Cung Thiếu nhi Hà Nội không chỉ tọa lạc ở vị trí đắc địa, có tổng diện tích 8.100 m2 mà với gần 70 năm tồn tại, nơi đây chứa đựng rất nhiều câu chuyện thuộc về lịch sử, đồng thời cũng gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội.
1. Thực ra, không phải tới lúc này, câu chuyện bảo tồn Cung Thiếu nhi Hà Nội mới nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước đó nhiều năm, việc ứng xử như thế nào với Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng đã được đặt ra, và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Bởi lẽ, Cung Thiếu nhi Hà Nội không chỉ tọa lạc ở vị trí đắc địa, có tổng diện tích 8.100 m2 mà với gần 70 năm tồn tại, nơi đây chứa đựng rất nhiều câu chuyện thuộc về lịch sử, đồng thời cũng gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội.
Còn nhớ, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương thu hồi lại Khu nhà truyền thống của Cung Thiếu nhi Hà Nội, giao cho UBND thành phố quản lý, sử dụng. Mà “khu nhà truyền thống” ấy lại nằm trong tòa nhà kiến trúc Pháp, thực chất là cái còn lại của “Ấu trĩ viên” (vườn trẻ) từ thời Pháp. Lập tức chủ trương này đã làm dấy lên sự lo ngại của nhiều chuyên gia và người dân Hà Nội. Khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng đã lên tiếng. TS Phạm Sĩ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) quả quyết trước công luận: Cung Thiếu nhi đã được vận hành từ bao nhiêu năm nay, không nên thay đổi gì ở đây hết. Càng không nên vì một nhu cầu nào đó khác mà cắt bớt đi khiến công năng của Cung Thiếu nhi trở nên què quặt.
Theo ông Liêm, Hà Nội không nhất thiết phải lấy đi tòa nhà kiến trúc Pháp ấy, vì vẫn có nhiều phương án khác - nếu thực sự cần.
Không chỉ dư luận quan tâm, giới trí thức lên tiếng, hàng trăm giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng đã ký đơn kiến nghị UBND TP Hà Nội không thu hồi tòa nhà kiến trúc Pháp đẹp như “lâu đài tuổi thơ” đó. Và câu chuyện “giải phóng” nốt phần còn lại của Ấu trĩ viên đã phải tạm dừng.
Nhắc lại câu chuyện này, để thấy rằng, dù mới chỉ dự định chạm đến một tòa nhà nhỏ trong khu vực Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện nay, cũng đã khiến dư luận quan tâm. Thậm chí, hồi tháng 7/2020, chỉ chặt một cây xà cừ cổ thụ (đã chết) trong sân của Cung cũng khiến nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối.
Mới rồi Hà Nội tiến hành lễ động thổ Cung Thiếu nhi mới tại Khu Công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm). Dự án có tổng diện tích gần 40.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Cung Thiếu nhi mới được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu vui chơi thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hoá văn nghệ của thiếu nhi Thủ đô, tạo môi trường thuận lợi phát triển tài năng tương lai.
Hà Nội có thêm một chỗ vui chơi hiện đại cho trẻ em rõ ràng là việc đáng mừng. Thế nhưng, từ mấy năm trước, khi mới có đồ án xây dựng, người ta đã đặt vấn đề về việc ứng xử ra sao với Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ.
Dù Hà Nội chưa đưa ra phương án sử dụng hơn 8.000m2 “đất vàng” ở vị trí Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ, song không chỉ giới trí thức mà người dân cũng rất quan tâm. Bởi lẽ, Cung Thiếu nhi chỉ nằm cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100 m, nằm cạnh ngã ba phố Lê Lai và Lý Thái Tổ. Không những thế, Cung Thiếu nhi Hà Nội còn là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, là nơi vun đắp mơ ước của nhiều thế hệ người Hà Nội. Có ý kiến lo lắng về việc mảnh đất đắc địa này sẽ bị chuyển đổi mục đích sử dụng, thậm chí có thể mọc lên khu chung cư mới.
2. Nhiều người vẫn còn nhớ, mới tháng 6 năm ngoái, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập. Tại đó, nhiều câu chuyện được kể, nhiều ký ức được khơi gợi. Cả một “trời thương nhớ” hiện ra, khiến người ta thấy yêu hơn Hà Nội. Điều đó cũng cho thấy, một công trình gắn bó gần 70 năm với người Hà Nội cần có một thái độ ứng xử đúng đắn.
Lật mở những tài liệu được Cung Thiếu nhi Hà Nội lưu giữ, thấy lại cả một bề dày lịch sử. Trước Cách mạng Tháng Tám, Ấu trĩ viên - nơi xây dựng Cung Thiếu nhi ngày nay - là nơi vui chơi cho con em các gia đình giàu có, quan lại trong chính quyền cũ. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Ấu trĩ viên là nơi đặt trụ sở của Ban Chấp ủy Hội nhi đồng cứu quốc và cũng là nơi tập trung rất nhiều hoạt động sôi nổi của thiếu nhi Hà Nội.
