Giá thịt lợn hơi ngày càng có xu hướng tăng cao, đây là điều đáng mừng với các hộ nuôi song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn đối với thị trường thịt lợn trong nước. Và đáng lo hơn cả, đó là khi giá tăng cao quá, nguy cơ thịt ngoại nhập tràn vào, doanh nghiệp nội sẽ khó giữ được thị trường.
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) cho hay, giá lợn hơi đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc đang giao dịch trong mức 52.000 - 55.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đang giao dịch trong mức 47.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương ghi nhận mức tăng cao 4.000 đồng/kg với giá lên đến 55.000 đồng/kg. Tại miền Nam, đà tăng giá lợn hơi tiếp tục được duy trì. Nhìn chung toàn miền, giá lợn hơi dao động phổ biến ở 52.000 - 53.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá lợn hơi sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm do nhu cầu tăng.
Giá thịt lợn tăng là tin vui cho các hộ chăn nuôi, song cũng ẩn chứa nhiều mối lo cho ngành chăn nuôi. Một trong những mối lo phải kể đến đó là giá thịt lợn tăng cao sẽ khiến bà con đẩy mạnh việc tái đàn, gây ra tình trạng thừa thịt lợn. Hẳn dư luận chưa thể quên thực trạng cung vượt cầu hồi năm 2017 đã khiến cho bà con nuôi lợn bị lâm cảnh thua lỗ nặng một thời gian dài, dẫn tới nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải bỏ chuồng, chuyển qua ngành nghề khác.
Điều đáng ngại nhất là nếu giá lợn giữ mức cao kéo dài, nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào, khi đó sẽ mất thị trường. Việc này sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi, và ngành nông nghiệp. Bởi vậy, để bình ổn thị trường, các DN sản xuất con giống, DN sản xuất lợn thương phẩm cần hạ giá bán thấp hơn so với hiện nay.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành chăn nuôi nước ta hiện nay vẫn còn yếu tố tự phát, quy mô nông hộ cao, phần lớn còn chưa theo chuỗi. Tổng điều tra nông nghiệp nông thôn vừa qua cho thấy số lượng sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGap và tương đương còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành chăn nuôi lợn nói riêng, chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung sẽ khó có thể giữ được sân nhà nếu vẫn giữ phương thức sản xuất nhỏ lẻ manh mún.