lên 22,4%. Càng ở các cấp học nhỏ tuổi, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì càng nhiều. Ở Việt Nam đã xuất hiện trường hợp siêu béo phì.
Rất nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại với tình trạng béo phì của con em mình . Mẹ bé Minh - chị Nga (Vĩnh Tuy, Hà Nội) kể: Nhà chị ăn uống đơn giản, thực đơn cũng nhiều rau xanh. Nhưng cách đây mấy năm một người bà con đi công tác về có cho gia đình một hộp mắm tép trưng thịt. Hai cậu con trai nhà chị mê ăn món này đến nỗi chỉ cần mỗi một món mà ăn liền đến 4 bát cơm, gần như bữa nào cũng thế, không có mắm tép con ăn ít đi, thậm chí không chịu ăn cơm. Ban đầu thấy con ngon miệng, phấn khởi cứ hết chị lại mua.
Rồi một ngày mùa hè đưa các con đi bơi, chợt nhận thấy hai cậu con trai đã thừa cân khá nhiều, chị muốn dừng không cho con ăn món khoái khẩu nhưng các cháu không chịu.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng từng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của việc ăn theo quảng cáo của trẻ em. Bé Hà (Long Biên, Hà Nội) mới 6 tuổi đã nặng 35 kg, vượt tiêu chuẩn đến 9kg. Chị Trang - mẹ bé chia sẻ: Mỗi bữa cháu chỉ ăn có một bát cơm nhưng rất thích ăn vặt, mà phải ăn những thứ được quảng cáo trên TV. Nào kẹo dẻo, bánh snack, khoai tây chiên, xúc xích..., hễ xem quảng cáo thấy hấp dẫn là cô bé lại đòi mua và ăn rả rích suốt buổi tối.
Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng khẳng định, một loại thực phẩm dù tốt đến đâu nếu ăn quá nhiều cũng không tốt. “Không một thức ăn nào có đủ các thành phần cần thiết. Vì vậy nếu ăn quá nhiều món nào đó thì sẽ gây thừa một số chất và thiếu nhiều chất khác” - TS Kim Thanh khẳng định.
Đối diện với nguy cơ bệnh tật
Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một thách thức của thiên niên kỷ và là một trong “tứ chứng nan y” của loài người: AIDS, ung thư, béo phì và ma túy. Điều này chứng tỏ đây là một bệnh khó trị. Béo phì không chỉ gây bệnh tim mạch, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường tuýp 2, rối loạn hoóc môn sinh dục... Viện nghiên cứu ung thư Mỹ vừa chính thức công bố kết quả một nghiên cứu mới: Thêm cân nặng là thêm nguy cơ ung thư.
Theo PGS.TS Lê Thị Bạch Mai- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, béo phì khiến trẻ thừa mỡ, mỡ thừa đọng lại ở các tạng gây nguy cơ: gan nhiễm mỡ, lâu dài ảnh hưởng chức năng gan; chít hẹp đường thở khiến trẻ thiếu ô xy, dẫn đến ngủ không sâu, ngủ kém giảm khả năng tăng trưởng chiều cao, trong khi đó trẻ hạn chế chiều cao càng dễ béo phì do chỉ tăng trọng lượng kéo chiều ngang và đó là vòng luẩn quẩn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, với trẻ béo, trọng lượng nặng gây quá tải khớp gối, dễ dẫn đến bệnh về cơ xương khớp.
Về nguyên nhân béo phì, theo TS Lê Thị Bạch Mai dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Bữa ăn hiện mới chú trọng về đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng một số khảo sát cho thấy khẩu phần ăn còn nhiều năng lượng từ đạm động vật, chất béo, chưa có thực đơn phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng. Trong đó, can xi cần cho tăng trưởng chiều cao, cung cấp cho quỹ xương, răng, nhưng khẩu phần ăn hiện mới đáp ứng 50 - 60% nhu cầu canxi. Thói quen ăn ngọt cũng làm trẻ dư cân.
Cũng theo TS Bạch Mai, kiểm soát béo phì không chỉ là chế độ ăn, mà trẻ còn cần được vận động. Để tốt cho sức khỏe, thể lực các em chỉ cần các môn thể thao đại chúng. Ví dụ như nhảy dây với động tác nhảy chụm đầu gối tạo sức bật, kích thích màng xương đùi. Động tác này giúp trẻ khi ngủ sẽ tiết hormone tăng trưởng tốt hơn, giúp tăng chiều cao. Do đó, ăn uống hợp lý, lối sống năng động, tăng vận động không chỉ là thực hành ở nhà trường mà chính cha mẹ cũng phải vào cuộc.
Thói quen thức khuya cũng không tốt cho phát triển của trẻ. Trẻ nên được ngủ trước 22 giờ vì ngủ sau thời gian này sẽ hạn chế việc tiết hormone tăng trưởng. Do đó, nên cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ và ngủ sâu.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM chia sẻ: “Phần lớn các cháu nhìn thấy gầy gầy mới là phát triển bình thường, nhưng tâm lý chung của các bậc cha mẹ, ông bà đều muốn con cháu mình phải bụ bẫm mà không biết rằng, trẻ như vậy đã là thừa cân hoặc béo phì”. Đáng giật mình hơn, khi tiến hành khảo sát ở 30 trường học tại TP HCM, có đến 15,4% học sinh bị tăng huyết áp. BS Ngọc Diệp nhấn mạnh, gần như 100% trẻ béo phì đều tăng huyết áp. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại về sức khỏe học đường.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm dinh dưỡng TP HCM đưa các khuyến nghị: Cần có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì; Rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định cụ thể về vận động, dinh dưỡng trong trường học; Giao chỉ tiêu kiểm soát học sinh thừa cân, béo phì cho các trường; Tăng cường nhân lực phụ trách y tế, bán trú.