Sau khi thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương (Nghệ An) tích nước, xã Hữu Khuông chính thức bị “cô lập”, tách biệt với thế giới bên ngoài bởi con đập rộng lớn. Hữu Khuông trở thành “ốc đảo” bên công trình thế kỷ khiến việc tham gia giao thông của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào phương tiện đường thuỷ. Đặc biệt, đối với công cuộc “trồng người” ở nơi này càng trở nên gian nan hơn.
Cô giáo Ngân Thị Nương trong một giờ lên lớp.
Gieo chữ giữa lưng chừng núi
Từ thị trấn Hoà Bình, chúng tôi đi xe máy men theo các con núi, lên dốc, vòng cua quanh nhiều quả đồi mới đến được khu vực bến thuyền nằm lọt thỏm giữa đại ngàn sông núi và con đập thuỷ điện lớn nhất nhì Bắc Trung Bộ. Đứng tại đây, phóng tầm mắt, phía “chân trời” xa xa là xã Hữu Khuông.
Muốn vào đó, không còn cách nào khác, chúng tôi phải lên thuyền máy. Đó là nơi ở của hàng trăm hộ dân các dân tộc như Thái, Khơ Mú, Mông… Cùng ở với dân, chia sẻ những khó khăn cùng bà con là hàng chục giáo viên đến từ các vùng quê khác nhau. Hàng ngày những thầy cô giáo phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả.
Từ điểm thuyền cập bến, chúng tôi đi bộ khoảng gần 500m thì đến điểm trung tâm xã. Từ đây có thể lưu thông được bằng xe máy nhưng các nhà báo phải len lỏi qua nhiều khe suối, dốc cao mới vào được điểm trường khối Tủng Hốc (nằm ở bản Tủng Hốc).
Điểm trường khối Tủng Hốc được dựng lên bằng tre nứa, trên mảnh đất được san phẳng bên chân núi với 5 lớp học từ 1 đến 5.
Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Lữ Thì Mùi (SN 1990), đang dạy học cho các em cho biết: “Em học cao đẳng sư phạm ngành tiểu học, ra trường lên đây dạy học được 3 năm rồi. Dạy ở đây khá vất vả, đi lại khó khăn, học sinh chủ yếu là con em của bà con người Thái, Khơ Mú, Mông... nhiều em lớn rồi nhưng nói tiếng phổ thông chưa sõi”.
Được biết, do đi dạy xa nhà, thu nhập thấp nên các thầy cô ở Trường Tiểu học Hữu Khuông đều ở lại trong dãy nhà tạm dựng trong trường. Trong khuôn viên rộng chưa đầy 50m2 là 5 chiếc giường đơn sơ của 5 giáo viên tại điểm trường này.
“Mọi sinh hoạt từ ăn ở, ngủ nghỉ của 5 con người bọn em đều trong căn nhà mái tranh này. Thời tiết nắng còn đỡ chứ mưa xuống rất khổ”- cô giáo Lương Thị Trang chia sẻ.
Thầy giáo Lô Thanh Phượng trò chuyện: “Lớp chỉ được 5 em học sinh nhưng ngày nào mình cũng phải lên bục giảng để dạy chữ cho các em. Dạy ít học sinh cũng buồn nhưng ở đây, hầu như lớp nào cũng ít học sinh, nên dạy lâu rồi cũng thấy quen”.
Xã Hữu Khuông có 7 bản, mỗi bản có một điểm trường học, ngoài bản Còn Phen lớp học được dựng bằng gỗ lợp tôn thì các điểm trường còn lại, lớp học đều được dựng tạm bằng tre, nứa. Tại khối Tủng Hốc có tất cả 47 học sinh, trong đó lớp 1 có 6 em, lớp 2 có 14 em, lớp 3 có 6 em, 14 em lớp 4 và 7 em lớp 5. Tủng Hốc là một trong 3 bản đang còn “3 không”, gồm không điện, không đường, không sóng điện thoại. Bởi vậy để liên lạc ra bên ngoài, nhiều giáo viên phải thực hiện hành trình leo núi để kết nối với người thân.
Dựng lều theo đuổi con chữ
Nơi được xem là trung tâm nhất của xã Hữu Khuông chính là bản Con Phen. Ở đây có Trường THCS Hữu Khuông đóng chân, là nơi theo học của gần 200 học sinh. Nói là trung tâm nhưng cũng giống như các điểm trường nằm tại các bản khác, những khó khăn vất vả vẫn cứ hiện hữu với cả cô và trò nơi “ốc đảo” này.
Nằm bên cạnh con suối, ngôi trường vừa là nơi học chữ vừa là nơi ở của các em học sinh. Điểm nhấn lớn nhất mà chúng tôi gặp khi vào “ốc đảo” Hữu Khuông chính là những căn lều tạm bợ làm bằng tre, nứa dựng cạnh bờ suối sát vách nhà trường. Đó là những căn lều do các bậc phụ huynh dựng tạm để con em họ có thể đến trường học chữ được thuận lợi hơn.
Phụ huynh Vi Thị Thảo chia sẻ: “Ngày ngày vợ chồng tôi lênh đênh trên lòng hồ kiếm con cá, lên rẫy trỉa hạt ngô, trồng cây sắn. Con cái đang tuổi ăn, học tại trường nên gia đình dựng tạm cái lều tranh, tối đến có chỗ cho các cháu nằm nghỉ. Còn các gia đình khác, để con có cái ăn, cứ một tuần, hoặc 10 ngày bố mẹ lại đi bộ, chèo thuyền từ các bản ra tiếp tế gạo, muối, thức ăn”.
Thầy Nguyễn Tất Thi- Hiệu trưởng Trường THCS Hữu Khuông cho biết: Toàn trường hiện có 195 học sinh đang theo học, học sinh chủ yếu là con em của bà con dân tộc thiểu số, đời sống gia đình rất khó khăn. Sau khi thuỷ điện tích nước, xã Hữu Khuông trở thành ốc đảo, đời sống của bà con vì thế cũng vất vả, việc đi học của các em còn khó khăn gấp bội, nhiều gia đình đã chấp nhận dựng tạm lều bên suối để cho các em tới trường bớt vất vả hơn.
Rời “ốc đảo” Hữu Khuông xuôi dòng Nậm Mô, hình ảnh người dân, học sinh, giáo viên và cán bộ nơi đây thật phi thường trong mắt chúng tôi.