Sau khi Thủ đô giải phóng, ngày 1/6/1955 Ấu trĩ viên đổi tên thành Câu lạc bộ (CLB) Thiếu nhi Hà Nội, thu hút hàng vạn lượt con em nhân dân Thủ đô đến tham gia vui chơi, sinh hoạt. Năm 1974, được sự quan tâm của Đảng bộ và Chính quyền Thành phố, sự giúp đỡ của Chính phủ Tiệp Khắc, công trình Cung Văn hóa thiếu nhi 6 tầng, với diện tích sàn hơn 10.000m2, gồm 100 phòng học do KTS Lê Văn Lân - một KTS nổi tiếng của Hà Nội thiết kế, được xây dựng trong khuôn viên CLB Thiếu nhi Hà Nội. Năm 1976 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đến ngày 1/6/1985, tập thể cán bộ, thiếu nhi Nhà Văn hóa vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và nhận quyết định chuyển thành Cung Thiếu nhi Hà Nội. Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, Cung Thiếu nhi Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1995), hạng Nhì (năm 2000), hạng Nhất (năm 2005) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014) cùng nhiều phần thưởng cao quý ghi nhận những nỗ lực cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Cung Thiếu nhi Hà Nội luôn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ Hà Nội. Cũng từ đây, nhiều thế hệ đội viên, thiếu niên đã được chắp cánh bay cao bay xa tới khắp mọi miền của Tổ quốc, trở thành những công dân tốt của Thủ đô. Họ là những nghệ sĩ Thanh Huyền, Hồng Vân, Ái Xuân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Hồng Kỳ, Ngọc Khuê…; là những vận động viên tiêu biểu như kiện tướng bóng bàn Quốc Hoàng, Kim Hạnh, kiện tướng cầu lông Hồng Hạnh, kiện tướng quốc tế cờ vua Hoàng Thanh Trang…; những tấm gương tiêu biểu về học tập và công tác xã hội như: đạo diễn Phi Tiến Sơn, TSKH ngữ văn Đoàn Hương, nhà báo Tạ Bích Loan, Hoàng Minh Hồng - người Việt Nam đầu tiên cắm cờ ở Nam Cực…
Nhìn từ góc độ kiến trúc, giới kiến trúc sư đánh giá, Cung Thiếu nhi Hà Nội cùng với tòa nhà kiến trúc Pháp tạo nên một quần thể kiến trúc mới và cũ rất hài hòa với sân vườn, cảnh quan và kiến trúc xung quanh. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt cùng với các di sản văn hóa kiến trúc khu vực Hồ Gươm. Trong Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND TP Hà Nội ban hành năm 2015), thì quần thể xung quanh toà nhà Ấu trĩ viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng…
3. Điểm lại những dấu mốc quan trọng ở trên, để thêm một lần nữa khẳng định vị trí, tầm vóc của một địa điểm văn hóa, lịch sử và kiến trúc đẹp giữa lòng Thủ đô. Riêng ở góc độ kiến trúc, nhiều ý kiến đã đồng thuận khi đánh giá, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một thiết chế văn hóa quan trọng, mỗi công trình đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Hà Nội - thời kỳ hiện đại Việt Nam. Với ngôn ngữ kiến trúc hoàn toàn khác biệt, Cung Thiếu nhi Hà Nội xứng đáng là di sản đại diện cho giai đoạn lịch sử mà nó ra đời.
Theo PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan- Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình hiện đại xuất sắc của Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc thù và hết sức khó khăn. Để nhìn nhận được thấu đáo ý nghĩa và giá trị của công trình kiến trúc này, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh ra đời đặc biệt lúc bấy giờ, khi Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh và đang dốc toàn lực cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời vươn lên khẳng định trí tuệ và năng lực của mình trong công cuộc kiến tạo đất nước; mà kiến trúc luôn là một “công cụ” biểu đạt tuyệt vời.
KTS Lê Văn Lân là người thiết kế Cung Thiếu nhi Hà Nội vẫn còn nhớ, công trình này được nghiên cứu thiết kế vào cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và được xây dựng ngay sau đó. Theo ông Lân, bấy giờ thiếu nhi Hà Nội đi sơ tán chưa về hết, dân số Hà Nội cũng chẳng đông như hiện nay, nhưng lãnh đạo Thành phố đã thấy các cháu thiếu nhi bị thiệt thời nhiều quá, việc sinh hoạt vui chơi học tập của các cháu ở ngoài nhà trường là rất cấp thiết. “Trên cơ sở của khu Ấu trĩ viên có từ thời Pháp thuộc, chúng tôi được giao nhiệm vụ thiết kế một CLB thiếu nhi cho quận Hoàn Kiếm, nơi có vị trí trung tâm của Thành phố lúc bấy giờ, với tính chất là một cơ sở sinh hoạt mang tính khu vực”, ông Lân kể đồng thời khẳng định: Về giá trị đô thị, đây là một tổng thể của những kiến trúc Pháp có giá trị: Bắc Bộ Phủ - Nhà công đoàn - Nhà ngân hàng - Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi… tạo nên quảng trường trước ngân hàng nhà nước và vườn hoa Lý Thái Tổ. Một tổng thể đẹp bậc nhất của kiến trúc Hà Nội, phải bằng mọi cách giữ gìn.