Trong bối cảnh giá nhiên liệu bay cao, ảnh hưởng đến đà phục hồi của ngành hàng không, việc nới hay gỡ bỏ giá trần vé máy bay là tâm điểm đang được chú ý.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, mới đây Cục Hàng không đã đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Đây là lần thứ 3 trong 3 tháng qua Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đề xuất này nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn sau khi nhận được báo cáo của các đơn vị cung cấp xăng dầu và các hãng hàng không về sức ép chi phí giá nhiên liệu tăng cao. Theo Cục Hàng không, giả định rằng tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và yếu tố chi phí khác không biến động, thì chi phí nhiên liệu tháng 7/2022 của các hãng tăng 92,91% so với tháng 12/2014 và tăng 114,93% so với tháng 9/2015. Theo đó, tác động của giá nhiên liệu không ngừng tăng cao làm tổng chi phí tăng lần lượt 39,61% và 46,5% so với hai giai đoạn kể trên.
Thông tin từ Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu bay trong quý I đã chiếm hơn 30% chi phí hoạt động. Còn theo đại diện Bamboo Airways, tỷ trọng chi phí nhiên liệu bình quân của hãng tại thời điểm tháng 12/2021 là 34% tổng chi phí khai thác một chuyến bay nhưng đến tháng 3/2022 đã tăng vọt lên mức 50%.
Được biết, quy định về giá trần máy bay được Bộ GTVT ban hành trong Thông tư số 17 năm 2019, với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tiếp tục được giữ nguyên theo mức quy định năm 2015. Theo các doanh nghiệp, mức giá trần này tới nay đã không còn phù hợp. Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng Thông tư 17 được xây dựng trên cơ sở giá nhiên liệu bay chỉ khoảng 80 USD/thùng. Bối cảnh hiện nay đã khác khi giá tăng vọt lên mức 160 - 170 USD/thùng.
“Cần nới giá trần để phản ánh thị trường vận tải hàng không nội địa có tính cạnh tranh, giá vé được điều tiết bởi chính các hãng tham gia khai thác. Việc nới khung giá cũng giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn thu từ những khách có khả năng chi trả”- ông Hà nói.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết giá nhiên liệu leo thang chóng mặt khiến doanh thu không bù đắp được chi phí. Ước tính các hãng vẫn gánh lỗ gần 100 tỷ/tháng. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Cục Hàng không kiến nghị đề xuất từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ việc điều chỉnh mức giá trần cũng đồng nghĩa với tăng giá vé máy bay đồng loạt.
Về vấn đề này, có thể nêu ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống là nên bỏ hẳn cơ chế giá trần vốn đã trở nên lạc hậu. “Nếu sau khi bỏ giá trần mà giá vé tăng cao một cách vô lý thì hành khách sẽ chọn di chuyển bằng cách khác, hoặc đi du lịch ở nơi khác” - ông Tống nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tổng chi phí tạo ra của các hãng hàng không “thì chỉ họ mới biết”. Có thể các hãng sẽ bắt tay làm giá, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân. Vì thế, nên điều chỉnh tăng, giảm trên khung giá trần cho đến khi mặt bằng thu nhập tăng lên, đồng thời có công cụ kiểm soát tốt mới nên bỏ khung giá trần. Ông Tống cũng lưu ý phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch rồi mới tính đến việc “các hãng bay tự quyết giá bay”.
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ GTVT về tình hình thị trường hàng không 6 tháng đầu năm 2022, cho thấy tổng lượng hành khách tại thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019. Hiện 5 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác gần 60 đường bay nội địa. Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6/2022 rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng.