Văn hóa

Nỗi niềm sân khấu

Minh Quân 05/06/2024 08:38

Trong khi các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh… đang nở rộ những tài năng trẻ thì sân khấu truyền thống lại đối mặt với bài toán khủng hoảng lực lượng thế hệ kế cận.

anhbaitren(2).jpg
Trích đoạn “Xúy Vân giả dại”. Ảnh: NHCC.

Khó khăn bủa vây

Trong nhiều năm qua, việc thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ của các sân khấu nghệ thuật truyền thống đã trở thành bài toán hóc búa chưa tìm được lời giải. Tình trạng này không chỉ xảy ở các nhà hát mà ngay cả trong chính những cơ sở đào tạo. Đơn cử, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - đơn vị đào tạo nghệ sĩ lớn nhất nước đã nhiều năm không thể tuyển sinh trực tiếp 2 ngành Tuồng, Chèo vì có rất ít thí sinh tới dự tuyển.

Dẫn chứng từ thực tế, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam bày tỏ, hiện tại khoa Cải lương, thuộc Khoa Kịch hát dân tộc - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội chỉ có 1 giảng viên chính thức, còn lại là các giảng viên thỉnh giảng.

Cùng nỗi lo, nhà lý luận, phê bình sân khấu, TS Cao Ngọc chia sẻ, những quy định đối với đội ngũ giảng viên kịch hát dân tộc cũng có nhiều điểm bất cập. Để đúng chuẩn được đứng lớp phải là người có bằng đại học hoặc phải là nghệ sĩ ưu tú trong ngành. Ngay như đáp ứng đủ điều kiện đó thì không ít giảng viên gặp phải vấn đề, nếu giỏi nghề thì thiếu trình độ sư phạm, do đó tất yếu đòi hỏi họ phải qua những khóa đào tạo về nghiệp vụ giảng dạy.

Không chỉ khó khăn trong công tác đào tạo, việc đảm bảo “công ăn, việc làm”, tiếp sức cho các tài năng sân khấu truyền thống cũng đang là vấn đề. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, thế hệ nghệ sĩ trẻ đang sung sức trong lao động sáng tạo nghệ thuật đang nằm ngoài biên chế và hưởng lương hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị. Nhiều nghệ sĩ trẻ không sống được bằng những đồng lương ít ỏi, nên dẫu đam mê đến mấy cũng vẫn phải ngậm ngùi bỏ nghề, tìm công việc khác để có thu nhập, để mưu sinh. Thực tế này đã gây nên sự lãng phí khá lớn về tài chính và nguồn nhân lực.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện nay chỉ tiêu biên chế được giao ngày càng giảm (biên chế giao năm 2018 viên chức: 86 chỉ tiêu; năm 2023: 74 chỉ tiêu). Thêm nữa, sự bất hợp lý về độ tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu do số lượng nghệ sỹ “hết tuổi nghề” nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ đã lấp đầy chỉ tiêu biên chế, không còn chỗ cho nhận lực trẻ.

Tương tự, nghịch lý này cũng đang diễn ra tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi công tác tuyển dụng diễn viên tại đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do những năm gần đây số lượng học sinh đăng ký học Xiếc rất ít. Một phần cũng do chế độ lương còn hạn chế cộng thêm việc tập luyện rất vất vả và nguy hiểm.

Tạo chỗ đứng cho sân khấu truyền thống

Nút thắt nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Đơn cử, câu chuyện người trẻ không còn mặn mà với sân khấu truyền thống nguyên nhân do các xu thế văn hóa, nghệ thuật mang tính đại chúng của nước ngoài tràn ngập thị trường Việt Nam đã tạo ra những xu hướng tiếp cận mới. Trong khi đó, các giá trị văn hóa truyền thống hầu như bất biến, ít phù hợp với nhu cầu và thị hiếu hôm nay.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn kỳ họp 7, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo trong 7-12 năm, một số bộ môn 15-16 năm. Tuổi đào tạo nghề từ 10 tuổi và phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn bình quân 15-20 năm. Vì vậy, nữ nghệ sĩ 35-40 tuổi và nam 40-45 tuổi hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn. Việc này dẫn đến thực trạng người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật “hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi hưu” - khó khăn trong chuyển đổi vị trí việc làm.

Cũng theo ông Hùng, đa số họ không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức nên không thể đảm đương vị trí quản lý, hành chính. Các nghệ sĩ mong được giải quyết chế độ để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép họ nghỉ sớm hơn không quá 5 năm so với quy định. Vì vậy, Bộ đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, để giải quyết bài toán này, vấn đề không chỉ nằm ở việc “cởi trói” về cơ chế, mà đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa nhiều bộ, ngành và cả sự điều chỉnh ngay trong chính mỗi nhà hát.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động nói chung và nghệ sĩ nói riêng, từ việc tăng lương cơ sở, đến đưa nhiều loại hình nghệ thuật vào nhóm ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi những giải pháp cụ thể hơn, các nhà hát và nhà trường sẽ phải tự tìm lối đi cho riêng mình.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, hiện nay nguồn nhân lực của Nhà hát Cải lương Việt Nam nói riêng và sân khấu Cải lương cả nước nói chung vừa thiếu vừa yếu, cần có lộ trình đúng đắn để phát hiện, đào tạo có hiệu quả lực lượng biểu diễn trẻ có chất lượng về cả “thanh” và “sắc”. Một mặt giúp các em trau dồi vốn cổ trong nghệ thuật Ca - Vũ đạo - Biểu diễn, diễn tấu nhạc cụ dân tộc… Một mặt, phải được bồi dưỡng kỹ năng, tiếp thu những giá trị mới từ các loại hình nghệ thuật đương đại thế giới, phát huy cao độ tính giải trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm sân khấu