Nỗi niềm doanh nghiệp tư nhân

Hồ Hương 16/11/2020 09:00

Doanh nghiệp tư nhân không thể lớn lên được vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là không tiếp cận được nguồn lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm đưa các nội dung hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống hiệu quả hơn.

DNNVV nước ta hiện chiếm 98%. Có thể nói, trong khu vực DN tư nhân, khối DNNVV đã có những cống hiến nhất định trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra gần 40% GDP. Chưa kể hoạt động của DNNVV là đa ngành tất cả các lĩnh vực, nên có tác động ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, ttính tới cuối năm 2019, Việt Nam có hơn 758 nghìn DN đang hoạt động, bên cạnh đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đại đa số DN hiện nay có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (97,2%). Trong số này, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93,7%.

Theo bà Lan, khu vực kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, nguồn lực tự có khan hiếm, khó chuyên môn hóa… Đặc biệt tốc độ chuyển dịch từ hộ gia đình lên DN, từ phi chính thức sang chính thức… còn chậm.

“Nhiều người tham gia kinh doanh với mục đích kiếm lợi nhuận, lại không có niềm tin năng lực kinh doanh, môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của pháp luật còn hạn chế khiến họ không tự lớn và cũng không muốn lớn lên”, bà Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng, các DN tư nhân hiện tại đang cạnh tranh không bình đẳng với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). DN FDI được hưởng chính sách ưu đãi nhiều, lại không phải chịu các điều kiện như DN tư nhân trong nước.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, DN tư nhân Việt Nam không lớn lên được và sợ lớn. Điều đó là do thể chế và phân bố nguồn lực. DN tư nhân không tiếp cận được nguồn lực khiến họ không lớn được.

“Việc tiếp cận nguồn lực hiện nay không công bằng. Những người có sáng kiến, dự án tốt, có khả năng phát triển tốt chưa chắc đã tiếp cận được nguồn lực. Vì vậy khó có khả năng phát triển mạnh”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, bên cạnh một số kết quả ban đầu đạt được, quá trình triển khai còn gặp nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng của cộng đồng DNNVV.

Cụ thể như mức hỗ trợ DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn như quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP còn thấp, chưa đủ hấp dẫn DN, chưa tiệm cận được với mức giá tư vấn trên thị trường.

Theo phản ánh của cộng đồng DN, việc Nhà nước chỉ đưa ra mức hỗ trợ từ 3, 5 và 10 triệu đồng tương ứng với quy mô DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Đồng thời, DNNVV e ngại việc phải tiến hành nhiều quy trình, thủ tục, trong khi mức hỗ trợ không đủ để khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận các hỗ trợ này.

Ở cấp địa phương, nguồn kinh phí hỗ trợ DNNVV còn hạn chế so với nhu cầu rất lớn của DN, một số địa phương chỉ cân đối đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu theo kế hoạch, Đề án đã phê duyệt.

Trong khi đó, nguồn lực trung ương cũng chưa bố trí được để tập trung vào triển khai một số chương trình, chính sách trọng tâm.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, từ khâu chính sách đến khâu thực thi còn khoảng cách quá xa. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, kiến nghị: Chính phủ cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính cho các Quỹ hỗ trợ DNNVV và đặc biệt là các quỹ bảo lãnh tín dụng.

Toàn quốc hiện nay có 28 quỹ Bảo lãnh tín dụng trực thuộc các tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn là hơn 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng DN, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm doanh nghiệp tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO